Hạnh phúc 'đa quốc gia, đa sắc tộc' quanh mốc ba biên

Kon Tum có đường biên giới với hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia dài 280,7km, bà con các dân tộc ở đây có nhiều mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân hai nước láng giềng. Riêng điểm giáp ranh ba tỉnh Kon Tum, Át-tô-pơ (Lào) và Rát-ta-na-ki-ri (Cam-pu-chia) đã nên duyên chồng vợ nhiều đôi trai gái, tạo thành những gia đình Việt - Lào, Việt - Cam-pu-chia đầy lãng mạn và hạnh phúc.

Cặp Mỹ Anh - Ban Mo.

Từ xa xưa, mối giao lưu hữu hảo này đã có và nay, khi cửa khẩu quốc tế được lập ra, đường sá thông thương thuận lợi, người dân hai bên qua lại dễ dàng, những mối lương duyên càng có cơ hội "sinh sôi nảy nở" nhiều hơn nữa.

Theo Đội công tác vận động quần chúng, Đồn BPCK quốc tế Bờ Y, hiện có đến cả chục "cặp đôi hoàn hảo" như vậy. Cụ thể, lấy vợ hoặc chồng Lào có các cặp: Nàng Thơn - Thao Tui ở làng Iệc; Y Biêng - Thao Ôr, Y Pheng - Thao Pát, A Môn - Y Son ở làng Đăk Răng (các làng dân tộc Ka-dong); Thao Chung - Nàng Sao Ô, Thao Nhanh - Y Thát, A Kéo - Y Nàng Nhang ở làng Đăk Mế (làng dân tộc Brâu). Lấy vợ hoặc chồng Cam-pu-chia có các cặp: Nàng Mỹ Anh - Ban Mo ở làng Đăk Mế; Mon Văn - Y Nàng Xuân ở làng Đăk Răng…

Chúng tôi tìm đến làng dân tộc Brâu, thôn Đăk Mế, thăm gia đình Việt - Lào A Kéo và Y Nàng Nhang (người Brâu luôn ghép từ "Nàng" trước tên người phụ nữ). Năm 2007, anh dân quân xã A Kéo (sinh năm 1984) gặp gỡ Nàng Nhang (sinh năm 1986), cũng cùng dân tộc Brâu nhưng ở tít tận bản Bung Vai, Khoen (huyện) Mường May, tỉnh Át-tô-pơ, sang Việt Nam thăm bà con. Cái ánh mắt "biết nói" và cái miệng cười "duyên hết chỗ nói" của Nàng Nhang đã bắt mất hồn chàng trai A Kéo!

Mà cũng lạ, cái tính tình hiền lành, hay xấu hổ của A Kéo không hiểu sao lại cũng cứ bắt cô gái 21 tuổi Nàng Nhang phải để ý đến và cảm thấy lòng mình… thinh thích, thương thương! Thế là một buổi hẹn hò bên bóng nhà rông, hai người đã nói lời hứa hẹn với nhau trọn đời!

Nàng Nhang kể: Ngày trước, cả ông bà nội, ngoại đều là dân tộc Brâu ở Bờ Y, vì lánh bom đạn thời chiến tranh đánh Mỹ nên đã dắt díu nhau chạy sang Lào tìm về gốc gác đã mấy đời xa cách (kể từ khi đoàn người Brâu đầu tiên thiên di qua đất Việt). Ông bà định cư luôn tại đó rồi sinh con đẻ cháu. Năm 2007, Nàng Nhang hay tin người ông (anh em với ông nội) ở Đăk Mế, Bờ Y đã già yếu và đang bệnh nặng, bèn quyết định đi thăm ông. Ngỡ thăm một thời gian rồi về, không ngờ cái thôn người Brâu đồng tộc này đã không để Nàng Nhang về lại Lào nữa! Đến nay, Nàng Nhang đã là mẹ của hai cậu con trai.

Chia tay cặp Việt - Lào A Kéo - Nàng Nhang, ghé qua một gia đình Việt - Cam-pu-chia, cũng tại thôn Đăk Mế. Ấy là cặp đôi Nàng Mỹ Anh, người Brâu của Việt Nam và chàng Ban Mo, người Brâu ở Cam-pu-chia. Nàng Mỹ Anh (sinh năm 1996) cao ráo, trắng trẻo, nhanh nhẹn, đẹp tươi. Có phải cái "mã ngoài" này đã khiến chàng trai Ban Mo (sinh năm 1972), kiểm lâm viên ở Đồn Nhà Sàn, Khu bảo tồn thiên nhiên (giáp ngã ba biên) nhân một chuyến "quá bước" sang chơi làng Đăk Mế thăm ông chú, bất ngờ bắt gặp cô gái Brâu mới vừa 16 tuổi này và… mê luôn?

Quê Ban Mo ở tận Tà Veng, Rát-ta-na-ki-ri. Ông chú của Ban Mo ở Đăk Mế có nguồn gốc từ thời ông bà lớp trước là người Brâu ở Tà Veng di trú sang đất Việt. Nay nhân công tác ở gần, Ban Mo tìm sang thăm họ hàng. Ban Mo trước đã có vợ ở Cam-pu-chia, sinh được một con trai thì vợ chết. Do vậy mà lúc mới gặp nhau, Nàng Mỹ Anh cũng có ý… "chần chừ" trước lời tỏ tình của người đàn ông hơn mình 14 tuổi, lại đã qua một đời vợ. Nhưng, cũng như những cặp đôi khác, cái gì sẽ đến rồi cũng phải đến thôi!

Nàng Mỹ Anh bảo lấy chồng xa "mệt" lắm! Mỗi lần muốn về thăm gia đình "bên ấy" là… rất mệt! Vợ chồng phải ôm thắt lưng nhau trên chiếc xe máy cà tàng "phi" đúng một ngày mới tới trung tâm tỉnh lỵ Rát-ta-na-ki-ri, ngủ đỗ qua đêm, sáng hôm sau bươn tiếp nửa ngày nữa mới đến Tà Veng. Nhưng, bù lại sự khó khổ ấy, gia đình nhà chồng rất đôn hậu, vui vẻ đón tiếp con cháu nhiệt nồng.

Nàng Mỹ Anh bảo phong tục bên ấy không đơn giản như bên "mình", mỗi khi vợ chồng về thăm là cứ y như rằng ba ngày một lần nhà làm cúng kiêng, tức tổ chức cúng bái và đãi tiệc. Không làm không được, trong khi đời sống ở quê chồng còn gian khó hơn ở Đăk Mế, chưa có đường nhựa, chưa có điện, nước sinh hoạt khan hiếm, còn phải giã gạo bằng tay... Vừa xa xôi, lại ngại tốn kém cho bố mẹ nên vợ chồng tìm cách… thưa đi về. Thưa đi về thì lại bị bố mẹ nhắn lời trách cứ nhiều lần lắm!

Khách đi tiếp sang thôn Đăk Răng của đồng bào dân tộc Ka-dong (một nhánh Xê-đăng) để gặp cặp Việt Nam - Cam-pu-chia khác. Ấy là gia đình Y Nàng Xuân và Mon Văn. Mon Văn (sinh năm 1986) quê huyện Văn Xay, tỉnh Rát-ta-na-ki-ri, đang là Đồn trưởng Đồn Nhà Sàn, Khu bảo tồn thiên nhiên giáp ranh Việt - Lào. Vì yêu cầu công tác, nhiều lần Mon Văn sang xã Bờ Y gặp gỡ làm việc với cán bộ xã, trong đó có A Sơn, Phó Bí thư xã.

Sau những buổi làm việc như vậy, A Sơn thường mời Mon Văn về nhà "giao lưu". Đó là dịp Mon Văn chạm mặt và để ý Nàng Y Xuân - cô em gái của Phó Bí thư xã. Mon Văn bảo rất thích cái tính đon đả, vui tươi, nhanh nhẹn của Y Xuân trong khi giúp anh trai tiếp khách. Thế là "trai tài gái sắc" ráp thành đôi như duyên trời đã định! Và cũng như cặp Mỹ Anh - Ban Mo, cặp Y Xuân - Mon Văn mỗi lần về thăm quê chồng cũng phải gió bụi đường trường "quá cảnh" sang địa phận tỉnh Gia Lai qua cửa khẩu Lệ Thanh mới đến được!

Cặp Y Xuân - Mon Văn. Ảnh Tạ Văn Sỹ

Anh cán bộ địa bàn của đồn BP còn bảo sẽ dẫn tìm gặp một cặp nữa ở thôn Bắc Phong, dân tộc Mường lấy chồng Lào hay Cam-pu-chia gì đó, nhưng mấy ly rượu hiếu khách của nhà Mon Văn - Y Xuân đã làm tôi lảo đảo giữa bóng núi vây quanh trong buổi chiều tà miền biên ải đang ngấm dần cái lạnh đến rùng mình. Hẹn mai sẽ tiếp tục. Say, nhưng vẫn còn đủ "tỉnh táo" để nhớ lại cách tiếp chuyện nhiệt tình, vui vẻ của các cặp vợ chồng đã gặp, mà qua đó ai cũng nhận thấy ngay sự hài lòng, hạnh phúc của những gia đình "đa quốc gia, đa sắc tộc" nho nhỏ, yên bình và quá đỗi dễ thương này.

Và những gia đình "đa quốc gia, đa sắc tộc" ấy là minh chứng cho mối giao hảo gắn kết giữa ba nước nơi vùng đất ba biên. Chỉ có điều, vì là hôn nhân "có yếu tố nước ngoài" nên không phải ai cũng có điều kiện đi về tỉnh liên hệ với Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp để hoàn thiện sớm thủ tục kết hôn.

Tạ Văn Sỹ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/hanh-phuc-da-quoc-gia-da-sac-toc-quanh-moc-ba-bien/