Hạnh phúc của việc ly hôn!

Vụ ly hôn ồn ào của vợ chồng chủ hãng cà phê Trung Nguyên khiến báo chí tốn rất nhiều giấy mực. Theo dõi truyền thông, thì đúng là 'Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay', nhưng có điều cả hai đều đồng ý là đã chịu đựng nhau quá lâu, suốt 5 năm.

Dù theo quy định của pháp luật, thì hòa giải là thủ tục bắt buộc đối với vụ án ly hôn. Nhưng đáng ngạc nhiên là trong suốt phiên tòa sơ thẩm, thẩm phán bỏ ra quá nhiều thời gian để thuyết phục hai bên “hòa giải”. Và tôi quả thực không hiểu, với tư cách đạo đức và với sự hiểu biết ở mức cao xa thế nào, mà ông có quyền đưa ra lời khuyên về cách hai con người trưởng thành phải sống với nhau ra sao? Trong khi, chuyện tình cảm thì không có công thức chung, nó khác với chuyện tài sản. Phải chăng, vỏ bọc của cái gọi là “một gia đình toàn vẹn” lại quan trọng hơn sự hạnh phúc độc lập của mỗi cá nhân”?

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên xử sáng 27/3/2019ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên xử sáng 27/3/2019ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Nếu chúng ta coi ly hôn là chuyện hợp tan bình thường, là chuyện mỗi cá nhân có quyền quyết định mà không bị buộc phải nghe “thẩm phán xúi dại một lần”, là chuyện mà pháp luật đóng vai trò trung lập giúp cho cuộc ly hôn diễn ra nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn, lành mạnh hơn thì mọi chuyện chắc chắn sẽ tốt hơn. Đứng trước tòa, kể về những ngày tháng yêu nhau, rồi chì chiết nhau, đổ lỗi cho nhau trước bàn dân thiện hạ, thật không khác nào một cực hình, cả về thể xác lẫn tâm hồn, cũng như danh dự của mỗi bên.

Nếu chúng ta cho rằng, ly hôn có thể có những ảnh hưởng xấu tới những đứa con. Thì có một câu hỏi là, ai dám chắc rằng những đứa trẻ sẽ phát triển bình thường trong một gia đình mà cha mẹ chúng không còn tình yêu? Tôi không cổ súy cho việc ly hôn, nhưng tôi cổ súy cho việc mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người.

Mùa đông hai năm trước, tôi đến thị trấn Néris-les-Bains miền Trung nước Pháp để thăm một người bạn. Néris-les-Bains quả thực là một miền quê cổ tích với những bãi cỏ trải dài và những ngôi nhà thấp thoáng trên sườn đồi. Lái xe trên những con đường uốn lượn này, thi thoảng lại thấy những tòa lâu đài cổ hàng trăm năm tuổi rêu phong, tĩnh mịch.

Một buổi chiều, tôi cùng chú Claubert, bố của Théophile-bạn tôi, đi siêu thị để chuẩn bị cho bữa tối. Hôm đó, Claubert mua khá nhiều đồ và nói rằng “sẽ có thêm vài vị khách nữa”. Tối đó, chúng tôi chuẩn bị hàu, pa tê, rượu vang và bánh mì để tiếp đón những vị khách. Khoảng 7h tối, một người phụ nữ đứng tuổi tới, chú Claubert giới thiệu rằng, đây là vợ cũ của chú, người sống ở ngay thị trấn bên cạnh. Chỉ ít phút sau, vợ của chú đi làm về. Hai người phụ nữ đã ôm nhau ngay khi gặp, họ thậm chí còn thơm nhau tới 3 lần. Tối ấy, chúng tôi nghe Théophile chơi ghi ta và cùng nhau hát. Đó là một trong những buổi tối gia đình đầm ấm nhất mà tôi từng tham dự. Sự thân thiện của hai bà vợ, những đứa con của họ khiến tôi có phần ngạc nhiên.

Chia sẻ điều này với những người bạn nước ngoài khác, họ bảo tôi rằng, ly hôn ở phương Tây là chuyện hết sức bình thường, tỷ lệ ly hôn ở một vài nước thậm chí có thể lên tới 50% hoặc cao hơn nữa. Nhưng tỷ lệ ly hôn cao, không đồng nghĩa với việc người ta sẽ có khả năng ghét nhau nhiều hơn. Vợ chồng sau ly hôn vẫn có mối quan hệ tốt đẹp, tôn trọng nhau, mối quan hệ này sau đó, còn được lan sang cả các bà vợ và những đứa con. Cuối cùng thì họ trở thành những người bạn thân về mặt tinh thần trong khi cũng có những điểm chung hữu hình khác, là những đứa con.

Với cách cư xử này, trẻ con trong một gia đình ly hôn vẫn sẽ nhận được sự quan tâm cần thiết từ cha mẹ cho sự phát triển của chúng, cả về tinh thần lẫn vật chất. Thậm chí, chúng còn học được một bài học đầu đời quan trọng, là tôn trọng nhau khi đã không thể cùng chung sống và vì thế cách nhìn nhận cuộc sống có phần cởi mở hơn. Théophile, bạn tôi, “sản phẩm” từ một cuộc ly hôn vẫn là một chàng trai đáng mến, hòa đồng và có tài năng âm nhạc không thể phủ nhận. Sự văn minh sau ly hôn rõ ràng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái hoặc ít nhất trong việc khiến những đứa trẻ có cái nhìn tôn trọng về bố mẹ chúng.

Sáng nay tôi vô tình bắt gặp tựa sách “Hôn nhân không tình yêu” của Diệp Lạc Vô Tâm. Lời giới thiệu cho cuốn sách ngôn tình này khá thú vị, tôi xin được trích dẫn lại ở đây: “Con người trong cả một đời dù sao cũng phải làm vài chuyện khiến bản thân hối hận, như thế cuộc đời mới hoàn chỉnh. Cho đến tận bây giờ, tôi chỉ làm hai việc giúp cuộc đời mình hoàn chỉnh. Việc đầu tiên là yêu anh. Một việc khác, là gả cho anh”.

Đọc xong lời giới thiệu, tôi tự dưng băn khoăn, không hiểu rằng cô gái sau khi đã hối hận vì đã “yêu và gả cho anh” thì có ly hôn “anh” luôn hay không? Hay là lại muốn tiếp tục hối hận để làm đời mình “hoàn chỉnh” hơn?

Còn tôi, nếu chẳng may nhận ra rằng việc “yêu em và việc được ‘gả’ cho em” là chuyện đáng hối hận, thì tôi sẽ quyết định bất cứ thứ gì để đời tôi hạnh phúc hơn, chứ không muốn cuộc đời mình “hoàn chỉnh” (theo kiểu tiểu thuyết ngôn tình).

Nguyễn Vương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hanh-phuc-cua-viec-ly-hon-a427442.html