'Hạnh phúc của mẹ': Bộ phim cảm động của điện ảnh Việt dịp 8.3

Bộ phim Hạnh phúc của mẹ của đạo diễn Huỳnh Đông được đánh giá là bộ phim cảm động nhất của điện ảnh Việt ra rạp đúng dịp ngày 8.3 năm nay.

Mạnh dạn lược bỏ yếu tố giải trí, không thêm vào những mảng miếng gây cười hay hành động kịch tính, Hạnh phúc của mẹ thu hút khán giả bằng tất cả những gì chân phương, bình dị nhất, nhưng cũng từ đó giúp người xem dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm và cảm xúc chân thật hơn.

Không cần kỹ xảo hoành tráng, Hạnh phúc của mẹ chân thật đến xót xa

Chuyện phim Hạnh phúc của mẹ theo chân cậu bé 10 tuổi bị mắc chứng tự kỷ Tim (bé Huy Khang), sống cùng người mẹ đơn thân (Cát Phượng) tại một làng chài nghèo miền Trung. Dù không có cuộc sống bình thường như bạn bè cùng trang lứa, thường bị nhìn bằng ánh mắt hoài nghi, dè chừng, Tim vẫn sống thiện lương và có đam mê, ước mơ không thua kém những đứa trẻ khác. Để cho con được ăn học và nuôi dưỡng giấc mơ cho cậu con trai thua thiệt, mẹ Tuệ phải làm mọi công việc nặng nhọc nhất từ diêm dân, bốc vác, bán hàng…

Người ta thường đưa lên màn ảnh rộng những gì lung linh và hào nhoáng nhất của đời thường, đó có thể là thành phố Sài Gòn nhộn nhịp, sầm uất, Đà Lạt hiền dịu, mộng mơ hay những miền quê hoang sơ, hùng vĩ. Song, Hạnh phúc của mẹ lại đưa khán giả về một làng chài nghèo ven biển miền Trung, nơi chỉ có gió, cát và nắng cháy. Tại đây, những người dân khổ sở làm việc quần quật ngày đêm, dù che kín người cũng không khỏi đen sạm đi vì cái nắng cái gió.

Không đưa người xem đến những vùng đất xa xôi, đẹp đến vô thực, Hạnh phúc của mẹ như mang chính thực tại tàn nhẫn, khắc khổ của những người dân nghèo miền biển lên màn ảnh rộng. Chính vì thế, thay vì cảm giác ngạc nhiên hay phấn khích, người xem lại dấy lên những nỗi niềm cảm thương, cảm nhận sâu sắc và rõ nét hơn câu chuyện về người mẹ nghèo khổ, gồng gánh trên lưng cái nắng cháy của biển, sống trong căn nhà leo lét đơn côn, giữa muôn vàn áp lực đến mức có thể khiến bất cứ ai ngã quỵ, nhưng vẫn nỗ lực mang đến cho cậu con trai nụ cười hồn nhiên, vui vẻ nhất.

Và rồi, giữa phông nền không màu mè cùng với thực tại tàn nhẫn, khắc khổ như hoang mạc ấy, có một tình mẹ thiêng liêng, cứng cỏi và bền bỉ như cây xương rồng mọc lên để nuôi dưỡng những mầm hoa bé nhỏ. Có thể nói, chính sự tương quan rõ nét ấy đã khiến tình yêu của mẹ Tuệ dành cho bé Tim trở nên đẹp đẽ, đáng trân quý và dễ dàng chạm đến trái tim khán giả.

Không gây cười, không kịch tính, Hạnh phúc của mẹ vẫn chiêu đãi khán giả một bữa tiệc cảm xúc

Hạnh phúc của mẹ có thể không dành cho những ai ra rạp để cười, để hồi hộp đến ná thở trước các cảnh quay hành động kịch tính. Song, tác phẩm của đạo diễn Huỳnh Đông vẫn lặng lẽ ra rạp, mang theo câu chuyện nhẹ nhàng và sâu lắng về người mẹ đơn thân và cậu bé mắc chứng tự kỷ. Đó là một sự lặng lẽ đầy cứng cỏi, mạnh mẽ, cũng giống như tình yêu của mẹ Tuệ dành cho con trai, để khiến những ai - một khi đã lựa chọn thưởng thức phải ám ảnh mãi không thôi.

Không dành chỗ cho yếu tố gây cười hay hành động kịch tính, Hạnh phúc của mẹ gần như dành toàn bộ thời lượng để nuôi dưỡng cảm xúc khán giả, khiến người xem khóc cười cùng nhân vật. Có chăng, nụ cười ấy là nụ cười xót xa, nụ cười hạnh phúc khi nhìn bé Tim - cùng với sự nâng niu, che lối của mẹ Tuệ - có thể tự vượt qua chính mình, chạm tay đến đam mê và ước mơ nghệ thuật như bạn bè cùng trang lứa.

Sự táo bạo của Hạnh phúc của mẹ còn nằm ở dàn diễn viên lăn xả, giàu thực lực và tâm huyết. Tái xuất màn ảnh rộng, Cát Phượng hóa thân tròn trịa đến không tưởng khi vào vai bà mẹ đơn thân, cô sẵn sàng rũ bỏ lớp trang điểm cầu kỳ thường ngày để trở thành người mẹ nắng gió của làng chài ven biển. Trong khi đó, diễn xuất của bé Huy Khang cũng được đánh giá là điểm sáng cho bộ phim. Lần đầu tiên trên màn ảnh rộng Việt Nam, một diễn viên nhí có thể đảm đương vai diễn cậu bé tự kỷ một cách chân thật, gợi thương cảm cho người xem đến thế.

Không ngoa ngôn khi khẳng định, Hạnh phúc của mẹ dẫu không giàu sức hút như những bộ phim hành động chiếu cùng thời điểm, song đây vẫn là một tác phẩm tử tế, đáng xem, phù hợp cho những ai muốn ra rạp cùng mẹ, cùng vợ dịp Quốc tế Phụ nữ.

Nguồn: Hằng Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/hanh-phuc-cua-me-bo-phim-cam-dong-cua-dien-anh-viet-dip-83-1058114.html