Hạnh phúc của đàn bà

Khi mang nặng đẻ đau, Hằng mới thấm thía nỗi nhọc nhằn vất vả của mẹ. Mỗi lần nhắc đến chuyện xưa, dì của Hằng lại sụt sịt, nước mắt chảy ròng ròng vì xót xa, thương cho chị gái.

Nhà đông anh chị em, nhưng mẹ Hằng lấy chồng xa quá nên lúc chửa đẻ không có bố mẹ, anh em ruột thịt bên cạnh chăm sóc, đỡ đần. Nhà chồng thì dửng dưng. Cũng chẳng biết vì không hợp với bố Hằng hay không thích mẹ Hằng mà ông bà nội không ai ngó ngàng đến mấy đứa cháu lúc chào đời. Sinh Hằng buổi tối hôm trước, trưa hôm sau mẹ đã phải gượng mình lóp ngóp dậy nấu cơm ăn. Chồng đi công tác từ sáng sớm, trưa không về nhà. Mùi cơm thơm từ phòng bên báo cho mẹ Hằng biết ông bà nội chuẩn bị ăn trưa. Mẹ nuốt nước miếng ừng ực, đẻ con mất sức, bụng đói cồn cào, nghĩ đến bát cơm nóng mà trực trào nước mắt. Ông bà nội thản nhiên bưng bát đũa ăn cơm, không một lời đoái hoài đến đứa con dâu vừa đẻ tối qua nằm trong buồng chưa được miếng nào vào bụng. Sống chung một nhà nhưng riêng nồi, riêng bát, có nghĩa là ông bà nội và bố mẹ Hằng không ăn chung. Tuy thế, vào lúc sinh nở như này, mấy người vô tình đến mức không hỏi con dâu, hỏi cháu lấy một câu… Mẹ Hằng nghĩ, mình đói khổ mình, khổ con mình. Thôi thì gạn đắng chát tủi hờn trong lòng mà vực dậy tự nấu cơm.

Thế nên Hằng biết, giờ mình nhọc bao nhiêu cũng không đáng gì so với những chịu đựng của mẹ hồi xưa.

***

Hằng vừa đặt túi xách lên bàn làm việc, uể oải ngả lưng vào chiếc ghế, điện thoại di động kêu reng reng. Mẹ gọi, mẹ hỏi đêm ngủ ngon giấc không, chân tay có bứt rứt gì không, sao tầm này rồi còn cố đi làm làm gì. Mẹ dặn ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, vài hôm nữa mẹ sẽ thu xếp ra ở cùng, đỡ đần việc nhà cho… Trước đó thì Hằng từ chối, vì không muốn mẹ vất vả thêm. Ở quê, mẹ có thể tham gia các hoạt động tập thể với các bác trong thôn hoặc đi chùa chiền cho khuây khỏa tuổi già, chứ ra ở cùng vợ chồng Hằng, suốt ngày lấn bấn với con cháu, giam mình trong bốn bức tường tội lắm. Nhưng giờ vác thân đi lại còn khó, làm sao Hằng tắm rửa cho đứa lớn được, chồng thì bận bịu tối ngày, hơn nữa, tầm này đứa bé trong bụng có thể chào đời bất cứ lúc nào. Hằng sợ và thực sự muốn mẹ ở bên.

Minh họa: Lê Hải.

Minh họa: Lê Hải.

Bác sĩ nói khối u đã hơn 7 phân, đẻ thường hay đẻ mổ tùy gia đình quyết định. Đẻ mổ thì kết hợp được việc bóc tách khối u. Đi khám bác sĩ nào, vợ chồng Hằng cũng nhận được lời tư vấn chung chung như thế. Trên hình siêu âm, đứa bé đang chu môi, mút mút ngón tay rồi mủm mỉm cười, bàn chân nhỏ xíu giơ lên đạp đạp trước màn hình. Lòng Hằng trào lên một thứ cảm xúc hạnh phúc khó tả. Hằng mơ từng ngày, từng giờ được gặp con. Nếu đẻ thường thì sau sinh Hằng vẫn phải mổ để giải quyết khối u, thôi mổ một lần cho xong. Hơn nữa, mổ đẻ thì đứa bé sẽ an toàn hơn và điều đó quan trọng nhất. Chưa bao giờ bị dao kéo đụng vào người, mới nghĩ thôi, Hằng đã thấy lạnh dọc sống lưng. Mẹ động viên Hằng nhiều. Trước kia mẹ cũng đã mổ bóc tách u xơ, mẹ bảo không vấn đề gì đâu, bác sĩ gây tê rồi, mình không còn cảm giác đau đớn nữa.

Nói vậy nhưng mẹ còn lo lắng hơn cả con gái. Mẹ trằn trọc mất mấy đêm, lòng mẹ không sao yên vì biết đây sẽ là cuộc mổ kép, vừa lấy thai, vừa bóc tách u xơ. Thời gian cuộc mổ sẽ kéo dài hơn, Hằng sẽ mất máu nhiều hơn. Thân hình con gái mẹ vốn mảnh dẻ, yếu ớt. Mẹ băn khoăn ngẫm ngợi, không biết sức khỏe Hằng có chịu được ca phẫu thuật hay không. Tự nhiên, mẹ lại nhớ đến chị Oanh, vợ anh Khang cùng xóm ở quê. Chị đang khỏe mạnh là thế. Ai ngờ được… Trước khi đi đẻ, chị Oanh còn tươi vui ra mặt chào mẹ. Sáng chị nhập viện, trưa ở nhà đã nhận được hung tin. Hai mẹ con chị đi nhanh đến mức người ta không thể tin nổi đó là sự thật. Mỗi lần nhớ đến chị, lòng mẹ vô cùng xót xa. Nhưng giờ mẹ lo lắng đến mấy thì cũng chẳng biết làm thế nào. Đàn bà không đẻ được còn khổ hơn, như cái cây khô, héo rũ dần. Thương con gái, mẹ chỉ biết dồn sức chăm chút bồi dưỡng cho Hằng ăn uống mỗi ngày, làm được việc gì mẹ dành làm hết để Hằng được nghỉ ngơi.

Hằng nhập viện theo lịch đặt với bác sĩ. Mẹ đi chợ sớm, mua đủ thứ hoa quả, bánh kẹo, tiền vàng đặt lên ban thờ, lầm rầm cúng khấn. Rồi mẹ tất tả chuẩn bị đồ theo vợ chồng Hằng đến viện trước giờ mổ mấy tiếng đồng hồ. Bác sĩ cho Hằng làm một số xét nghiệm. Theo quy định của bệnh viện, người nhà ngồi hết ngoài sảnh đợi. Hằng phải vào phòng cách ly trước mổ để chuẩn bị. Chồng Hằng bóp bóp vai vợ. Hằng cười, hớn hở vẫy vẫy tay chào mẹ và chồng, nhưng bước theo sau gót cô nữ hộ sinh, Hằng vừa đi vừa cảm nhận rất rõ từng nhịp đập thình thịch trong lồng ngực mình.

Nằm lên chiếc giường chờ, tự nhiên Hằng thấy mình trơ trọi, lẻ loi làm sao. Hằng ước gì bàn tay mẹ đang nắm bàn tay mình. Hằng nhẩm lại lời của mẹ, “không vấn đề gì đâu”.

***

“Nhịp tim của con chị đấy, chị nghe thấy chưa ạ?”.

Lời của cô nữ hộ sinh cắt ngang dòng suy nghĩ của Hằng. Hằng khẽ gật đầu. Ừ, thiên thần bé nhỏ của Hằng đấy. Ai bảo Hằng chỉ có một mình. Hai quả tim đang đập trong cùng một cơ thể, một cơ thể bé nhỏ đang nằm trong cơ thể của Hằng, thật kỳ diệu. Hằng lại nhớ đến gương mặt trong trẻo của đứa lớn: “Mẹ có sợ không? Mẹ ơi, đẻ sẽ không đau đâu nhé, mẹ cứ làm theo con này”. Con bé dạy Hằng cách đẻ (chắc nó học điều đó từ mấy bộ phim dành cho trẻ con từ YouTube). Hằng phì cười với động tác của con bé. Đôi mắt ngây thơ hết sức nghiêm túc khi dạy mẹ.

Hằng làm theo hướng dẫn của bác sĩ, nằm nghiêng, người cong như con tôm. Liều thuốc tê từ từ chạy dọc sống lưng, dòng thuốc đi đến đâu, các tế bào tê bì đến đấy. Cái đầu vẫn nhận biết được nhưng toàn thân lại không còn cảm giác gì. Hằng tưởng tượng phần hồn và phần xác của mình đã tách biệt. Bác sĩ nhẹ nhàng xoay Hằng trở lại tư thế nằm ngửa, chống chân.

“Không vấn đề gì đâu”, Hằng nhẩm trong đầu. Chỉ tầm hai phút sau, Hằng nghe tiếng khóc oe oe của con. Nhanh quá! Tiếng khóc làm Hằng cảm động, người run lên sung sướng.

Cô nữ hộ sinh áp mặt em bé vào bên mặt Hằng. “Hai mẹ con nhận nhau đi nào. Bé nặng 3.100g, sinh lúc 10 giờ 35 phút. Dây hồng này gắn vào chân con, dây hồng kia gắn vào tay mẹ. Đến lúc ra viện mới được tháo dây chị nhé”. Hằng âu yếm nhìn con và khẽ gật đầu. Cô nữ hộ sinh áp má em bé chạm má Hằng, cái chạm khẽ và quá nhanh nhưng Hằng đã cảm nhận được làn da non ấm áp, thơm thơm của con.

Bác sĩ đang tiếp tục ca phẫu thuật. Dù không thể nhìn thấy bác sĩ đang làm gì với cơ thể mình nhưng với những gì nghe ngóng được, Hằng đoán từng diễn biến. Lần sinh đứa đầu, Hằng lên cơn đau đẻ vật vã, chưa bao giờ có cơn đau nào hành thân xác Hằng như thế. Lần này tuy không phải chịu đựng cơn đau đẻ nhưng lại bị áp lực nhiều về tinh thần. Lúc loay hoay chưa bóc tách được khối u, bác sĩ càu nhàu: “Chẳng lẽ cắt béng phần dạ con này, chân cái u sao mà bám loằng ngoằng thế”. Lúc tách được khối u ra rồi, bác sĩ thốt lên: “Kinh thật, khối u to, to hơn cả kích thước ở kết quả siêu âm đấy”. Lúc khâu vết mổ, giọng bác sĩ căng thẳng quát người phụ: “Chỉ đâu? Loại kia, không phải loại này. Nhanh. Kẹp mạch máu. Nhanh!...”.

Gần tiếng trên bàn phẫu thuật dài đằng đẵng, lời bác sĩ nói không lọt khỏi tai Hằng từ nào, nhiều ý nghĩ đan xen, u u trong đầu. Có những giây phút thực sự căng thẳng, hoang mang. Khoảnh khắc ấy, Hằng tự vấn bản thân, nếu được một người ở bên cạnh bây giờ, Hằng sẽ chọn ai? Hằng sẽ không chần chừ mà nói ngay rằng, Hằng cần mẹ. Có lẽ giữa mẹ và con gái luôn có một sợi dây kết nối thiêng liêng, không một mối quan hệ nào có thể so sánh được. Và chỉ có đàn bà với đàn bà mới đi đến tận cùng sự thấu hiểu của nỗi niềm hạnh phúc và sự đớn đau của sự sinh đẻ nên có thể dễ dàng đồng cảm, chia sẻ hay chăm sóc cho nhau.

***

Hằng được đưa trở lại phòng thường. Mẹ đang lạch cạch cốc thìa pha sữa nóng. Bác sĩ bảo Hằng có thể uống được chút sữa nóng. Hoa đến từ lúc Hằng còn đang trong phòng mổ. Nó bảo mẹ nóng lòng, đứng ngồi không yên. Mặt mẹ nhợt đi khi thấy gần tiếng đồng hồ mà ca phẫu thuật chưa xong, tận đến khi bác sĩ chính mang cái u ra cho cả nhà nhìn và báo Hằng ổn rồi, gương mặt mẹ mới giãn ra.

Hằng và Hoa chơi thân với nhau. Gần như chuyện gì Hằng cũng hỏi ý kiến Hoa. Hằng nhớ khi mình bảo với Hoa sẽ sinh đứa thứ hai, nó đã gí ngón tay vào đầu Hằng và gằn giọng: “Mày dại quá, sinh cho chồng một đứa được rồi, vội tính sinh tiếp chi cho mệt. Nhất là khi sức khỏe không tốt, làm sao mà phải chịu thiệt thòi vậy. Đàn bà phải biết yêu lấy bản thân”.

Hoa có lối sống hiện đại, Hằng hai đứa rồi mà nó vẫn chưa chồng. Nó bảo chơi cho sướng đã, tuổi trẻ phải hưởng thụ, chồng con làm gì cho nặng gánh.

Vậy mà giờ nhìn nó kìa, xuýt xoa cưng nựng em bé gớm chưa kìa.

Hoa ẵm em bé lại gần Hằng, cố hôn hôn hít hít như không muốn rời ra, nó nguýt Hằng:

“Tôi ghen với cô quá cơ. Đây, tôi trả thiên thần cho cô, thiên thần và mẹ đoàn tụ, ôm ấp nhau một tí cho đỡ nhớ nhé, không chút nữa cô áo trắng lại bế thiên thần đi kiểm tra”.

Hằng định nói với nó, lấy chồng đi sẽ có thiên thần nhưng lại thôi…

Con bé rúc rúc vào nách Hằng, nhìn cái miệng nhỏ xíu ngớp ngớp thật đáng yêu. Mẹ nói đúng, việc sinh con không chỉ cho chồng, nhà chồng, mà cho chính bản thân mình. Tình yêu của người mẹ dành cho những đứa con là tình yêu vô điều kiện. Để có một thiên thần như thế này, dù phải đánh đổi nhan sắc, tuổi trẻ hay sức khỏe đi chăng nữa thì Hằng vẫn làm. Bởi Hằng hiểu, đó chính là hạnh phúc to lớn của đàn bà.

Truyện ngắn của TRẦN NGỌC MỸ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/hanh-phuc-cua-dan-ba-568105