Hạnh phúc bình dị ở Trường Sa

Trường Sa - nơi phên giậu Tổ quốc, không chỉ có cán bộ, chiến sĩ ngày đêm canh giữ, bảo vệ biển đảo xa xôi, mà ở đó còn có những tổ ấm tiền phương thực sự tràn đầy niềm vui và lạc quan. Như bao gia đình Việt Nam khác, dù là nơi đầu sóng, ngọn gió, họ vẫn vun đắp cuộc sống hạnh phúc rất đỗi bình dị. Và không chỉ xây dựng hạnh phúc của riêng mình, thẳm sâu trong lòng mỗi người còn là tình yêu biển đảo quê hương sâu sắc.

Gia đình anh Thái Minh Khai và chị Vi Thu Trang, hộ dân số 1, xã Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Những tổ ấm nơi tiền phương

Khi tiếng kẻng báo thức vang lên lúc 5h, cũng là lúc bình minh của các công dân trên các xã đảo bắt đầu. Các hộ gia đình hối hả chuẩn bị bữa sáng. Đúng 7h, tất cả trẻ em đến trường học, nơi cách khu nhà chỉ vài trăm mét. Trong tổng số 21 đảo với 33 điểm đóng quân của bộ đội ta tại quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), 3 đảo có hộ dân sinh sống, đó là: Trường Sa, Song Tử Tây và Sinh Tồn. Các hộ dân là những đôi vợ chồng 30-40 tuổi, có từ một đến hai con.

Bước vào lối đi dọc dãy nhà dân của đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa) được xây dựng kiên cố, rộng rãi, chúng tôi gặp anh Đặng Trung Hiền và người hàng xóm đang khiêng chiếc tủ cấp đông do tỉnh Khánh Hòa vừa trao tặng. Chị Trần Minh Cúc - vợ anh Hiền, đang mang bầu cháu thứ hai đi ngay phía sau, nét mặt hân hoan, đôi mắt ánh lên hạnh phúc, thi thoảng nhắc: “Các anh nâng cẩn thận, đặt nhẹ tay thôi…”. Đặt chiếc tủ vào sân nhà, anh Hiền lấy tay quệt mồ hôi, hồ hởi nói: “Đây là chiếc tủ cấp đông đầu tiên gia đình tôi được nhận. Nó thật sự rất cần thiết đối với mỗi hộ dân nơi đảo xa vì từ giờ sẽ không phải lo hỏng đồ ăn cho bọn trẻ nữa rồi”.

Niềm hạnh phúc ấy cũng hiện lên trong đôi mắt của vợ chồng anh Thái Minh Khai, chị Vi Thu Trang (xã Song Tử Tây), khi đón đoàn công tác từ đất liền ra thăm vào cuối tháng 4-2021. Các hộ dân trên đảo cho biết, họ “vui như Tết” vì hơn 1 năm nay mới lại có đoàn ra thăm đảo do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Pha bình trà ngon, đem thạch, bánh đông sương tự làm ra đãi khách, chị Trang chia sẻ: “Nhà tôi cùng các gia đình trên đảo ra đây được 3 năm. Hằng ngày, khi các anh đi làm nhiệm vụ dân quân tự vệ, bọn trẻ đến trường học, chúng tôi ở nhà nấu ăn, tham gia vệ sinh quét dọn, chăm sóc hoa, cây cảnh trên đảo…”. Tiếp lời vợ, anh Khai nói: “Vì nghĩa vụ và trách nhiệm với Tổ quốc, chúng tôi thấy tự hào khi được sống ở Trường Sa. Vì vậy, anh em đều rất hăng hái tham gia đội dân quân tự vệ, cùng chung sức giữ gìn biển đảo quê hương”.

Cũng như đảo Song Tử Tây, một màu xanh mát trải dài trên xã đảo Sinh Tồn. Mùa này, trước mảnh sân nhỏ của mỗi gia đình trên xã đảo đều có giàn bầu trĩu quả, một vài cây chanh, vạt mùng tơi chen kín phía bờ rào... Trong căn nhà vững chãi, ấm cúng rộng hơn 100m2, vợ chồng anh Lê Minh Hải, chị Phan Nguyễn Xuân Thùy (xã Sinh Tồn) cho hay, anh chị rất vui và hài lòng với cuộc sống trên đảo. “Chị em ở đây thương yêu, đùm bọc, động viên nhau làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ, xây dựng hạnh phúc nơi xã đảo”, chị Thùy cười tươi nói.

Chiều nhạt nắng, sau giờ học, những công dân “nhí” của thị trấn Trường Sa nắm tay nhau, xoay tròn hát vang bài “Quê em ở Trường Sa”. Nhìn những đứa trẻ nô đùa, cười giòn giã, không ai có thể nghĩ đây là những gì đang diễn ra tại hải đảo, mà cứ ngỡ đây chính là ở một vùng quê thuộc các tỉnh miền Trung… - nơi “chôn nhau cắt rốn” của cha mẹ các em. Và những gia đình nhỏ trên huyện đảo, tuy vẫn còn không ít khó khăn, nhưng với tình đoàn kết, mỗi gia đình không chỉ chăm sóc cho hạnh phúc tổ ấm của riêng mình, họ còn cùng nhau xây dựng nên một cộng đồng cư dân thắm đượm tình làng, nghĩa xóm nơi hải đảo xa xôi.

Bản hòa ca tình quân dân

Thanh bình, yên ả, vui tươi, phấn khởi, đó là cảm nhận của chúng tôi khi đến thăm các xã đảo. Vui đùa cùng cô con gái 22 tháng tuổi ở sân Nhà văn hóa xã Sinh Tồn, anh Trương Đức Lành phấn khởi nói: “Tôi vừa hết phiên trực dân quân, ra đây chơi với con. Các gia đình đều nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tình cảm của cả nước hướng về Trường Sa, đặc biệt là sự quan tâm, chăm sóc của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Có việc gì bộ đội sẵn sàng hỗ trợ các hộ dân ngay. Đây là động lực mạnh mẽ để chúng tôi gắn bó, xây dựng, giữ gìn biển, đảo quê hương”. Vừa nựng con, chị Nguyễn Thị Thu Thủy vừa chia sẻ: “Tôi mang thai cháu thứ hai khi ra đảo được một thời gian. Khi đến cữ, tôi được tàu hải quân đưa vào bờ để sinh nở cho an toàn. Con cứng cáp, chồng tôi theo tàu đón hai mẹ con quay lại đảo. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm sinh sống ở đây”.

Trung tá Lê Trọng Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đảo kiêm Chủ tịch HĐND, UBND xã Sinh Tồn cho biết: “Những năm qua, Đảng ủy và Ban Chỉ huy đảo thường xuyên có mối quan hệ chặt chẽ với HĐND, UBND xã trong hoạt động chăm lo đời sống của các lực lượng trên đảo nói chung cũng như nhân dân nói riêng. Đặc biệt, trước các vấn đề kiến nghị của bà con, chúng tôi luôn quan tâm, lắng nghe, giải đáp kịp thời các vướng mắc. Vào dịp lễ, Tết, chúng tôi tổ chức thăm hỏi tặng quà; phân công cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân ổn định nơi ăn, chốn ở, tăng tình đoàn kết quân dân”.

Khi được hỏi về nỗi e ngại khoảng cách địa lý xa xôi giữa đất liền và đảo, các hộ dân ở 3 thị trấn, xã đảo đều cho rằng khoảng cách đó giờ đã gần hơn rất nhiều, vì trên đảo có ti vi, sóng điện thoại, việc liên lạc với người thân trong đất liền rất thuận lợi. Thực phẩm và đồ dân dụng được cung cấp thường xuyên, không thiếu như trước. “Ở đây, các gia đình đùm bọc, giúp đỡ nhau như ruột thịt, tình quân dân gần gũi, gắn bó, thân thiết. Chúng tôi đều có mong muốn ở Trường Sa lâu dài”, chị Lưu Thị Cẩm Hằng (đảo Song Tử Tây) cho hay. Còn anh Nguyễn Huy Cường, chồng chị Hằng nói: “Tôi nghĩ sau này con mình sẽ rất tự hào kể về Trường Sa, nơi chúng đã sinh ra, lớn lên và cũng có thể sẽ trở thành chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam”.

Theo Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Lê Đình Hải, hiện nay, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, sự chung tay giúp sức của nhân dân cả nước, các xã đảo đều được đầu tư, xây dựng cơ bản về điện, đường, trường, trạm; tình đoàn kết quân dân luôn được đề cao. Ai cũng tự hào và càng ở, càng thấy yêu mến, gắn bó với Trường Sa.

Chia tay thị trấn Trường Sa và 2 xã đảo, trong lòng chúng tôi văng vẳng những câu hát hồn nhiên của thiếu nhi Trường Sa: “Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển”, qua đó thêm vững tin hơn bởi ở nơi đầu sóng, ngoài những người lính can trường còn có những tổ ấm đầy yêu thương ngày đêm đóng góp công sức xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Dương Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/1000200/hanh-phuc-binh-di-o-truong-sa