Hạnh phúc, ân tình như hơi thở

Những ngày Tết Quý Mão 2023, giữa nhịp sống hiện đại, không ngừng đón đầu những xu hướng mới, người ta không chỉ hoài niệm những điều dung dị, phong tục ông bà để lại theo tháng năm đã thành nét văn hóa đẹp ở thành phố những ngày đầu năm, mà còn vun đắp những hơi thở cuộc đời thêm mạnh lành…

1. Hai chữ Hạnh phúc viết thư pháp trên nền giấy đỏ vừa xong, chị Mai Hà Thy (34 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) tặng cho vợ chồng người bạn ngoại quốc đi cùng đến viếng Lăng Ông Bà Chiểu (Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt) ngày đầu năm. “Năm nay, gia đình tôi đón vợ chồng bạn người bạn ở Pháp sang ăn tết, đưa mọi người ra đây để tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng ở thành phố mình dịp đầu năm. Hơn 10 năm rồi, gia đình tôi ngày đầu năm đi dạo phố, đi chơi ở đâu cũng phải ghé Lăng Ông cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc”, chị Hà Thy chia sẻ.

Trong dòng người ra phố đón xuân, một nhóm bạn trẻ viếng Lăng Ông và dừng lại thật lâu để xem trọn tiết mục múa lân. Chị Nguyễn Thị Hoài Thư (23 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên, tôi đến viếng Lăng Ông dịp đầu năm và tìm hiểu về những phong tục văn hóa ở đây, có nhiều điều rất hay mà nếu không đến thì khó mà cảm nhận hết những giá trị ngàn xưa ở thành phố mình đang sống”.

Dấu ấn văn hóa theo chân người mở cõi, hòa quyện vào vùng đất Nam bộ và tín ngưỡng dân gian của vùng đất mới cũng ghi đậm dấu ấn một thời khai hoang lập ấp, với những mái đình che chở tinh thần người dân, để hôm nay, Lễ Khai hạ - Cầu an ở Lăng Ông Bà Chiểu trở thành nét sinh hoạt tín ngưỡng được người dân thành phố mong đợi mỗi dịp tết đến xuân về. “Nhà tôi ở thành phố xưa nay, mấy chục năm theo ba má đi lễ Lăng Ông đầu năm. Mấy năm nay, ba má tôi không còn nhưng đã thành thói quen với anh chị em trong nhà, năm nào chúng tôi cũng rủ nhau ra Lăng Ông. Đến mùng 7 là bắt đầu Lễ Khai hạ - Cầu an, lúc đó thành viên nào trong gia đình rảnh thì đi, miễn sao trong 3 ngày tết cả nhà đi đâu cũng tranh thủ ghé qua Lăng Ông, thắp một nén nhang nguyện cầu bình an là đủ”, anh Trần Văn Tuấn (45 tuổi, ở quận Bình Thạnh) chia sẻ.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Nguyễn Đình Tư: “Lễ Khai hạ - Cầu an ở Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt vào dịp đầu năm với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu và muôn dân ấm no. Trong nền văn minh nông nghiệp lúa nước, Lễ Khai hạ - Cầu an càng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người dân Nam bộ, mọi hoạt động làm ăn đều bắt đầu sau ngày hạ nêu và khai hạ”.

2. Trong những ngày nhộn nhịp vào xuân, dòng người ra phố, về quê… ai cũng có những bận bịu riêng mình, nhưng người ta lại nghĩ cho nhau nhiều hơn, để mùa xuân chạm ngõ từng nhà, từng người trọn vẹn hơn. Sự sẻ chia lúc nào cũng có thể tìm thấy ở thành phố này, nhưng những ngày tết lại thấy nhiều hơn, ân tình cứ chảy như hơi thở, như nhịp sống và trở thành một bản sắc ở nơi này.

Các bạn trẻ nhóm Gen Xanh tặng bánh chưng đêm giao thừa

Các bạn trẻ nhóm Gen Xanh tặng bánh chưng đêm giao thừa

Từng cọng lạt, đậu xanh, lá dong… được nhóm bạn trẻ chọn lựa cẩn thận để chuẩn bị cho hơn 250 cái bánh chưng trao tặng vào đêm giao thừa. Chị Đặng Thị Thơm (sáng lập Nhóm Gen Xanh) chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 chúng tôi tổ chức chương trình Bánh chưng yêu thương. Nhóm mong muốn làm một chương trình gì đó vừa kết nối những bạn ở thành phố hay những bạn ăn tết xa quê cùng nhau làm điều ý nghĩa trong dịp đầu năm mới”.

Không quan trọng là cái bánh chưng hay đòn bánh tét, những ân tình được trao đi dẫu nhỏ nhất người ta cũng cảm thấy trọn vẹn. Cầm cái bánh trên tay cùng bao lì xì mừng năm mới, cô Lê Thị Tú (70 tuổi, ngụ quận 8) bày tỏ: “Năm nay, tôi về quê sau tết, mấy ngày này khách mua vé số nhiều hơn, nên ráng bán để có thêm chút đỉnh. Các cháu đem tặng bánh chưng rồi còn lì xì nữa, tôi bất ngờ muốn khóc”.

Không chỉ là cái bánh chưng đêm giao thừa, nhiều phần cháo, xôi cũng được nhóm bạn trẻ trao tặng trong đêm giáp tết. “Cả nhóm chia nhau đi trao ở khu vực trung tâm thành phố. Đa phần là các cô chú lớn tuổi, khuyết tật, không nhà cửa gì nên nhận được món quà nào họ cũng quý. Dù khá trễ nhưng các cô chú vẫn chờ cả nhóm tới, không ai lớn tiếng với ai, thấy thương lắm”, chị Đặng Thị Thơm chia sẻ thêm.

Những ngày tết ấm, niềm hạnh phúc khi giữ được nếp văn hóa lâu đời hay đơn giản là hỗ trợ người khó khăn hơn là minh chứng rõ nhất với người dân thành phố nghĩa tình. Có lẽ từ trong sâu thẳm, mạch nguồn yêu thương vẫn tuôn chảy để người ta biết cúi đầu tưởng nhớ tiền nhân, biết sẻ chia với cộng đồng quanh mình.

KIM LOAN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hanh-phuc-an-tinh-nhu-hoi-tho-post676792.html