Hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy thư viện phát triển

Luật Thư viện khi được triển khai sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện, phát triển văn hóa đọc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân.

Nhiều điểm mới

Ngày 21/11 năm 2019, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện. Luật Thư viện gồm 6 chương, 52 điều, với các quy định chung; quy định cụ thể về việc thành lập thư viện, các hoạt động thư viện; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; Trách nhiệm quản lý Nhà nước về thư viện và các điều khoản thi hành Luật Thư viện.

Luật Thư viện được ban hành năm 2019 có nhiều điểm mới, góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện và phát triển văn hóa đọc.

Cần khơi gợi niềm đam mê, hình thành thói quen đọc sách trong học sinh. Ảnh minh họa: TTXVN

Cần khơi gợi niềm đam mê, hình thành thói quen đọc sách trong học sinh. Ảnh minh họa: TTXVN

Một trong những điểm mới của Luật Thư viện năm 2019 là việc bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập. Theo đó, Pháp lệnh Thư viện năm 2000 quy định thư viện bao gồm 2 loại hình: Thư viện công cộng và Thư viện chuyên ngành, đa ngành. Theo Luật Thư viện 2019, thư viện được tổ chức theo 2 mô hình: Thư viện công lập và Thư viện ngoài công lập. Trong đó, thư viện công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan chủ quản. Thư viện ngoài công lập sẽ do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đảm bảo đảm điều kiện hoạt động được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp hoặc mô hình khác.

Theo Luật, hệ thống thư viện gồm có: Thư viện Quốc gia Việt Nam; Thư viện công cộng; Thư viện chuyên ngành; Thư viện lực lượng vũ trang; Thư viện cơ sở giáo dục đại học (thư viện đại học); Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.

Cùng với việc công nhận thư viện ngoài công lập, trong Luật, đối tượng được thành lập thư viện cũng mở rộng.

Cụ thể, Pháp lệnh Thư viện năm 2000 quy định chỉ có tổ chức của Việt Nam có quyền thành lập thư viện. Các tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam có quyền tham gia vào các hoạt động do thư viện tổ chức…. Luật Thư viện 2019 đã mở rộng, xã hội hóa hoạt động thành lập thư viện. Không chỉ dừng lại ở các tổ chức của Việt Nam, mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đều có quyền thành lập thư viện ngoài công lập khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Như vậy, từ việc chỉ tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức, hoặc đóng góp cho hoạt động thư viện, Luật Thư viện 2019 đã cho phép tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia thành lập, tổ chức các hoạt động thư viện trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai chính sách khuyến khích, phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, là cơ sở quan trọng để xây dựng phát triển thư viện trong cả nước, từ đó mở rộng điều kiện, khả năng tiếp cận thông tin cho người dân, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, phục vụ việc học tập suốt đời của người dân.

Liên thông thư viện cũng là một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Thư viện 2019. Thực hiện liên thông là nguyên tắc hoạt động chung mọi thư viện công lập, thư viện ngoài công lập đều phải thực hiện. Tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách Nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện. Điều này rất có ý nghĩa, buộc các thư viện phải có hoạt động liên kết, hợp tác để sử dụng hợp lý, phát huy hiệu quả các tài nguyên, tiện ích, các sản phẩm, dịch vụ thư viện. Đặc biệt là các thư viện lớn, có vai trò quan trọng được nhà nước ưu tiên đầu tư như Thư viện Quốc gia, thư viện tỉnh hay các thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư sẽ phải có trách nhiệm chia sẻ cho các thư viện khác có thể sử dụng những nguồn lực này nhằm phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất. Liên thông thư viện được thực hiện nghiêm túc sẽ giúp cho các thư viện phát huy được các nguồn lực của mình, tiết kiệm được ngân sách nhà nước, kinh phí đầu tư, nâng cao hiệu quả phục vụ cho người đọc.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Thư viện năm 2019 là quy định, lấy ngày 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Trước đó, ngày 25/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 284/QĐ-TTg về việc lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam tại. Lần đầu tiên, ngày 21/4 hàng năm được đưa vào Luật Thư viện năm 2019 trở thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhằm phát triển một xã hội có thói quen, văn hóa đọc.

Luật Thư viện năm 2019 ban hành một số điều quy định cụ thể về phát triển thư viện số, hiện đại hóa thư viện, để các thư viện phát triển và vận hành theo xu thế của thời đại với những yêu cầu đặt ra trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, Luật quy định, xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số là chức năng, nhiệm vụ của tất cả các loại hình thư viện. Việc phát triển tài nguyên thông tin số được dựa trên cơ sở thu thập tài liệu số hoặc số hóa tài liệu của thư viện. Người sử dụng được cung cấp quyền truy cập trực tiếp tới tài nguyên thông tin số và các dạng khác.

Một quy định hoàn toàn mới được đưa ra trong Luật, đó là định kỳ hàng năm tất cả các thư viện đều phải đánh giá hoạt động theo một số tiêu chí được chọn từ tiêu chuẩn quốc gia theo sự hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc đánh giá hoạt động thư viện sẽ góp phần phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thư viện, nâng cao hoạt động thư viện…

Phát triển sự nghiệp thư viện và phát triển văn hóa đọc

Ngay sau khi Luật Thư viện được ban hành, cuối tháng 12/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thư viện cho các tỉnh khu vực phía Bắc, nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Thư viện, nâng cao nhận thức và trách nhiệm triển khai thi hành Luật đến thư viện các cơ quan, tổ chức.

Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia là đại diện các thư viện trên cả nước đã quán triệt các quy định của Luật Thư viện, xác định được các điểm mới, yêu cầu đặt ra đối với cơ quan, tổ chức cá nhân trong thi hành Luật Thư viện; thông qua kế hoạch triển khai thực hiện Luật thư viện trong thời gian tới; góp ý kiến cho các văn bản quy định chi tiết Luật Thư viện...

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, Luật Thư viện được ban hành tác động rất lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là đối với sự phát triển văn hóa, giáo dục và khoa học của đất nước.

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, Luật Thư viện có hiệu lực sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện phát triển sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc, bảo vệ quyền,1 lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thư viện; khuyến khích xã hội hóa các hoạt động thư viện. Luật ra đời nhằm kiện toàn, củng cố, chuẩn hóa thư viện công lập và khuyến khích phát triển thư viện ngoài công lập; giúp chuẩn hóa hoạt động thư viện, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số và đẩy mạnh liên thông thư viện… Luật tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng, phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện trong bảo vệ quyền tiếp cận thông tin, tri thức, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện, thực hiện phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Luật Thư viện mới được ban hành và đến tháng 01/07/2020 mới có hiệu lực. Tuy nhiên, với việc triển khai tuyên truyền Luật đến cộng đồng từ sớm, nhận thức của công chúng về Luật sẽ rõ ràng, ý thức tuân thủ Luật được nâng cao. Như vậy, việc thực hiện các quy định trong Luật sẽ ngày càng có hiệu quả.

Phương Lan (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/hanh-lang-phap-ly-quan-trong-thuc-day-thu-vien-phat-trien-20200101093513282.htm