Hành khách chi trung bình 850.000 đồng một lần bay Vietjet

Lượng hành khách vận chuyển của hãng hàng không giá rẻ Vietjet trong 3 tháng đầu năm 2017 đạt 3,7 triệu lượt, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Với 3,7 triệu lượt khách đã vận chuyển trong 3 tháng đầu năm 2017, trung bình mỗi khách hàng đã chi ra cho dịch vụ của Vietjet gần 850.000 đồng.

Theo Báo cáo tài chính vừa được Công ty cổ phần hàng không Vietjet (Mã CK: VJC) công bố, hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam đã ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong quý I/2017.

Theo đó, tổng doanh thu 3 tháng đầu năm 2017 đạt 5.095 tỷ đồng, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm trước và vượt 10,6% kế hoạch. Riêng doanh thu vận chuyển hành khách đạt hơn 3.136 tỷ đồng, tăng 33%. Doanh thu vận chuyển hành khách quốc tế tăng hơn gấp đôi lên gần 500 tỷ đồng.

Với 3,7 triệu lượt khách đã sử dụng dịch vụ hàng không trong 3 tháng đầu năm 2017, trung bình mỗi khách hàng đã chi ra cho hãng này gần 850.000 đồng cho một lượt bay.

Dù doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của Vietjet chưa đạt được tốc độ tương ứng (tăng gần 22%), biên lợi nhuận gộp giảm xuống 15% so với mức gần 18% trong quý I/2016. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí khối khai thác bay tăng mạnh (tăng gần 57% so với cùng kỳ, lên mức 3.510 tỷ đồng).

Vietjet cho biết, chi phí xăng dầu trong 3 tháng đầu năm 2017 của hãng hàng không này đã tăng 46% lên mức bình quân 17,9 triệu đồng mỗi tấn so với mức 12,33 triệu đồng của quý I/2016. Tuy nhiên, theo ban lãnh đạo Vietjet, mức chi phí xăng dầu tăng đã nằm trong dự báo để đưa vào kế hoạch kinh doanh của năm 2017.

Kết thúc quý I, Vietjet đạt 381,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng tài sản đến cuối tháng 3 đạt gần 21.728 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 vừa diễn ra, nhiều cổ đông cũng đã chất vấn Hội đồng quản trị về lo ngại sự cạnh tranh giữa Vietjet với các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Đặc biệt khi Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho áp giá sàn vé máy bay và sự mở rộng với một số hãng bay giá rẻ của khu vực như Air Asia.

Đáp lại lo lắng của cổ đông, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng, với thị trường trong nước công ty đang làm khá tốt và hướng tới phát triển đối tượng khách hàng riêng, tập trung nhiều hơn cho khách hàng trẻ và người dân chưa từng đi máy bay. Hãng hạn chế cạnh tranh bằng giá mà tập trung đẩy mạnh phát triển tốt dịch vụ.

Trên thực tế, dư địa của thị trường hàng không Việt còn rất lớn. Điển hình, Thái Lan dân số ít hơn Việt Nam nhưng có 60 hãng hàng không, Singapore có tới 10 hãng, còn Việt Nam mới chỉ có 4 hãng. Khi sức cạnh tranh càng mạnh thì thị trường hàng không Việt ngày càng phát triển và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Riêng với đường bay quốc tế, theo lãnh đạo doanh nghiệp này, hãng đang là đối thủ mà nhiều hãng trên thế giới phải kiêng nể. Dẫu vậy, công ty vẫn sẽ tìm và mở rộng các đường bay quốc tế tới những điểm đến hấp dẫn.

Giám đốc điều hành Lưu Đức Khánh cũng cho biết thêm, hiện chi phí ghế trên 1km của Vietjet nếu so với 5 hãng hàng không của châu Á chỉ thua Air Asia, còn lại đều thấp hơn, như Thai Asia cho dù đội tàu bay gấp đôi của Vietjet.

Năm 2017. hãng hàng không này đặt kế hoạch vận chuyển 17 triệu lượt hành khách, doanh thu đạt 42.018 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế 3.395 tỷ. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 50% bằng tiền và cổ phiếu. Dự kiến cuối 2017, Vietjet sẽ khai thác 51 tàu bay với tổng số 98.124 chuyến bay.

Theo Minh Sơn/VnExpress

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/hanh-khach-chi-trung-binh-850000-dong-mot-lan-bay-vietjet_t114c1067n118118