Hành hung học sinh khuyết tật

Ai hành hung?- 'Cô giáo như mẹ hiền'. Đối tượng bị hành hung? – Học sinh thân yêu. Nơi hành hung?- Lớp học mến yêu.

Chuyện buồn của ngành giáo dục cứ như sóng xô bờ, khi chuyện cô giáo buộc học sinh tát bạn có vụ hàng chục cái, có vụ hàng trăm cái chưa qua thì mới đây (ngày 6-12), cô giáo đã trực tiếp ra tay. Không phải tát mà dùng luôn thước đánh bầm tím thân thể học sinh.

Đó là cô giáo Cái Thị Vui, chủ nhiệm lớp 1/5, trường Tiểu học Bình Hữu, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Học sinh bị cô giáo “xuống tay” là em K, học sinh do chính cô Vui giảng dạy.

Điều đáng nói, em K ( 7 tuổi) là học sinh khuyết tật ở chân.

Tôi đã cố tìm từ ngữ “nhẹ nhàng” để diễn đạt hành vi của cô Vui, nhưng cứ hình dung cảnh cháu K là một đứa trẻ, lại là trẻ khuyết tật, cô Vui (dĩ nhiên là người lớn) không bị khuyết tật và có thước (hung khí) trong tay. Những cú vụt vun vút từ tay cô Vui xuống thân thể cháu K (không có khả năng chống đỡ) thì chỉ có thể gọi là hành hung chứ không thể gọi bằng từ nào khác.

Có thể khi đó cháu K nghịch ngợm. Có thể khi đó cô Vui nóng giận nên đã có hành vi đó. Nhưng có một điều chắc chắn cô Vui biết K là học sinh khuyết tật. Chắc chắn hàng tháng cô K vẫn đều đều lĩnh phụ cấp (tiền) dành cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật.

Trường tiểu học Bình Hữu, nơi cháu K bị cô giáo đánh. (Ảnh: Dân trí)

Ông trời chẳng thương khi để cơ thể K không lành lặn như những đứa trẻ khác, đó là thiệt thòi của K phải gánh chịu. Là người trực tiếp giảng dạy, cô Vui có thấy K “tủi thân” khi chơi với bạn bè không? Cô Vui có thấy các bạn xa lánh không muốn chơi với K- vì đó là đứa khuyết tật không? Nếu cô không đem được đến cho K niềm vui như chính tên mình thì chí ít cũng đừng hành hạ K như ông trời “không có mắt”.

Cô đã bị đình chỉ công tác 15 ngày, đó là chuyện của cơ quan quản lý cô. Cô có đơn xin giảm nhẹ mức kỷ luật, đó là quyền của cô. Còn bố mẹ cháu K thì sao? Có lẽ không một ông bố bà mẹ nào thấy con bị đánh thâm tím thân thể mà không đớn đau như đứt từng khúc ruột.

Nhưng bố mẹ K đã nén giận mà bỏ qua việc cô hành hạ con họ vì “sợ cô bị mất việc” thì đó là sự nhân văn, là tình thương giữa người với người mà là một cô giáo, cô cũng phải có điều đó.

Cô Vui ạ, nếu sau 15 ngày bị tạm đình chỉ mà cô còn được đứng trên bục giảng thì đấy chính là niềm vui và sự may mắn của riêng cô.

Dù niềm vui đó là nỗi buồn của ngành giáo dục và một điều cô nên biết, ở nước mình còn có Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam. Họ chưa lên tiếng chứ không phải là im lặng trong vụ việc này.

Và thưa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, khi nào lòng đại dương mới yên bình để những chuyện buồn về ngành giáo dục không còn như hàng trăm, hàng ngàn con sóng đua nhau xô bờ? Khi nào thầy cô và ngôi trường thân yêu lại rộn ràng trong những câu hát như những ngày xưa xa?

Hùng Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hanh-hung-hoc-sinh-khuyet-tat-130000.html