Hành động trước khi quá muộn

Trong bối cảnh thời hạn sớm nhất về trần nợ công của Mỹ để tránh kịch bản vỡ nợ đang đến rất gần (1.6), các nhà đàm phán của Nhà Trắng và đảng Cộng hòa vẫn chưa thể đạt được tiến triển nào trong cuộc đàm phán mới nhất hôm 23.5, do vẫn còn nhiều chia rẽ sâu sắc. Nếu bế tắc không được khai thông sớm và nước Mỹ chính thức vỡ nợ, hậu quả của nó sẽ tác động tiêu cực không chỉ đối với cuộc sống của người dân Mỹ mà cả thế giới …

“Đó sẽ là một trận đại hồng thủy”

Theo Reuters, người Mỹ có thể nhanh chóng nhận thấy những cú đòn đau giáng vào tài khoản hưu trí của họ khi thị trường chứng khoán chao đảo, và việc thiếu các khoản thanh toán liên bang có thể đè nặng lên các phòng khám, người về hưu và nơi làm việc trên khắp đất nước.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. Nguồn: ITN

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. Nguồn: ITN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Janet Yellen từng cảnh báo, nếu Quốc hội và Nhà Trắng không dỡ bỏ được giới hạn pháp lý 31,4 nghìn tỷ USD tự áp đặt đối với nợ liên bang, Bộ có thể bắt đầu thiếu các khoản thanh toán cho các nghĩa vụ của mình ngay sau ngày 1.6. Vào thời điểm đó, Washington sẽ chịu áp lực nghiêm trọng trong việc tiếp tục thanh toán trái phiếu Mỹ, vốn là nền tảng cho hệ thống tài chính toàn cầu. Thiếu khả năng thanh toán cũng có khả năng gây ra cuộc khủng hoảng lịch sử ở Phố Wall. Ông Mark Zandi, nhà kinh tế tại Moody's Analytics, thậm chí nhận định, “đó sẽ là trận đại hồng thủy”.

Ngay cả khi Bộ Tài chính trả tiền cho các trái chủ đúng hạn, như hầu hết các nhà quan sát mong đợi, thì tình trạng rối loạn chức năng chính trị dẫn đến cuộc khủng hoảng sẽ gieo rắc ngờ vực vào triển vọng kinh tế Mỹ, và giá trị của hầu hết mọi thứ mà người Mỹ sở hữu, từ nhà cửa cho đến danh mục đầu tư hưu trí của họ, sẽ tụt dốc. “Giá cổ phiếu, giá trị bất động sản thương mại, giá nhà sẽ giảm. Mọi thứ đều giảm”, ông Zandi nhấn mạnh. Còn theo dự đoán của Moody's Analytics, các khoản đầu tư của người Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi cổ phiếu mất tới 1/3 giá trị, xóa sạch khoảng 12 nghìn tỷ USD tài sản hộ gia đình…Người dân sẽ để mắt đến tài khoản ngân hàng của mình, bởi những lo ngại về uy tín tín dụng của quốc gia có thể làm giảm giá trị tiền tiết kiệm cả đời của họ... Ngược lại, lãi suất sẽ tăng, khiến việc mua nhà, xe hơi hoặc vay tiền để bắt đầu kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Và tình trạng hỗn loạn tài chính sẽ là nguyên nhân chính đẩy nền kinh tế vào con đường suy thoái.

Trong khi đó, bà Wendy Edelberg và bà Louise Sheiner của Viện Brookings cũng viết trong một bài phân tích: “Những kỳ vọng xấu đi về khả năng vỡ nợ sẽ khiến nguy cơ gián đoạn đáng kể trên thị trường tài chính ngày càng có khả năng hiện hữu. Tình trạng như vậy sẽ đi đôi với sụt giảm giá cổ phiếu, mất niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời làm giảm khả năng tiếp cận thị trường tín dụng tư nhân”.

Chưa hết, việc sa thải hàng loạt thường đi kèm với suy thoái kinh tế có thể diễn ra trong vài tuần sau khi vỡ nợ. Ngay lập tức, hàng trăm tỷ USD chi tiêu liên bang có thể bị giữ lại, tách khỏi nền kinh tế. Các phòng khám, bệnh viện và công ty bảo hiểm có thể là những nơi đầu tiên bị ảnh hưởng. Theo Trung tâm Chính sách lưỡng đảng, 1.6 là ngày đến hạn thanh toán khoảng 47 tỷ USD thông qua Medicare, chương trình bảo hiểm y tế công của Mỹ dành cho người Mỹ lớn tuổi. Vì Medicare tài trợ khoảng 1/5 dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nước này nên một số bác sĩ có thể không có tiền để trả cho nhân viên và các hóa đơn. Việc lên lịch phẫu thuật và nhiều thủ tục khác sẽ gặp khó khăn vì không có khả năng chi trả. Theo bà Tricia Neuman, chuyên gia về chính sách y tế tại nhóm nghiên cứu KFF, nếu tình trạng bế tắc càng diễn ra lâu, tác động tiêu cực của nó càng lớn.

Vào ngày 2.6, khoảng 1/4 số người về hưu, người lao động khuyết tật… trên toàn quốc có thể kiểm tra tài khoản ngân hàng của họ và thấy rằng khoản thanh toán an sinh xã hội dự kiến trị giá 25 tỷ USD đã không được gửi vào. Các khoản thanh toán khác cũng có thể ngừng được chuyển cho các nhà thầu chính phủ, bao gồm 1 tỷ USD cho các nhà thầu quốc phòng vào ngày 2.6. Đến 9.6, 4 tỷ USD tiền lương sẽ không có để trả cho khoảng 2 triệu người thuộc nhiều bộ phận của lực lượng lao động liên bang, trong khi các trường học đang mong đợi 1 tỷ USD tài trợ từ liên bang cũng sẽ sớm thất vọng. Một số khoản thanh toán khác cũng có thể bị chậm trễ đáng kể…

Thế giới cũng "chịu trận"

Theo CNN, các cố vấn kinh tế của Tổng thống Biden cảnh báo, ngay cả một vụ vỡ nợ “ngắn” cũng có thể khiến nền kinh tế Mỹ mất 500.000 việc làm. Ngược lại, một vụ vỡ nợ “kéo dài” sẽ khiến GDP giảm 6% với hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa và khoảng 8,3 triệu việc làm bị mất, gần bằng con số trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong trường hợp xấu nhất, Mỹ sẽ phải ngừng vay nợ hoàn toàn vào tháng 7 hoặc tháng 8, và điều này sẽ gây ra làn sóng chấn động hơn nữa trên thị trường tài chính toàn cầu. Sau đó, các nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi về giá trị của trái phiếu Mỹ, vốn được coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất và đóng vai trò là nền tảng cho hệ thống tài chính thế giới.

“Khả năng vay mượn của Mỹ, và danh tiếng tuyệt vời về khả năng trả nợ, là siêu năng lực của nước này. Và nếu Mỹ không làm được điều đó, lần đầu tiên trong đời, danh tiếng trên có thể biến mất”, phóng viên kỳ cựu mảng kinh doanh của CNN Christine Romans phân tích.

Vỡ nợ ở Mỹ có thể làm suy yếu nghiêm trọng thương mại toàn cầu và đẩy phần còn lại của thế giới vào cuộc suy thoái sâu sắc. 60% dự trữ ngoại tệ của thế giới là bằng USD, do đó vỡ nợ sẽ làm suy yếu nghiêm trọng đồng bạc xanh, gây ra biến động hỗn loạn về tỷ giá hối đoái, đồng thời đẩy giá dầu và các hàng hóa khác tăng vọt. Lạm phát toàn cầu có thể tăng trở lại, trong khi các vấn đề về chuỗi cung ứng, vốn cản trở hoạt động thương mại sau đại dịch Covid-19, có thể tiếp tục tồi tệ thêm do lòng tin vào hệ thống tài chính giảm mạnh.

Về lý thuyết, tổng thống có thể viện dẫn Mục 4 trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, vốn quy định “tính hợp lệ của khoản nợ công của Mỹ, được luật pháp bảo đảm,... sẽ không bị chất vấn”. Một số nhà phân tích tin rằng, Tổng thống Biden có thể lập luận, ông có nghĩa vụ hành động theo Hiến pháp để tránh vỡ nợ, vì vậy có thể vượt quá giới hạn nợ để tiếp tục chi tiêu dù Quốc hội chưa thông qua. Tuy nhiên, động thái đó gần như chắc chắn sẽ dẫn đến tranh chấp pháp lý kéo dài, có thể làm xáo trộn thị trường tài chính. Đảng Cộng hòa từng cảnh báo, Tổng thống Biden không thể hành động đơn phương và giải pháp phải được Quốc hội thông qua.

Thực tế, chưa từng có tổng thống nào của Mỹ sử dụng Tu chính án 14 để giải quyết vấn đề trần nợ công. Tuy nhiên, chiến lược này từng được đưa ra bàn thảo vào năm 2011, khi ông Barack Obama (đảng Dân chủ) là Tổng thống và các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã tận dụng các cuộc đàm phán về trần nợ công để buộc Chính phủ cắt giảm chi tiêu. Thời điểm đó, cựu Tổng thống Bill Clinton nói rằng, nếu ở hoàn cảnh của ông Obama, ông sẽ viện dẫn Tu chính án 14. Tuy nhiên, ông Obama do dự và thực tế không dùng đến nó. May thay, Mỹ cuối cùng đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công vào đúng ngày Chính phủ hết tiền. Dẫu vậy, theo giới quan sát, rủi ro lần này cao hơn. Năm 2011, nợ liên bang là 65,8% GDP của Mỹ, còn hiện nay là 98%. Lãi suất cũng cao hơn. Cả hai yếu tố đó cộng lại có nghĩa là Chính phủ phải đối mặt với chi phí nợ lớn hơn nhiều.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/hanh-dong-truoc-khi-qua-muon-i330082/