Hành động để lấy lại niềm tin

Dẫu biết đổi mới giáo dục là gian nan, thách thức vì một hệ thống quá lớn với hơn 22 triệu người tham gia, quản lý một lượng tài sản lớn nhất của quốc gia, và không ít trì trệ để lại từ lịch sử. Nhưng để Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thực sự là thành viên của một “Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động”, thiết nghĩ người đứng đầu ngành này cần suy nghĩ sâu rộng hơn với tầm nhìn xa hơn và hành động quyết liệt, chiến lược hơn.

Gần đây, những vụ “lùm xùm” từ phát ngôn của Bộ trưởng nhân việc một số cô giáo Hà Tĩnh phải đi tiếp khách cho địa phương, đến việc đưa 26.000 giáo viên dư thừa xuống dạy mầm non, việc sẽ quy định điểm sàn đầu vào cho các trường sư phạm khi bàn giải pháp tháo gỡ điểm đầu vào thấp, một số chương trình không kịp hoàn thành theo kế hoạch, gian lận tại kỳ thi tốt nghiệp THPT… đã gây những bức xúc trong dư luận. Mới đây dư luận lại dậy sóng vì dự thảo Thông tư quản lý sinh viên các trường cao đẳng và trung cấp sư phạm.

Quốc hội mới lấy phiếu tín nhiệm xong với kết quả mà những người làm trong ngành giáo dục đều rất buồn và băn khoăn về lòng tin vẫn đang giảm sút đối với bộ trưởng cũng như với ngành. Vì sao hơn hai năm qua ngành giáo dục luôn gặp những sự cố sốc ở tầm quốc gia? Câu trả lời không nằm ngoài hạn chế về lãnh đạo quản lý của người đứng đầu ngành.

Phải chăng Bộ trưởng chưa quán triệt tinh thần của Đảng trong việc huy động mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục trong đó có huy động trí tuệ tập thể của các anh chị em ở trong và ngoài cơ quan Bộ GD-ĐT. Điều căn bản để huy động trí tuệ, công sức của mọi người trong ngành trước hết rất cần sự cầu thị, lắng nghe, có bản lĩnh và phải là tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, sáng tạo và hành động để thuộc cấp noi theo và hết lòng phụng sự. Vì thế, mới đây Trung ương Đảng ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên (Quy định số 08-QĐ/TW) rất cần được quán triệt và triển khai ngay trong từng đơn vị của ngành.

Bộ có hẳn cả một bộ não là Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, lại có hàng chục trường ĐH đều có thể giúp bộ trưởng và ngành trong việc nghiên cứu, dự báo, hình thành các chính sách, cơ chế phát triển giáo dục. Nhưng điều đáng tiếc là dường như những bộ não này lại chưa được khai thác một cách hiệu quả. Một số quyết sách hoặc phát ngôn hơi vội vàng, thiếu luận cứ khoa học chắc chắn, nên những vấn đề đưa ra đã không mang tính chuyên nghiệp về phương diện quản lý nhà nước.

Đổi mới giáo dục là một quá trình thay đổi, với mục đích đổi mới và cách làm không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận của mọi người, trong đó có đội ngũ đông đảo các giáo viên và các bậc phụ huynh. Muốn đổi mới rất cần bản lĩnh kiên cường của người đứng đầu và những cộng sự chuyên nghiệp. Sự thành bại của đổi mới giáo dục đều do nhân tố con người đang hoạt động trong hệ thống giáo dục mà trước hết ở cơ quan đầu não. Đó không chỉ là vấn đề tuyển dụng được nhân tài mà còn phải đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, khích lệ nhiệt huyết của họ. Vì thế, sự đối xử rất cần phải bình đẳng, tôn trọng và tránh thiên vị một nhóm nào đó trong khi nhóm khác thì lại thiếu sự quan tâm cần thiết. Chỉ có như vậy tất cả thuộc cấp luôn nghĩ việc của Bộ trưởng, trách nhiệm của Bộ trưởng cũng là một phần trách nhiệm máu thịt của họ thì mọi ý chí, sáng kiến của Bộ trưởng mới có cơ may thành công.

Ở đây cũng phải nhìn nhận một thực tế là quá trình làm chính sách của chúng ta đang có vấn đề rất khác với quá trình làm chính sách ở các quốc gia khác. Khá phổ biến là việc giao soạn thảo các quy định pháp luật hay soạn thảo các đề án do một vụ chủ trì và một lãnh đạo bộ phụ trách. Ở vụ có thể giao cho 1 - 2 chuyên viên có kinh nghiệm để biên soạn và các vụ khác tham gia góp ý hoàn thiện. Nhưng đôi khi thiếu tính chuyên nghiệp, sự tâm huyết, thiếu trách nhiệm và văn hóa hợp tác, ngại va chạm nên ý kiến góp ý có thể khó trọn vẹn. Nói là tập thể nhưng có khi chỉ có cá nhân soạn thảo nên khó tránh khỏi những khiếm khuyết. Hội đồng quốc gia giáo dục thì “xuân thu nhị kỳ” tổ chức họp, thiếu các “think tank” (Viện Chính sách, Viện Nghiên cứu) quốc gia nên cũng khó giúp cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Vì thế, Hội đồng quốc gia giáo dục rất cần có cách làm năng động hơn, vừa hỗ trợ cho Bộ trưởng trong quá trình chính sách vừa tham mưu cho Thủ tướng những vấn đề lớn của ngành.

Con đường xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động” là con đường không hề ngắn và chắc chắn không bằng phẳng, nhân dân cũng sẵn sàng chia sẻ những vất vả, lao tâm khổ tứ của người đứng đầu ngành giáo dục... mà ít người biết đến, nếu muốn cho cả bộ máy, cả xã hội đồng thuận vào cuộc với người đứng đầu ngành, điều cần lúc này là bằng “hành động thực sự” lấy lại lòng tin, vì lòng tin không phải từ trên trời rơi xuống cũng như không thể đánh bóng bằng các “nghệ thuật” PR thiếu chuyên nghiệp.

TS HOÀNG NGỌC VINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hanh-dong-de-lay-lai-niem-tin-556144.html