Hàng xuất dư bán tràn lan trên thị trường: Không dễ có hàng 'xịn' để bán

Vài năm trở lại đây xuất hiện ngày càng nhiều các điểm bán hàng xuất dư… từ các shop cho đến các trang online. Nguồn gốc loại hàng này ở đâu và chất lượng ra sao thì quả thực là dấu hỏi lớn mà nhiều người tiêu dùng chưa thể trả lời được.

Nhập nhèm

Chỉ cần lướt một số con phố, chúng ta không khó để bắt gặp các shop treo biển bán hàng xuất dư. Đặc biệt các shop này còn quảng cáo có thể cung cấp hàng xuất dư số lượng lớn. Không những vậy, trên mạng Internet, trạng mạng xã hội cũng đăng bán tràn lan hàng xuất dư.

Có hiện tượng này là do người bán nắm bắt được tâm lý của người mua, họ cho rằng hàng xuất khẩu là xịn, là đảm bảo chất lượng, trong khi giá cả cũng vừa phải. Chúng tôi vào một cửa hàng chuyên bán hàng xuất dư, một nhân viên này cho hay, tại cửa hàng có đầy đủ các loại quần áo thương hiệu Việt Nam nổi tiếng.

Trên mạng xã hội cũng xuất hiện rất nhiều người bán hàng xuất dư

Trên mạng xã hội cũng xuất hiện rất nhiều người bán hàng xuất dư

Chúng tôi có ý mua sỉ về bán thì nhân viên này cho hay, số lượng không hạn chế, nếu muốn lấy hàng nghìn, thậm chí chục nghìn cũng có. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Hàng xuất dư thực tế rất hiếm, vậy sao shop lại có được số lượng nhiều đến vậy? Nhân viên nhanh nhảu trả lời: Do quan hệ rộng với những công ty chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thường xuyên gom được những hàng lỗi, hàng chưa đạt và bị trả về.

Chị Lê Thị Tuyến, nhân viên của một công ty dược tại Hà Nội chia sẻ, chị thường xuyên mua quần áo xuất dư ở một cửa hàng chuyên bán hàng Việt Nam xuất khẩu (VNXK) trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội).

Tuy nhiên, chị Tuyến không ít lần bối rối không biết sản phẩm mình lựa chọn ở đây có đúng là hàng xuất khẩu hay không. Chị Tuyến cho hay: “Vì tôi là khách ruột nên nhân viên có cho xem rất nhiều quần áo Uniqlo và nói đó là hàng xuất dư của Công ty CP May II Hải Dương.

Dù không phải là dân sành sỏi về quần áo nhưng cũng đủ khả năng để nhận thấy sản phẩm này chất liệu không khác nhiều so với sản phẩm bán đổ đống ở các góc phố, tự phát. Mác gắn trên sản phẩm này cũng chỉ bằng giấy bìa mỏng, có cái nhàu, rách. Những thông tin cần thiết trên nhãn thường thấy đối với hàng xuất khẩu như chế độ giặt, là, chất liệu không được ghi đầy đủ”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, các mặt hàng được gọi là xuất dư không chỉ có quần áo, mà còn là giày dép, đồ gia dụng. Tất cả các chủ cửa hàng đều cho rằng, sở dĩ họ có hàng xuất dư để bán là do móc nối với các nhân viên bên trong nhà máy sản xuất tuồn hàng ra. Hoặc, những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn bị trả lại, sau đó công ty bán ra ngoài để gỡ gạc.

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Viết Thụ, Giám đốc Công ty TNHH May TBT (Thanh Hà) cho rằng, hàng xuất dư ở đây rất có thể là hàng gia công trong nước hoặc hàng Trung Quốc nhái thương hiệu nổi tiếng. Chính vì thế sản phẩm được bán mỗi nơi một kiểu giá, khách hàng không có nhiều thông tin nên rất dễ bị lừa.

Rất nhiều shop bán hàng xuất dư mọc lên khiến người tiêu dùng rất hoang mang (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Hiện nay chỉ có duy nhất Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Thương mại Việt Tiến đăng ký lập chuỗi cửa hàng VNXK (Vietbrothers), với 14 cửa hàng và chỉ có ở Hà Nội. Còn những địa điểm khác đều chỉ là do các tiểu thương tự mở. Mặc dù chất lượng thì còn khá nhập nhèm nhưng người mua vẫn lựa chọn vì giá cả phải chăng.

Anh Đình Lực cho hay: “Hàng xách tay, hay hàng nhập khẩu thì giá quá cao. Còn mua hàng ở chợ thì lại sợ hàng Trung Quốc không an toàn, vì thế tôi và vợ thường xuyên chọn mua hàng VNXK, cụ thể là hàng xuất dư. Nói chung cũng chỉ biết là thế chứ mình không biết được đó có phải là hàng xuất dư thật hay không”.

Để tìm hiểu thực chất hàng xuất dư có nguồn gốc ở đâu? Chúng tôi đã có một cuộc tìm hiểu từ chính những người trong cuộc. Theo anh Nguyễn Huy Cường, người có thâm niên bán đồ may mặc trên mạng online cho hay: “Thực tế hàng xuất dư chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ tại các cửa hàng, còn lại chỉ là hàng Trung Quốc đội lốt hoặc lấy từ các xưởng nhỏ lẻ tự gia công, sau đó mua mác dán vào.

Những loại hàng xuất dư xịn chủ yếu là các cửa hàng có mối quen, họ móc ngoặc với một số công nhân chuyên trộm sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu rồi tuồn ra ngoài bán. Tôi có quen nhiều xưởng nhỏ, họ chuyên lên mạng lấy cắp mẫu của các thương hiệu nổi tiếng, sau đó cắt vải và thuê công nhân làm”.

Rất khó để có hàng xuất dư tuồn ra ngoài

Qua tìm hiểu của phóng viên, việc các công ty đem bán hàng xuất khẩu cho các cửa hàng chuyên bán đồ VNXK hầu như… không có. Bởi, các hợp đồng cung cấp sản phẩm giữa doanh nghiệp và đối tác nước ngoài khá chặt chẽ. Phía đối tác nước ngoài quy định khá cụ thể và nghiêm ngặt đối với đơn vị sản xuất.

Nói về vấn đề này, ông Định Trịnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty CP May II Hải Dương cho rằng: “Điều này là không bao giờ có, các công ty không bao giờ mang hàng xuất khẩu ra bán, như vậy chẳng khác nào tự giết mình. Ví dụ, khi gia công một đơn hàng chuyên áo sơ mi sang thị trường Anh, nhà cung cấp chỉ cho phép doanh nghiệp cắt vải dư với tỷ lệ từ 1 – 3%. Số vải dư này được lưu kho phòng trường hợp hàng lỗi, doanh nghiệp có thể sử dụng giao đủ đơn hàng”.

Rất nhiều doanh nghiệp về may mặc và giày dép cho hay, các sản phẩm được cửa hàng VNXK quảng cáo là hàng lỗi do các các doanh nghiệp cung cấp là không đúng. Bởi tất cả những hàng lỗi đều được doanh nghiệp tuân thủ quy định đó là phải tiêu hủy.

Vì thế, người tiêu dùng không hề dễ dàng mua được hàng xuất dư của các doanh nghiệp sang thị trường Mỹ, EU hoặc Nhật Bản theo như các cửa hàng đang quảng cáo. Nếu thực có hàng xuất dư bán ra thị trường thì sống lượng không nhiều, đa phần là sản phẩm lỗi hoặc không phù hợp với chuẩn size của người Việt.

Trong một buổi họp báo, ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh khẳng định, các nhà đặt hàng quy định rất ngặt đối với nhà cung cấp (sản xuất) sản phẩm quần áo, giày dép, đặc biệt với các thương hiệu tên tuổi.

Việc các shop bán tràn lan hàng xuất dư và cho rằng đó là hàng lỗi, bị hải quan không cho thông quan… là không đúng sự thật. “Như thương hiệu U nổi tiếng của Nhật, khi đặt 1 triệu quần áo kaki tại Việt Nam thì cho phép tỷ lệ vải cắt dư là 1 – 3% trên tổng số lượng đặt hàng, tương ứng khoảng 10.000 – 30.000 sản phẩm.

Đây là tỷ lệ phòng trong quá trình thực hiện đơn hàng nếu xảy ra lỗi, hư hỏng, sai sót… thì vẫn có sản phẩm bù vào, đảm bảo đúng 1 triệu quần kaki khi xuất hàng chính thức. Còn nếu không có lỗi xảy ra thì phải hai năm sau nhà sản xuất mới được sử dụng 10.000 – 30.00 sản phẩm trên với điều kiện: cắt bỏ, tiêu hủy toàn bộ nhãn mác trước khi sử dụng, nên sản phẩm sẽ không còn xuất hiện bất kỳ thông tin, thương hiệu của nhà đặt hàng”.

Theo ông Hồng, nếu nhà sản xuất không thực hiện đúng yêu cầu này, phía đặt hàng sẽ hủy hợp đồng với nhà sản xuất. Còn với sản phẩm lỗi, hư hỏng, hoặc vì lý do nào đó không xuất khẩu được, nhà sản xuất phải báo cáo số lượng, đề xuất giải pháp xử lý và báo cáo kết quả xử lý cuối cùng về cho họ.

Hàng xuất khẩu có hợp đồng rất chặt chẽ giữa người nhập và người sản xuất.

Một cán bộ phụ trách quản lý sản xuất một doanh nghiệp sản xuất giày dép xuất khẩu lớn tại Hưng Yên chia sẻ, khi các thương hiệu nước ngoài đặt hàng sản xuất tại nhà máy của Việt Nam, nguyên tắc đầu tiên của họ là buộc phải tuân thủ “hàng lỗi thì phải hủy”.

Tuy nhiên, phía bên đặt hàng còn yêu cầu, trong quá trình sản xuất, nếu sản phẩm bị lỗi thì phải tiêu hủy theo yêu cầu giám sát của dây chuyền sản xuất. Trước khi bị tiêu hủy, số hàng lỗi này thường tập trung vào kho và quản lý nghiêm ngặt. Số hàng này được băm chặt, cắt nhỏ vào thời điểm mà quản lý cao nhất ở đó quyết định.

Rõ ràng, nếu nhà sản xuất làm theo đúng nguyên tắc mà các nhà đặt hàng yêu cầu thì chắc chắn sẽ không có sản phẩm lỗi của các thương hiệu nổi tiếng được rao bán rầm rộ như hiện nay. Phải chăng, các cửa hàng bán hàng xuất dư số lượng lớn chỉ là hàng được các “đầu nậu” đặt từ Trung Quốc, hoặc các xưởng gia công ở trong nước, sau đó gắn mác. Để thoát khỏi ma trận của hàng xuất dư ngày càng phức tạp, người tiêu dùng phải tự mình tìm hiểu, phải là những nhà tiêu dùng thông minh mới có thể lựa chọn được sản phẩm đúng giá trị của số tiền của mình bỏ ra.

Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, hiện nay trên thị trường có tới hơn 60% số hàng Việt Nam xuất khẩu được làm nhái các thương hiệu nổi tiếng. Trong đó quần áo, túi xách, giày dép, đồ gia dụng núp bóng hàng Việt Nam xuất khẩu chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Song Anh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/hang-xuat-du-ban-tran-lan-tren-thi-truong-khong-de-co-hang-xin-de-ban-534840/