Hãng xe máy điện lớn nhất Trung Quốc vào Việt Nam: Vui hay lo?

Hôm qua hãng xe máy điện lớn hàng đầu Trung Quốc có buổi ra mắt sản phẩm hoành tráng tại Hà Nội, xe giá rẻ, nhắm tới khách hàng đông đảo là học sinh sinh viên các bà nội trợ.

Báo chí, bạn bè chia sẻ thông tin này cũng nhiệt tình như mọi bận khi ra mắt xe mới. Nhưng mình thì không. Và thật sự quan ngại về điều này.

1. Dẫu cho xe điện (2 bánh, 4 bánh) đang được xem là một xu thế để giảm thiểu ô nhiễm môi trường song hệ lụy gián tiếp gây ô nhiễm của xe điện thông qua việc sản xuất/sử dụng/thu hồi/tái chế pin với nhiều chất độc hại, trong đó đáng chú ý nhất là CHÌ cũng như ô nhiễm từ nhà máy điện (thủy điện thì tàn phá sông ngòi, nhiệt điện thì ô nhiễm xỉ than, điện nguyên tử thì nguy cơ rò rỉ phóng xạ...) khiến chúng ta phải thận trọng khi chuyển qua sử dụng nguồn năng lượng mới, chứ không thể vỗ tay ào ào.

Một lượng lớn chì từ xe máy điện sẽ phát thải ra môi trường

Một lượng lớn chì từ xe máy điện sẽ phát thải ra môi trường

2. Trung Quốc là nước phát triển xe điện 2 bánh nhất thế giới và nguy cơ của nó cũng đang đe dọa thế giới. Theo một nghiên cứu của Đại học Standfort năm 2015, tại thời điểm đó 95% xe 2 bánh điện của Trung Quốc sử dụng pin axit chì rất nguy hại. Tuổi thọ pin do Trung Quốc sản xuất chỉ đạt 10.000 km tức sử dụng 1-2 năm phải thay.

Tuổi thọ pin xe máy điện Trung Quốc không cao

Nghiên cứu này cũng chỉ ra: "Tại Trung Quốc, các quy trình sản xuất và tái chế kém bởi ngành công nghiệp quy mô nhỏ, phân tán và lỗi thời, dẫn đến tổn thất chì cao. Với tỷ lệ tái chế chì 90% tại Trung Quốc, xe đạp điện phát ra vượt quá 400mg/km chì”.

Cùng với thủy ngân, chì là chất độc cực mạnh, nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe con người, có thể nhiễm qua không khí, nguồn nước và các vật dụng.

Cái công ty hàng đầu về xe điện Trung Quốc ấy lại đặt nhà máy sản xuất của nó tại Bắc Giang, Việt Nam, không xa Nhà máy nước sông Đuống. Và mẫu xe điện vừa ra mắt có sử dụng pin axit thông thường. Không một thông tin từ báo chí cho thấy công nghệ và qui trình sản xuất, xử lý pin của cái nhà máy này như thế nào. Mà mình nói luôn, ngay cả khi cái qui trình và công nghệ ấy được "biểu diễn" cho báo chí xem, mình cũng cóc tin.

Ở chính quốc, từ năm 2006 Quảng Châu đã trở thành thành phố thứ ba Trung Quốc cấm xe 2 bánh điện, vì nguy cơ ô nhiễm thông qua tổn thất chì trong quá trình sản xuất cũng như khí thải từ nhà máy điện.

3. Ngoài ô nhiễm từ pin, thì các loại xe điện giá rẻ của Trung Quốc (như cái thương hiệu nói trên, giá chỉ từ 16 triệu đồng thôi) còn là đống rác nhựa sau một thời gian ngắn sử dụng.

Các loại xe điện giá rẻ của Trung Quốc sẽ là đống rác nhựa sau một thời gian ngắn sử dụng

Trên tờ Dailymail (Anh quốc), một báo cáo cho hay sẽ có ít nhất khoảng 16 triệu xe sẵn sàng cho đống phế liệu ở Trung Quốc vào năm 2020.

Thế thì, không thể tuyên truyền cho những chiếc xe tiềm ẩn những mối hiểm nguy đối với môi trường sống, cũng như tiếp tay cho việc dịch chuyển những dây chuyền nhà máy sản xuất sự nguy hại ấy về Việt Nam. Ngược lại, phải đưa ra những cảnh báo có trách nhiệm tới bạn đọc. Đấy là khi bạn có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình, của con em mình, người thân của mình và của chính dân tộc này.

Nguồn: FB Nhà báo Thủy Phạm

Bởi Thủy Phạm, 15:15, 21/11/2019

Nguồn Cartimes: http://cartimes.vn/bai-viet/hang-xe-may-dien-lon-nhat-trung-quoc-vao-viet-nam-vui-hay-lo-4220.htm