Hàng Việt xâm nhập kênh phân phối ngoại

Để gia tăng các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại các hệ thống phân phối ngoại, giới chuyên gia ngành bán lẻ cho rằng rất cần sự chủ động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của DN. Và, quan trọng là có sự kết nối đủ mạnh để đáp ứng được những đơn hàng lớn.

Người tiêu dùng Nhật Bản mua hàng tại Tuần hàng Việt do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức tại siêu thị AEON Nhật Bản.

Người tiêu dùng Nhật Bản mua hàng tại Tuần hàng Việt do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức tại siêu thị AEON Nhật Bản.

Hàng Việt vào kênh bán lẻ ngoại vẫn khiêm tốn

Kể từ năm 2000, thời điểm thị trường bán lẻ xuất hiện các nhà bán lẻ ngoại đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... đến nay, số DN Việt Nam có thể đưa hàng hóa vào các kênh bán lẻ này không nhiều. Trong khi đó, đây được cho là một trong những kênh xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới một cách hiệu quả. Nguyên nhân được cho là, do các hệ thống phân phối ngoại đưa ra hàng rào kỹ thuật cao với nhiều quy định nghiêm ngặt, chiết khấu cao... nên các DN Việt rất khó có thể chen chân.

Tuy nhiên, nguồn cơn không chỉ ở phía các kênh phân phối ngoại với những quy chuẩn, rào cản khắt khe, một phần không nhỏ nằm ở chính nội lực của các DN trong nước. Thực tế, do mới chập chững bước vào sân chơi toàn cầu, nên các DN trong nước vẫn chưa ý thức được rằng, đây là sân chơi cần có sự kết nối lớn, manh mún nhỏ lẻ là khó trụ được. Theo giới chuyên gia ngành bán lẻ, các DN của chúng ta chưa đầu tư mạnh cho khâu khảo sát thị trường, chưa nắm bắt, tìm hiểu nhu cầu của nhà bán lẻ và người tiêu dùng, chưa nắm rõ quy trình và tiêu chí xuất khẩu sản phẩm vào hệ thống phân phối của nước sở tại. Quan trọng là doanh nghiệp chưa có sự kết nối đủ mạnh để đáp ứng các đơn hàng lớn.

Theo bà Vũ Kim Hạnh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, yếu tố quan trọng để các sản phẩm của chúng ta có thể bước vào hệ thống phân phối ngoại, cạnh tranh được với hàng ngoại chính là DN trong nước phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối.

Nêu lên vấn đề khó khăn hiện nay của các DN Việt Nam khi đưa hàng vào các kênh phân phối ngoại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, chúng ta đang thiếu đội ngũ DN “đầu đàn” trong đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể vượt qua được những rào cản kỹ thuật trong việc tiếp cận hệ thống bán lẻ quốc tế. Chính bởi vậy, các DN cần phải cải thiện năng lực kinh doanh, tạo ra các sản phẩm đủ tiêu chuẩn phù hợp với thị trường quốc tế. Quá trình này đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các DN trong nước.

Nỗ lực kết nối với nhà phân phối ngoại

Thời gian qua, nhà quản lý cũng có nhiều nỗ lực hỗ trợ DN Việt đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối ngoại bằng nhiều giải pháp. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, thông qua hệ thống siêu thị Big C, bình quân mỗi năm Tập đoàn Central Group xuất khẩu 46 triệu USD hàng hóa Việt Nam trở lên. Tương tự, MM Mega Market đã thành lập 4 trung tâm mua hàng nông sản ở Việt Nam, kênh phân phối này đang thu hút một lượng lớn hàng hóa nông sản được coi là các sản phẩm đặc sản của nước nhà như thanh long, khoai lang... để đưa về Thái Lan. Không chỉ người Thái, người Nhật cũng liên kết và tạo kênh xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống siêu thị AEON với trị giá hàng hóa đạt 250 triệu USD/năm, thông qua thương hiệu Top Value. Theo cam kết của AEON, đến năm 2020, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua hệ thống phân phối này sẽ tăng lên 500 triệu USD và năm 2025 là 1 tỷ USD.

Mới đây nhất, ngày 8/8 vừa qua, Bộ Công thương tiếp tục ký kết với Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 và Đề án Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Động thái này nhằm tiếp tục đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ hàng hóa Việt Nam trong hệ thống phân phối của Mega Market Việt Nam tại Việt Nam, đồng thời xuất khẩu hàng Việt thông qua các mạng lưới phân phối quốc tế thuộc Tập đoàn này. Đây là hoạt động tiếp nối thành công của việc hợp tác giữa Bộ Công thương và các nhà phân phối lớn, có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như AEON, Central Group, LOTTE,... trong việc hỗ trợ các nhà sản xuất hàng Việt Nam phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Thông qua kênh phân phối này, nhiều sản phẩm nông sản Việt như cá tra đông lạnh, mực, vú sữa, bưởi hồng da xanh, thanh long… đã được xuất khẩu sang Thái Lan và các thị trường khác.

Theo bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), các kênh phân phối, nhà bán lẻ ngoại không chỉ là kênh tiêu thụ quan trọng giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu Việt trên thị trường thế giới.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/hang-viet-xam-nhap-kenh-phan-phoi-ngoai-tintuc444579