Hàng Việt về nông thôn còn mang tính 'mùa vụ'

Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', mặc dù đã thu được những kết quả bước đầu, song hành trình để thương hiệu Việt chiếm được trọn vẹn niềm tin của người tiêu dùng nội địa, đặc biệt là lấp đầy khoảng trống thị phần nông thôn vẫn còn nhiều thách thức.

Còn nhớ, trong một cuộc tọa đàm về “Tuần lễ thương hiệu quốc gia” diễn ra tại Hà Nội, một vị đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã phải cay đắng thừa nhận: Hàng hóa chúng ta nhiều, xuất khẩu nhiều nhưng để có một thương hiệu bền vững mang tên doanh nghiệp, tên địa phương và được người tiêu dùng trên thế giới biết đến thì còn quá khiêm tốn. Bên cạnh đó, thị phần nông thôn rộng lớn của chúng ta còn bị nhiều doanh nghiệp bỏ quên, nhường sân cho doanh nghiệp ngoại.

Người dân huyện Chơn Thành (Bình Phước) mua sắm tại một phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn

Người dân huyện Chơn Thành (Bình Phước) mua sắm tại một phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn

Do đó, đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động chủ yếu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Không chỉ là cầu nối mà chương trình còn tạo hiệu ứng tích cực từ doanh nghiệp và phía người tiêu dùng. Chương trình này đã tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn, giúp chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt.

Một mặt, doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng của người Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn để điều chỉnh sản xuất, tổ chức kênh phân phối phù hợp, nâng cao thị phần tại thị trường. Mặt khác, người tiêu dùng nông thôn có điều kiện được tiếp xúc với nhiều loại hình doanh nghiệp, nhiều mặt hàng tiêu dùng phong phú của các doanh nghiệp Việt Nam, từ thực phẩm, hóa mỹ phẩm đến hàng gia dụng, điện tử, nội thất gia đình.

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đã thành công nhờ áp dụng chương trình này. Từ một doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường sau Đổi mới, có lúc tưởng như “chạm đáy”, vậy mà chỉ không lâu sau đó, doanh nghiệp này đã tự “lột xác” để thích ứng với cơ chế mới, tự tìm kiếm thị trường, vươn lên thành một doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về thị phần, doanh thu và trở thành Anh hùng lao động, thành một “hiện tượng Rạng Đông”.

Với định hướng chiến lược “Rạng Đông đồng hành cùng Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn”, trong những năm qua, thay vì chỉ tập trung ở các đô thị, Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm ở thị trường nông thôn, nơi mà nhiều doanh nghiệp còn bỏ ngỏ. Với việc triển khai đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng chuyên dụng và xây dựng quy trình sử dụng hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa một số loại cây trồng với quy mô công nghiệp”, Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã cho ra đời những sản phẩm chiếu sáng có chất lượng, tiết kiệm năng lượng và ứng dụng hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.

Tiêu biểu như Rạng Đông đã nghiên cứu công nghệ chế tạo bộ đèn FL&CFL chuyên dụng cho nuôi cấy mô và hoa cúc. Trước kia, nông dân trồng hoa thường dùng bóng đèn tròn để chiếu sáng cho hoa về mùa đông xuân. Trong những năm gần đây, nhiều hợp tác xã trồng hoa ở Mê Linh (Hà Nội), Đà Lạt (Lâm Đồng) đã tham gia chương trình thử nghiệm loại đèn mới do Rạng Đông chế tạo để chiếu sáng (loại đèn compact công suất 20W có ánh sáng màu đỏ), cho hiệu quả cao hơn so với khi sử dụng loại đèn thông thường (hoa nở đều, đúng thời điểm, thời gian chiếu sáng ngắn, tiết kiệm năng lượng).

Người dân thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) mua sắm hàng bình ổn giá của Chi nhánh Công ty CP Lương thực Nam Trung bộ. Ảnh minh họa

Hiệu quả từ chương trình này là không thể phủ nhận, tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, những chuyến hàng Việt Nam về nông thôn hiện nay vẫn mang tính chất “mùa vụ”. Mặt khác, các chuyến hàng khi về đến các xã thường diễn ra trong một thời gian ngắn và không cố định. Không ít địa phương coi việc doanh nghiệp tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn là một loại hình hội chợ, cho nên chương trình mạnh ai nấy làm, không có chiều sâu. Chưa kể, tại các chợ địa phương vẫn còn một số đại lý trên địa bàn bày bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn, thậm chí còn có cả hàng Trung Quốc làm giả, làm “nhái” thương hiệu của các doanh nghiệp trong nước...

Sản phẩm an toàn để phát triển bền vững

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt thành công khi chiếm lĩnh được thị trường nông thôn như Rạng Đông hiện nay chưa nhiều. TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc (TRACEVERIFIED), nhận định, điểm yếu lớn nhất của hàng hóa Việt hiện nay đó là tiêu chuẩn đảm bảo an toàn. Chính điểm yếu này đã làm cho hàng hóa Việt, thương hiệu Việt “mất điểm” trong mắt người tiêu dùng nội địa chứ chưa nói gì nước ngoài.

“Tôi lấy ví dụ lĩnh vực thực phẩm thôi, câu chuyện ăn gì, uống gì để đảm bảo vệ sinh đang là câu hỏi và nỗi lo lắng thường xuyên của người dân. Do vậy, các doanh nghiệp Việt đang hoạt động lĩnh vực này cần phải đáp ứng được yêu cầu đó của người tiêu dùng chứ không phải cứ mải miết chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bỏ quên tiêu chí này, đó cũng là sự phát triển thiếu bền vững, đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ rủi ro cao”, TS Minh khẳng định.

Ảnh minh họa

Bà Minh cho rằng, hàng hóa Việt được tin dùng, thương hiệu Việt được ghi nhớ chỉ có thể phát triển một cách bền vững nếu các nhà sản xuất trong nước cùng liên kết trên nền tảng tiêu chuẩn, chất lượng, phát triển thương hiệu và đáp ứng lợi ích người tiêu dùng. Đó chính là kinh nghiệm hết sức bổ ích từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Trao đổi với PNVN, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), nguyên Trưởng cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO, cho rằng, đã đến lúc Việt Nam nên xây dựng chương trình kế hoạch phát triển hàng nội theo hướng chất lượng hàng hóa cao ngang bằng thậm chí cao hơn thị trường ngoại. “Chúng ta chưa thể làm ở tất cả các mặt hàng nhưng có thể chọn lọc ở những nhóm hàng tiêu biểu, thế mạnh như thực phẩm, rau củ quả... Làm sao một sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận là cơ sở để được người tiêu dùng thế giới chấp nhận. Bên cạnh đó, hàng hóa Việt phải đảm bảo được tiêu chí an toàn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp Việt cần phải có sự liên kết theo chuỗi để cùng hỗ trợ nhau và chia sẻ với nhau về lợi nhuận”, ông Giám nói.

Những kết quả khả quan bước đầu

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay có khoảng 90% hàng hóa bày bán tại các siêu thị là hàng Việt.

Kết quả cuộc điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2019 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố gần đây cũng cho thấy, sản phẩm trong nước vẫn chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa với tỷ lệ đa số người tiêu dùng yêu thích tới 89% và thường mua dùng là 93%.

Kết quả nghiên cứu xã hội học về thói quen tiêu dùng của người Việt, do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội đưa ra, có đến 92% người tiêu dùng được hỏi cho rằng, họ rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt và 54% người tiêu dùng khuyên bạn bè, người thân của mình lựa chọn sử dụng hàng Việt Nam khi mua sắm. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho công tác triển khai và vận động trong thời gian qua.

Vĩnh Sưởng

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/hang-viet-ve-nong-thon-con-mang-tinh-mua-vu-post58122.html