Hàng Việt thêm 'cửa ngõ' vào EU

Đường vận tải thủy nội địa kết nối cảng sông Gron thuộc tỉnh Yonne (Pháp) với cảng biển Cái Mép vừa được khánh thành.

Tàu mang cờ Việt Nam và EU tại cảng Gron, tỉnh Yonne, Pháp trong ngày khai trương tuyến vận tải mới. (Ảnh: Theo TTXVN)

Tàu mang cờ Việt Nam và EU tại cảng Gron, tỉnh Yonne, Pháp trong ngày khai trương tuyến vận tải mới. (Ảnh: Theo TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, gần 600 tấn malt đại mạch (nguyên liệu chính để sản xuất các loại bia) của vùng Bourgogne-Franche-Comté, miền Trung nước này, sẽ được vận chuyển mỗi tuần đến Việt Nam nhờ có tuyến vận tải thủy mới nối liền cảng sông Gron, tỉnh Yonne với cảng biển Cái Mép, Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc khánh thành tuyến đường vận tải thủy từ nội địa Pháp kết nối với cảng biển Le Havre (Pháp) và Cái Mép (Việt Nam) được dự báo tạo nhiều cơ hội cho hàng hóa hai nước và cả châu Âu (EU) “tìm đến nhau” nhanh và phong phú hơn.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp nhấn mạnh: "Đây chỉ là sự khởi đầu. Việc kết hợp vận tải đường sông nội địa Pháp với đường biển cho phép các doanh nghiệp trong vùng gửi hàng hóa một cách nhanh nhất đến 2 cảng biển Le Havre của Pháp và Cái Mép của Việt Nam".

Tuyến vận tải này sẽ tạo thuận lợi cho quan hệ thương mại giữa vùng Bourgogne và Việt Nam, dự kiến sẽ tăng tốc do Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã được ký kết ngày 30/6 vừa qua. Đặc biệt đối với vùng Bourgogne chuyên về sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp mong muốn đẩy mạnh việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản được ưa chuộng ở Việt Nam như bột mỳ, thịt và hoa quả.

Một Hợp đồng xuất khẩu 5.000 tấn malt đại mạch đầu tiên sang Việt Nam vừa được ký kết. Mỗi tuần, khoảng 30 container được xếp lên xà lan rời cảng Gron đến thành phố Hồ Chí Minh, qua cảng biển Le Havre. Các đối tác Pháp và Việt Nam hy vọng sẽ tăng lượng hàng xuất khẩu này lên gấp 4 lần trong tương lai gần.

Ngoài nông nghiệp, vùng này nổi tiếng phát triển mạnh 2 ngành chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp và công nghệ sinh học.

Theo ông Didier Mercey, Chủ tịch công ty Logi Yonne phụ trách phát triển cảng Gron, liên doanh Logi VietFrance quản lý, tuyến vận tải thủy mới giữa 2 nước đã được thành lập sau vài năm nghiên cứu thị trường Việt Nam. Ông cho biết trong thời gian tới, liên doanh sẽ nghiên cứu việc xuất khẩu dây cáp hoặc các sản phẩm công nghệ cao khác được sản xuất tại Yonne và Bourgogne.

Đây là tuyến vận tải 2 chiều, qua đó Việt Nam cũng sẽ xuất khẩu sang Pháp những mặt hàng thế mạnh nếu đạt được tiêu chuẩn của châu Âu. "Nếu biết tận dụng, phía Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra cơ hội đẩy những mặt hàng thế mạnh, đủ tiêu chuẩn vào nhiều hơn, sâu hơn trong thị trường nội địa Pháp" - ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam nhận định.

Theo nhận định, tuyến vận tải thủy nối từ cảng Gron đến cảng Cái Mép, qua cảng biển Le Havre trước mắt chưa tác động nhiều tới chi phí vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam - Pháp vì hàng vẫn tập kết và trao đổi buôn bán tại “cảng mẹ” Le Havre. Hưởng lợi lớn nhất là vùng Bourgogne vì chi phí vận chuyển hàng đến/đi từ Le Havre về Bourgogne chắc chắn sẽ giảm.

Tuy nhiên, việc đích đến là cảng Cái Mép sẽ giúp cụm cảng này tại TP HCM có thêm nguồn hàng, tăng tỷ suất hoạt động. Bên cạnh đó, trong bối cảnh EVFTA vừa được ký kết thì sẽ có nhiều hơn các mặt hàng được giao thương qua lại giữa 2 nước, 2 vùng. Việc di chuyển trực tiếp thuận tiện sẽ góp phần đưa hàng hóa Việt Nam qua Pháp và từ đó lan tỏa rộng hơn.

Linh Nga

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/hang-viet-them-cua-ngo-vao-eu-157815.html