Hàng vạn người dự Lễ khai ấn đền Trần Nam Định

Lễ khai ấn đền Trần tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định diễn ra vào đêm 18/2 (tức 14 tháng Giêng) thu hút hàng vạn du khách thập phương về đi lễ và xin ấn đầu năm. Do công tác chuẩn bị của Ban tổ chức chu đáo nên năm nay những hiện tượng xấu trong lễ hội đã giảm đi rất nhiều.

Lễ khai ấn Đền Trần là một tập tục của triều đại nhà Trần. Các tư liệu lịch sử ghi lại rằng vào ngày 14 tháng Giêng (âm lịch) tại phủ Thiên Trường vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức khai ấn để tế lễ trời đất, tổ tiên; phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.

Sau này trên nền phủ Thiên Trường nhân dân đã xây dựng khu di tích đền Trần để thờ 14 vị vua nhà Trần, Trần Hưng Đạo cùng các quan văn, võ, đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc.

Trong “Diễn văn Lễ dâng hương Khai ấn Xuân Kỷ Hợi 2019”, đồng chí Hoàng Nguyên Dự, Chủ tịch UBND TP Nam Định nhấn mạnh: “Lễ hội đền Trần, trong đó có lễ Khai ấn đền Trần đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định 4205/QĐ-BVHTTDL ngày 19/12/2014.

Đây là tiền lệ của dòng họ Trần thực hiện tại Tiên Miếu (tức cung Tức Mặc xưa- đền Thiên Trường nay) với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn “Tích Phúc Vô Cương”, mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, sáng tạo, học tập, công tác tốt”.

Trên cơ sở đó, ông Hoàng Nguyên Dự cho biết ngày nay lễ hội Khai ấn không chỉ mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, yếu tố tâm linh mà còn mang tính giáo dục lịch sử sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Các tầng lớp nhân dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của vương triều Trần trong dựng nước và giữ nước Đại Việt với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh thắng giặc Nguyên- Mông.

Được biết, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lễ hội, giữ gìn an ninh trật tự, Công an tỉnh Nam Định đã thực hiện lệnh trực 100% để cắm chốt, phân luồng, điều tiết giao thông phục vụ đêm Khai ấn diễn ra vào đêm 18, rạng sáng ngày 19/2.

Từ 18h ngày 18/2, hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ công an, lực lượng quân sự, dân quân tự vệ sẽ được huy động trực 100%. Lực lượng này sẽ xây dựng 5 vòng, 23 chốt bảo vệ an toàn cho đêm Khai ấn. Tại đây cũng hình thành tuyến đường an ninh, phân luồng, hướng dẫn người dân và các phương tiện về đi lễ, tránh tình trạng lộn xộn, ách tắc trong khu vực đền Trần, nơi diễn ra các nghi lễ khai ấn và phát ấn.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, ấn đã bắt đầu được phát cho du khách từ 5h ngày 19/2. Tình trạng người dân ném tiền lẻ lên kiệu rước từ đền Cố Trạch sang đền chính Thiên Trường đã không còn nên nghi thức cổ này diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính. Ban tổ chức cũng đã dọn những đồ thờ nên dẹp bỏ được hiện tượng người dân nhảy lên cướp. Ngay sau giờ khai ấn, hàng vạn du khách thập phương đã tràn vào đền làm lễ.

Năm nay, số lượng ấn được phát ra là không giới hạn. Tại các khu vực phát ấn, dòng người xếp hàng trong trật tự. Lễ hội đền Trần năm 2019 sẽ còn tiếp tục diễn ra cho đến hết ngày 20/2 (ngày 16 tháng Giêng Âm lịch). Ban tổ chức lễ hội sẽ tiếp tục phát ấn cho du khách từ 5h ngày 19/2 cho đến hết tháng Giêng.

Bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban tổ chức Lễ khai ấn Đền Trần, cho biết, công tác chuẩn bị cho mọi hoạt động của lễ hội được giám sát, triển khai và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng để lễ hội được diễn ra an toàn, văn minh.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và thành phố sẽ xử lý triệt để tình trạng sử dụng người già, trẻ nhỏ để tổ chức ăn xin, ăn mày trong dịp lễ khai ấn. Lực lượng chức năng của tỉnh cũng yêu cầu chủ các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn thành phố Nam Định không tăng giá, “chặt chém” du khách về dự hội. Ban Tổ chức đã bố trí các bãi xe xung quanh khu vực đền Trần, tại đây đã công khai bảng giá phí trông giữ xe để người dân, du khách biết, tránh tình trạng tự ý nâng giá sai quy định.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán dịch vụ ăn uống tại thành phố Nam Định, nhất là khu vực đền Trần để đề phòng nguy cơ ngộ độc do thực phẩm không an toàn.

Năm nay, Ban Tổ chức vẫn tiếp tục sử dụng 16 camera an ninh tại khu vực diễn ra lễ khai ấn để đảm bảo an ninh trật tự, giám sát, phát hiện, nhắc nhở, xử lý những hành vi phản cảm, vi phạm quy định lễ hội.

Khánh Vy

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/hang-van-nguoi-du-le-khai-an-den-tran-nam-dinh-d2062800.html