Hãng túi xách hồi sinh nhờ kiếm tiền ở Trung Quốc

Thị trường Trung Quốc trở thành chìa khóa giúp hãng túi xách sang trọng Delvaux hồi sinh. Thương hiệu được mệnh danh là Hermès của Bỉ.

Khi doanh nhân người Pháp, Jean-Marc Loubier, mua lại Delvaux vào năm 2011, thương hiệu này đang lâm vào cảnh ngộ "hấp hối". Xưởng sản xuất đóng cửa và những chiếc túi bị bán phá giá.

Delvaux được thành lập vào năm 1829, là nhà cung cấp túi xách chính thức cho Tòa an Hoàng gia Bỉ từ năm 1883. Trước khi gặp khó khăn, thương hiệu này được gọi là Hermès của Bỉ. Các sản phẩm được đánh giá cao nhờ sự sang trọng, chất lượng tốt.

Thương hiệu xa xỉ hồi sinh

Jean-Marc Loubier nhìn thấy nhiều tiềm năng của Delvaux và kiên trì khôi phục thương hiệu. Ông cho biết: "Chúng tôi đầu tư vào công ty đang gặp khó khăn nhưng có cơ hội phát triển".

Túi xách của Delvaux được đánh giá cao nhờ chất liệu, phom dáng vượt thời gian. Ảnh: Getty, SCMP.

Túi xách của Delvaux được đánh giá cao nhờ chất liệu, phom dáng vượt thời gian. Ảnh: Getty, SCMP.

Loubier mua được thương hiệu bằng cách hợp tác với chuỗi cung ứng Li & Fung và công ty mẹ Temasek có trụ sở tại Singapore. Sau khi hợp tác với các công ty, Loubier thành lập First Heritage Brands, với tham vọng trở thành tập đoàn xa xỉ.

Bên cạnh thương hiệu Delvaux, tập đoàn đã mua lại thương hiệu giày Robert Clergerie và nhãn hiệu quần áo may sẵn Sonia Rykiel.

Tập đoàn đang gặp nhiều khó khăn để phục hồi thương hiệu giày và quần áo. Tuy nhiên, nhãn hiệu túi xách Delvaux đang mang lại nhiều thành công, đặc biệt ở khu vực châu Á. Tại khu vực này, sự nổi tiếng của công ty tăng vọt chỉ trong vài năm.

"Nếu không nhờ các đối tác Trung Quốc, Delvaux sẽ không có ngày hôm nay. Họ đã chấp nhận rủi ro", Loubier nói. Kể từ khi ông tiếp quản công ty, quy mô đã tăng lên gấp 10 lần.

Chiến lược của Loubier là tập trung vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thay vì cố hướng đến các địa điểm như châu Âu và Mỹ. Delvaux vẫn hiện diện tại những khu vực này nhưng không phổ biến bằng ở châu Á.

Để mở đường đến Trung Quốc, ông Loubier quyết định nhắm mục tiêu vào Hàn quốc. Hiện nay, Trung Quốc chiếm 30% doanh số toàn cầu của công ty.

Hướng đến những khách hàng đang ở trên đỉnh cao

Delvaux có quy mô nhỏ nhưng hoạt động như một thương hiệu hàng đầu bằng cách mở các cửa hàng trong những khu sang trọng hàng đầu thế giới. Sau đó, công ty tập trung vào thu hút những khách hàng VIP.

Xưởng của Delvaux ở Brussels, Bỉ. Ảnh: SCMP.

"Chúng tôi hướng đến những người đang ở trên đỉnh cao. Họ cảm nhận được sự khác biệt của sản phẩm. Các sản phẩm không có logo nhưng khách hàng vẫn nhớ đến. Chúng tôi tự sản xuất mọi thứ", Jean-Marc Loubier nói.

Vào tháng 6/2021, tập đoàn xa xỉ Thụy Sĩ Richemont, công ty đứng sau các hãng sang trọng như Cartier và Van Cleef & Arpels, đã mua lại Delvaux.

Loubier là người đứng sau thương vụ này. Ông đã rời khỏi công ty nhưng vẫn giữ vai trò cổ đông.

Quá trình chuyển đổi đến Richemont xảy ra trong đại dịch, một thời điểm bấp bênh. Giống các nhãn hiệu xa xỉ khác, Delvaux đã xoay xở để vượt qua khủng hoảng bằng cách tập trung vào nhóm khách hàng địa phương tại một số thị trường trọng điểm. Đồng thời, thương hiệu tuân thủ quy tắc cung cấp những sản phẩm làm từ nguyên liệu xuất sắc.

Bên cạnh đó, các khách hàng Trung Quốc có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Điều này tạo cơ hội để Delvaux phát triển ở thị trường này.

Delvaux hướng tới mục tiêu trở thành thương hiệu tỷ USD. Ảnh: Page Six, WWD.

Trong tương lai, Jean-Marc Loubier muốn biến Delvaux thành một phần của tập đoàn xa xỉ, thương hiệu tỷ USD. Sau thương vụ mua lại của Richemont, Loubier trở lại làm Giám đốc điều hành.

Ông cho biết: "Tôi tiếp quản thương hiệu vào 10 năm trước, khi nhà máy sắp đóng cửa. Hiện tại, chúng tôi có 3 xưởng sản xuất và 700 nhân viên, 400 người làm việc tại các nhà máy. Nếu không tin tưởng vào tương lai của thương hiệu, tôi đã không tổ chức hội thảo ở Pháp và Bỉ. Chúng tôi đầy tham vọng nhưng không kiêu ngạo".

Giai Kỳ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-tui-xach-hoi-sinh-nho-kiem-tien-o-trung-quoc-post1326591.html