Hàng triệu tỉ đồng tiền thuế của dân là rất lớn, Quốc hội không thể không xem xét

Đây là ý kiến của đại biểu quốc hội Vũ Thị Lưu Mai trong khi thảo luận về một số nội dung của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại Quốc hội ngày 28.5.

Đại biểu quốc hội Vũ Thị Lưu Mai - Ảnh: VPQH

Đại biểu quốc hội Vũ Thị Lưu Mai - Ảnh: VPQH

Quốc hội không phải cấp trên của Chính phủ

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, nếu Quốc hội quyết định toàn bộ danh mục dự án kế hoạch đầu tư trung hạn thì không những khối lượng quyết định quá lớn, dẫn đến khó sâu sát và kém linh hoạt.

Theo đó, Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm những nội dung trọng yếu; tổng vốn đầu tư công trung hạn; nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên, tổng mức vốn cho các ngành, lĩnh vực và địa phương… Quốc hội sẽ phân công Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chịu trách nhiệm hậu kiểm, giám sát chặt chẽ các danh mục của dự án.

“Tôi cho rằng chỗ này thể hiện phân cấp mà Quốc hội tin tưởng hệ thống đó một cách rõ nét và giao Chính phủ quyết định các danh mục, mức vốn và từng dự án cụ thể. Hội đồng nhân dân quyết định danh mục mức vốn của từng dự án cụ thể của địa phương, trong đó hội đồng nhân dân cấp trên quyết định tổng mức vốn, hội đồng nhân dân cấp dưới quyết định danh mục và mức vốn của dự án tại cấp huyện, cấp xã”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn nên bắt đầu từ cuối nhiệm kỳ của Quốc hội khóa trước. Chính phủ chuẩn bị và Quốc hội cho ý kiến về đầu tư công trung hạn giai đoạn chuyển tiếp để trình Quốc hội khóa mới quyết định tổng vốn đầu tư công trung hạn.

Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, hội đồng nhân dân các cấp lần lượt quyết định các danh mục, mức vốn của từng dự án cụ thể theo phân cấp tại kỳ họp đầu tiên, sau đó tổng hợp tổng thể báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tiếp để phê chuẩn kế hoạch đầu tư công trung hạn tổng thể và triển khai ngay trong năm tiếp theo.

Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) không đồng tình với những quan điểm trên của đại biểu Nguyễn Sơn. “Đại biểu có đề cập vấn đề phân cấp, phân quyền. Tôi trộm nghĩ Quốc hội không phải là cấp trên của Chính phủ theo đúng nghĩa, đây là 2 cơ quan khác nhau của 2 hệ thống khác nhau, một bên là lập pháp, hành pháp và quyết định các vấn đề”, ông Nhưỡng nói.

Theo ông Nhưỡng, bản thân Quốc hội cũng không phải là cấp trên của hội đồng nhân dân. Hội đồng nhân dân là cơ quan nhà nước quyền lực ở địa phương. Quốc hội hoạt động theo quy định của Hiến pháp, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội. Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chính phủ hoạt động theo Luật tổ chức Chính phủ. Đã có đầy đủ văn bản, có hệ thống, có hành lang, mỗi anh có một con đường.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, ý kiến đại biểu Nguyễn Sơn và một số đại biểu nói việc giao Chính phủ xem xét quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là cách phân cấp là không đúng.

“Hiến pháp quy định tổ chức chính quyền của cả nước có 4 cấp, cấp trung ương tổ chức quyền lực chia làm 3 nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đương nhiên hành pháp có hệ thống bộ máy đó là các bộ. Nếu nói việc chuyển quyền của Quốc hội sang Chính phủ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là phân cấp thì hoàn toàn sai. Chỉ có cấp trên là trung ương phân quyền cho cấp dưới mới gọi là phân cấp”, ông Vân nói.

Cũng theo ông Vân, quyền của Quốc hội được hiến định và được nhiều đạo luật khẳng định nên không có chuyện chia sẻ giữa quyền của cơ quan quyền lực sang cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực. Nói như vậy là không đúng.

“Chúng ta thiết định các quan hệ pháp luật bằng các đạo luật. Đấy là chuẩn mực để hành xử. Chứ không phải vì những cái thực tiễn va vấp trong đó có tổ chức thực hiện mà chúng ta đặt ngược lại là phải sửa luật”, ông Vân nêu.

Việc quyết định thể hiện trách nhiệm của đại biểu quốc hội trước nhân dân

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), việc quyết định danh mục thể hiện quyền của đại biểu Quốc hội, cũng là trách nhiệm của đại biểu quốc hội trước nhân dân. "Tôi xin phép không nhìn đó là thẩm quyền mà là trách nhiệm. Trách nhiệm hiến định được quy định tại Điều 69, Điều 70 của Hiến pháp".

Bà Mai nói quyết định danh mục là vấn đề rất lớn. Trong giai đoạn 2016-2020 tổng chi ngân sách nhà nước là 8 triệu tỉ. Riêng đầu tư phát triển chiếm 2 triệu tỉ đồng, chiếm 25%. Việc quyết định danh mục cũng đồng nghĩa với việc quyết định phân bổ 2 triệu tỉ đồng. Trong tương lai, con số này có thể lớn hơn. Đây là tiền thuế của nhân dân là một khoản vốn rất lớn. Với vị trí là người đại diện cho nhân dân, Quốc hội không thể không thể không xem xét nội dung này.

Hơn nữa theo bà Mai, việc Quốc hội quyết định danh mục thể hiện tính thống nhất, tính hợp hiến hợp pháp. Nếu giao Chính phủ quyết định danh mục đầu tư công trung hạn đồng nghĩa với việc giao Chính phủ quyết định dự toán trung hạn. Điều này không phù hợp với Hiến pháp, ngược về quy trình, ngược về thẩm quyền. Do đó, sẽ dẫn đến một nghịch lý đó là Quốc hội sẽ phải căn cứ vào danh mục mà Chính phủ đã quyết để ban hành dự toán hàng năm.

“Việc trình Quốc hội chính là bảo đảm tính công khai, dân chủ, công bằng cho 63 tỉnh, thành phố; và các đại biểu quốc hội ngồi đây có thể trực tiếp tham gia ý kiến và phương án phân bổ cho chính địa phương mình. Đó là quyền của đại biểu quốc hội và cá nhân tôi nghĩ rằng cần trân trọng điều này”, bà Mai nhấn mạnh.

Đại biểu này cũng cho rằng nếu Quốc hội không quyết định danh mục thì đó sẽ là một bước lùi trong phân bổ ngân sách. Trong lịch sử Quốc hội những năm gần đây, việc phân bổ kế hoạch đầu tư công, giao vốn cho các dự án, về cơ bản được thực hiện bởi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bây giờ cũng không nên tạo ra một tiền lệ khác.

Bà Mai cũng cho biết, danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn không phải danh mục cứng mà hoàn toàn có thể điều chỉnh trong trường hợp cần thiết. Trên thực tế 4 năm qua, Chính phủ nhiều lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn. Như vậy, không có việc không có căn cứ để điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn.

“Vậy việc trình Quốc hội có làm chậm tiến độ các dự án hay không? Bốn năm qua kể từ khi thực hiện Luật Đầu tư công, các cơ quan của Quốc hội đã nhiều lần phải gửi văn bản đôn đốc các cơ quan của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ. Nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ là do tổ chức thực hiện, do triển khai giải phóng mặt bằng chậm, do năng lực nhà thầu còn hạn chế”, bà Mai nhấn mạnh cho biết lý do chậm tiến độ không nằm ở cơ quan lập pháp.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/hang-trieu-ti-dong-tien-thue-cua-dan-la-rat-lon-quoc-hoi-khong-the-khong-xem-xet-114053.html