Hàng triệu phụ nữ Mỹ bị tước đoạt quyền cơ bản chỉ sau một đêm

Cuộc tranh luận về quyền phá thai ở Mỹ đã diễn ra trong nhiều thập kỷ, trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng và gây nhiều chia rẽ trong nội bộ xứ sở cờ hoa.

“Hàng triệu phụ nữ Mỹ đêm nay sẽ đi ngủ trong khi không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản mà chỉ sáng nay thôi, họ vẫn có. Họ sẽ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản mà thế hệ những người bà, người mẹ của họ đã có suốt 50 năm qua”, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu ngay sau khi quyết định gây chấn động của Tòa án Tối cao Mỹ về quyền phá thai được công bố hôm 24/6.

Không chỉ là vấn đề sức khỏe đơn thuần, quyền phá thai còn liên quan đến các quyền cơ bản của con người, được ghi nhận trong Hiến pháp Mỹ, như quyền bình đẳng, quyền tự do, tự quyết và tự chủ cá nhân. Vì vậy, đảo ngược án lệ Roe v Wade và những phản ứng sau đó chính là ngọn gió thổi bùng trở lại những mâu thuẫn đang âm ỉ trong lòng hệ thống chính trị và xã hội Mỹ.

Quyền lực độc lập

Hệ thống chính trị Mỹ được cấu thành bởi ba nhánh: Lập pháp (Quốc hội, bao gồm Thượng viện và Hạ viện), hành pháp (đứng đầu là tổng thống) và tư pháp (Tòa án Tối cao). Ba nhánh hoạt động độc lập và kiểm soát lẫn nhau.

Trong vấn đề xây dựng luật, một dự luật do Quốc hội soạn thảo có thể được tổng thống phê duyệt hoặc bác bỏ, trong khi Tòa án Tối cao có thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến của luật và xét xử theo hiến pháp. Ngoài ra, các phán quyết của tòa án nhằm giải thích hiến pháp và các đạo luật của cơ quan lập pháp cũng được xem là một nguồn luật, còn gọi là luật thẩm phán.

 Tòa án Tối cao có vai trò quan trọng trong hệ thống tư pháp và chính trị Mỹ. Ảnh: AP.

Tòa án Tối cao có vai trò quan trọng trong hệ thống tư pháp và chính trị Mỹ. Ảnh: AP.

Số lượng thẩm phán của Tòa án Tối cao được quyết định bởi Quốc hội và các nhà lập pháp tại Thượng viện có quyền phê chuẩn ứng viên do tổng thống đề cử trở thành thẩm phán.

Nắm bắt được quy trình tuyển chọn, chính cựu Tổng thống Donald Trump đã lợi dụng việc đảng Cộng hòa nắm giữ đa số tại Thượng viện trong khoảng cuối nhiệm kỳ của ông để đề cử thành công ứng viên bảo thủ Amy Coney Barret trở thành thẩm phán thứ 9 của cơ quan tư pháp liên bang tối cao.

Theo Reuters, với kết quả đó, phe bảo thủ đã chiếm ưu thế tại Tòa án Tối cao khi có đến 6/9 vị thẩm phán ủng hộ đảng Cộng hòa. Do các thẩm phán có nhiệm kỳ suốt đời, điều này sẽ gây khó khăn đáng kể với nhánh hành pháp - hiện do các thành viên “cấp tiến” của đảng Dân chủ nắm giữ.

Hệ thống chính trị Mỹ được xem là một cấu trúc chặt chẽ, kiểm soát lẫn nhau và cân bằng quyền lực, song ranh giới giữa phân quyền và phân tách vì mâu thuẫn giữa các nhánh trong hệ thống đôi khi rất mong manh.

Việc phán quyết Roe v Wade bị lật ngược một cách bất ngờ và gây nhiều tranh cãi chính là một minh chứng rõ nét cho “vấn đề” nổi cộm, chưa có lời giải trên.

Phán quyết gây chấn động nước Mỹ

Năm 1973, trong vụ kiện Roe v Wade, Tòa án Tối cao đã công nhận rằng quyền phá thai là quyền tự do cơ bản được bảo vệ bởi Tu chính án thứ mười bốn của Hiến pháp Mỹ. Cho tới trước hôm 24/6, án lệ trên chính là cơ sở để tòa án khẳng định sự bảo vệ của hiến pháp đối với quyền tự do thiết yếu này, đảm bảo mỗi cá nhân có quyền đưa ra quyết định cá nhân về gia đình và sinh sản.

Do đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó tổng thống Kamala Harris và nhiều nghị sĩ đã lên tiếng phản đối kịch liệt trước quyết định đầy tranh cãi mới đây từ phía tòa án. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng: “Quyết định này đã đẩy sức khỏe và cuộc sống của phụ nữ vào nguy hiểm” và “kéo lùi sự phát triển của nước Mỹ 150 năm”.

Mặc dù vậy, người đứng đầu nhánh hành pháp Mỹ vẫn phải thừa nhận: “Không có lệnh hành pháp nào có thể đảm bảo quyền lựa chọn của phụ nữ”, đồng nghĩa với việc Nhà Trắng không có quyền can thiệp để thay đổi quyết định gây tranh cãi lần này của cơ quan hàng đầu nhánh tư pháp liên bang.

Thay vào đó, ông kêu gọi cử tri bầu cho những nghị sĩ ủng hộ Đạo luật Bảo vệ Quyền Phụ nữ, trong đó có quyền phá thai, trong kì bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay. Bởi lẽ nếu đạo luật này được thông qua, quyền phá thai sẽ được pháp điển hóa trong hệ thống pháp luật liên bang trên toàn nước Mỹ.

Mâu thuẫn lưỡng đảng gay gắt trở lại?

Phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ hôm 24/6 đồng thời phản ánh những mâu thuẫn chưa có dấu hiệu suy giảm giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, đặc biệt trong vấn đề về các quyền công dân.

Nếu chỉ vài ngày trước đó, vào hôm 21/6, một nhóm thượng nghị sĩ đến từ hai đảng đã đạt được sự đồng thuận chung được coi là “hiếm có” sau nhiều tuần đàm phán đối với một dự luật về kiểm soát súng đạn, thì những bất đồng lưỡng đảng lại tiếp tục hiện diện trở lại đối với quyền phá thai.

Các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ sau phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ hôm 24/6. Ảnh: Boston Globe.

Việc Tòa án Tối cao lật lại bản phán quyết lịch sử từ năm 1973 đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người đứng đầu của nhiều bang do đảng Cộng hòa nắm giữ, cũng như một số nhân vật quan trọng trong chính đảng này.

Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton tuyên bố đóng cửa văn phòng làm việc và chọn ngày 24/6 là ngày lễ hàng năm để “tưởng nhớ hơn 70 triệu mạng sống đã mất đi vì các biện pháp phá thai”. Tương tự, người đồng cấp tại bang Louisiana, ông Jeff Landry, cũng khẳng định: “Đây là ngày đã được Chúa sắp đặt”.

Ở chiều hướng ngược lại, ngay trong ngày 24/6, nhiều ứng cử viên của đảng Dân chủ cho chức tổng chưởng lý và thống đốc của các bang đã đưa ra nhiều hứa hẹn về tiếp tục bảo vệ quyền lợi của những người mong muốn, hoặc người thực hiện, các biện pháp phá thai, dù điều này có thể bị cấm bởi hiến pháp của các tiểu bang.

Tuy nhiên, bản thân thái độ của các thành viên thuộc cơ cấu hai chính đảng lớn nhất nước Mỹ trước vấn đề nhức nhối này cũng có sự phân hóa mạnh mẽ.

Theo khảo sát mới nhất công bố bởi trung tâm Pew Research, có tới gần 38% các thành viên của đảng Cộng hòa hoặc các ứng viên độc lập có xu hướng ủng hộ chính đảng này, cho rằng việc phá thai nên được hợp pháp hóa hoàn toàn hoặc một phần. Đáng chú ý, tỷ lệ này không có nhiều thay đổi kể từ năm 2007 tới nay.

Sau khi quyết định gây tranh cãi của Tòa án Tối cao được công bố, bốn vị thống đốc và cũng là thành viên của đảng Cộng hòa tại các bang Maryland, Massachusetts, New Hampshire và Vermont cũng đã lên tiếng phản đối, khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ quyền được sử dụng và thực hiện các biện pháp phá thai, dù sẽ có một số giới hạn nhất định.

Tương tự, các thành viên hoặc ứng cử viên có xu hướng thân đảng Dân chủ cũng không hoàn toàn ủng hộ việc hợp pháp hóa các biện pháp phá thai, với tỷ lệ tán thành chỉ ở mức xấp xỉ 80%.

Màu sắc của yếu tố tôn giáo

Ở một góc độ khác, một số quan điểm cho rằng sự chia rẽ trong ý kiến của dư luận Mỹ về vấn đề phá thai cũng mang màu sắc của yếu tố tôn giáo.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Tôn giáo Công cộng (PRRI) cho thấy có tới 43% số người Mỹ tự nhận mình theo một tôn giáo nào đó không cho rằng phán quyết về Roe v Wade nên bị lật ngược. Đặc biệt, quyết định của Tòa án Tối cao đã đưa tới những phản ứng trái ngược từ trong nội bộ các cộng đồng tôn giáo lớn.

Sự chia rẽ trong dư luận Mỹ về quyền phá thai cũng mang màu sắc tôn giáo. Ảnh: AP.

Cụ thể, khi nói về sự kiện đã diễn ra trong ngày 24/6 vừa qua, ông Brian Burch, chủ tịch của CatholicVote - nhóm vận động chính trị Công giáo với đường lối bảo thủ - cho rằng: “Một chương đen tối trong lịch sử của đất nước chúng ta cuối cùng cũng được khép lại”.

Thế nhưng, ông Jamie L. Manson, Chủ tịch Catholics for Choice, một nhóm vận động Công giáo khác, lại đưa ra lời chỉ trích đanh thép nhằm vào Tòa án Tối cao, lên án hành động trên đã “tước đi những quyền tự do cơ bản nhất của phụ nữ - đó là khả năng kiểm soát sinh sản của bản thân và quyền tự quyết định số phận của chính mình”.

Quyền phá thai và kỳ bầu cử cận kề

Hiện nay, đảng Dân chủ giữ đa số tại Hạ viện, trong khi tỉ lệ nghị sĩ của hai đảng tại Thượng viện đang ở thế cân bằng (50/50).

Trước khi phán quyết Roe v Wade bị Tòa án Tối cao lật ngược, Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ chỉ giành được 49/100 phiếu bầu tại Thượng viện, dù đã được Hạ viện thông qua. Tất cả 50 thành viên đảng Cộng hòa và Thượng nghị sĩ Joe Manchin của đảng Dân chủ đã bỏ phiếu chống thông qua dự luật này.

Để đưa quyền phá thai trở thành quyền hiến định, dự luật cần được thông qua tại Hạ viện và nhận được đồng thuận của ít nhất 60 thượng nghị sĩ.

Với ưu thế tại Hạ viện hiện nay, đảng Dân chủ cần giành thêm chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kì tại Thượng viện vào tháng 11 tới đây nếu muốn đạt mục tiêu thúc đẩy đồng thuận đối với Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ.

Đây chính là cơ sở để nhiều nhà dự báo cho rằng Roe v Wade sẽ trở thành một trong những vấn đề trọng tâm trong chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa kì sắp tới.

Khoảnh khắc bên ngoài Tòa án Tối cao Mỹ sau phán quyết gây sốc Biểu tình lớn đã nổ ra trước trụ sở Tòa án Tối cao Mỹ ngày 24/6 để phản đối việc tòa án lật lại phán quyết vụ kiện Roe và Wade về quyền phá thai.

Hà Nam - Tâm Hiền

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-trieu-phu-nu-my-bi-tuoc-doat-quyen-co-ban-chi-sau-mot-dem-post1332513.html