Hàng triệu người Trung Quốc mất Tết lần thứ 3

Năm thứ 3 đại dịch bùng phát, nhiều người Trung Quốc phải chấp nhận đón năm mới xa nhà. Tất cả đều có chung mong ước dịch bệnh được đẩy lùi để đoàn tụ cùng người thân.

Ngồi một mình trong căn phòng riêng ở thành phố Bắc Kinh vào ngày Tết Nguyên đán, Zhang Yong (28 tuổi) khó kìm được sự xúc động trong giọng nói khi nhắc về gia đình ở quê.

"Cha mẹ tôi ngày càng già đi, vì vậy nếu có thể dành nhiều thời gian bên họ, tôi nghĩ đó là điều nên làm", Zhang tâm sự với phóng viên CNA.

Anh là con út trong gia đình có 3 con. Đã 2 năm kể từ lần cuối anh về thăm nhà ở Tứ Xuyên và gặp mặt bố mẹ trong dịp Tết Nguyên đán năm 2020.

Năm đó, người dân Trung Quốc đón năm mới chỉ ít tháng sau khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được báo cáo và dịch bệnh lây lan khắp cả nước. Đặc biệt, giữa ngày hội Xuân vận, hàng triệu người về quê đoàn tụ cùng gia đình, tình hình càng căng thẳng.

 Zhang một mình đón Tết ở Bắc Kinh do dịch bệnh.

Zhang một mình đón Tết ở Bắc Kinh do dịch bệnh.

Hai năm ăn Tết xa nhà

Zhang nhớ lại dịp Tết 2020, vừa về nhà ở thành phố Lô Châu được 2 ngày, nỗi lo lắng về việc thành phố Bắc Kinh nơi anh làm việc sẽ phong tỏa như Vũ Hán - tâm chấn của dịch bệnh khi đó - luôn đè nặng lên tâm trí.

"Buối tối, khi đang ngồi chơi bài với một số người thân, bạn của tôi bất ngờ gửi tin nhắn trên WeChat. Anh ấy nói nếu tôi không lập tức trở lại Bắc Kinh thì khả năng sẽ không thể về đó nữa".

Zhang cảm thấy mệt mỏi, anh không thể chần chừ thêm. Anh chàng sợ sẽ thất nghiệp nếu không thể quay lại trung tâm nơi anh làm huấn luyện viên thể hình. Cuối cùng, Zhang quyết định trở lại thủ đô sớm hơn dự kiến.

Thanh niên 28 tuổi lập tức mua chiếc vé bay tới Bắc Kinh vào ngày hôm sau, tức mùng 3 Tết.

Zhang không thể ngờ đại dịch kéo dài lâu đến thế. Từ ngày đó đến nay, anh vẫn chưa có cơ hội gặp lại gia đình.

Tết năm 2021, anh không về quê ăn Tết vì chính quyền khuyến khích người dân không di chuyển trong tình hình dịch bùng phát nặng nề.

Năm nay, Trung Quốc vẫn đang chạy đua để ngăn chặn làn sóng dịch mới, bao gồm cả sự bùng phát của biến thể Omicron với tốc độ lây lan cực nhanh.

Trung Quốc áp dụng nhiều quy định để hạn chế dịch lây lan trong dịp Tết Nguyên đán.

Bắc Kinh đang là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Trong thông điệp được đưa ra, các quan chức bày tỏ sự lo ngại về nhiều rủi ro và khuyến khích cư dân nhập cư ở lại thành phố.

"Tôi rất lo rằng nếu về quê sẽ không thể trở lại, do Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sắp diễn ra nên thành phố có thể áp dụng nhiều quy định nghiêm ngặt".

Thế vận hội sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 4/2 và Trung Quốc sẽ tổ chức phiên họp lập pháp hàng năm vào tháng 3.

Đối với Christina Zhuang (38 tuổi), đường về nhà ăn Tết còn rất xa.

"Năm 2020 là lần đầu tiên tôi không được đón Tết cùng gia đình. Tôi thật sự không cảm nhận được không khí ngày đầu năm mới", cô gái người gốc Bắc Kinh, đã sống ở Singapore 6 năm, cho biết.

Tết năm nay, sau thời gian dài xa cách, mẹ của Zhuang đã bay tới Singapore để đoàn tụ cùng con gái. Cô rất háo hức khi sắp được ăn những món mẹ nấu.

Nhiều người Trung Quốc ăn Tết xa nhà suốt 2 năm qua.

Tuy nhiên, cha của Zhuang không thể đến gặp con gái. Viễn cảnh phải ở 21 ngày trong khu cách ly khiến ông e ngại.

Việc phong tỏa, kiểm dịch hàng loạt và hạn chế đi lại vẫn được áp dụng khắp các địa phương tại đất nước tỷ dân. Các biên giới quốc tế của nước này hầu như bị đóng cửa, yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt được thực hiện.

Mong muốn lớn nhất của Zhuang lúc này là các quy định được nới lỏng để cô có thể đưa con trai một tuổi rưỡi về thăm Bắc Kinh. "Tôi muốn đưa con về thăm ông bà và tham quan thành phố nơi tôi lớn lên".

Một số chuyên gia tin rằng Trung Quốc sẽ sớm nới lỏng các hạn chế. Giáo sư Ivan Hung, trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong, cho biết trước tiên tỷ lệ tiêm chủng cần phải tăng lên khoảng 90%. Hiện tại, Trung Quốc có 85% dân số đã được tiêm đủ vaccine.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-trieu-nguoi-trung-quoc-mat-tet-lan-thu-3-post1293771.html