Hàng trăm tài xế tập trung phản đối Grab tăng chiết khấu VAT

Hàng trăm tài xế xe ôm công nghệ đã tập trung về văn phòng đại diện của GrabBike (ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phản đối việc đơn vị này tăng chiết khấu thuế VAT lên đối tác tài xế.

Tài xế xe ôm công nghệ tập trung trước văn phòng đại diện của GrabBike để phản đối sự việc.

Thông tin trên NLĐ, sáng 7/12, tại khu vực trước trụ sở Grab (ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), rất đông tài xế xe máy công nghệ GrabBike đã tập trung tại đây, tắt App để phản đối việc đơn vị này tăng giá cước cho mỗi chuyến đi từ ngày 5-12. Gần về trưa, số lượng tài xế xe ôm công nghệ đến đây ngày một đông khiến giao thông khu vực này gặp nhiều khó khăn.

Một tài xế chạy GrabBike cho biết việc tắt App Grab để phản đối mức khấu trừ mỗi chuyến xe là quá bất công đối với tài xế và cảm thấy rất bức xúc.

Liên quan đến sự việc này, Lao động đưa thông tin đại diện truyền thông Grab cho hay, đã nắm được thông tin tài xế tập trung phản đối chính sách tăng thuế ở Hà Nội. Phía Grab đã cắt cử người để nói chuyện và giải thích cho tài xế.

Rất đông tài xế tập trung phản đối Grab tăng chiết khấu VAT.

Rất đông tài xế tập trung phản đối Grab tăng chiết khấu VAT.

Theo đại diện phía Grab, đơn vị đang cố gắng giải thích cho tài xế hiểu, đây là quy định của nhà nước chứ Grab không tự ý tăng như vậy.

Trước đó, theo Nghị định 126 hướng dẫn Luật Quản lý thuế, từ ngày 5/12/2020, mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu. Theo quy định này, nếu thuế GTGT với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của tài xế sẽ giảm 8%. Ví dụ, một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng thì tài xế nhận về khoản doanh thu 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định tại Nghị định 126, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng.

Được biết, trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên tài xế tập trung đình công để phản đối Grab.

Tháng 8/2019, hàng trăm tài xế GrabBike đình công tập thể, tập trung trước cửa văn phòng của Grab tại TP.HCM để phản đối chính sách thu hộ thuế thu nhập cá nhân mà nhóm tài xế cho rằng còn nhiều điểm chưa minh bạch.

Khi đó, đại diện Grab đã phải làm việc với các tài xế, giải đáp thắc mắc của đối tác. Do quá đông tài xế GrabBike tập trung tại một chỗ, có nguy cơ mất an ninh trật tự, công an khu vực đã phải có mặt để đảm bảo, phối hợp với Grab giải quyết vấn đề.

Nhiều tài xế xe ôm công nghệ Grab đã tập trung tại trụ sở của hãng để phản đối mức điều chỉnh tăng khấu trừ và tăng giá cước cơ bản của hãng.

Tháng 1/2018, rất đông đối tác của Grab đã tập trung trước tòa nhà Kim Ánh (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi có văn phòng của Grab, để phản đối việc hãng này đơn phương nâng mức chiết khấu.

Cụ thể, khoảng hơn 100 tài xế cả GrabCar và Grabbike đã tập trung phản đối, làm đoạn đường tại ngõ 78 phố Duy Tân, trước cửa tòa nhà Kim Ánh, bị tắc nghẽn. Lực lượng công an phường đã phải tham gia điều tiết giao thông tại đây.

Phía Grab sau đó đã mời một số tài xế đại diện lên văn phòng để trao đổi nhằm "hạ hỏa" đám đông.

Tài xế vừa mở App vừa bức xúc vì bị trừ chiết khấu quá nhiều.

Cũng thời điểm này, nhiều tài xế GrabBike tại TP.HCM kéo đến văn phòng của doanh nghiệp này tại quận 10, để phản đối mức chiết khấu mà hãng nâng từ 20% lên 23,6%, áp dụng ngày 1/1/2018. Không đồng ý với yêu cầu của giới tài xế, nhưng Grab sau đó đã âm thầm đưa mức chiết khấu về lại 20%, bắt đầu từ 10h ngày 13/1.

Chưa hết, hồi giữa tháng 8/2017, nhiều tài xế GrabBike tại Hà Nội cũng đồng loạt tắt ứng dụng và kêu gọi đình công phản đối khi mức chiết khấu từ 5% lên 20%. Bất chấp Grab giải thích việc thay đổi để cạnh tranh so với các dịch vụ tương tự, đồng thời thống nhất giữa hai thị trường lớn là TP HCM và Hà Nội, nhiều tài xế vẫn cho rằng mức chiết khấu này quá cao và bất hợp lý.

XT (tổng hợp)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/hang-tram-tai-xe-tap-trung-phan-doi-grab-tang-chiet-khau-vat-20201207180048662.htm