Hàng trăm tà áo dài diễu hành trên phố tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát

Lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ hành hương về lăng mộ và tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát, người được xem là ông tổ khai sinh ra áo dài Việt Nam.

Sáng 9/7, tại lăng Trường Thái, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc, Hệ 9 Tiền biên tổ chức húy kỵ và tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát. Buổi lễ được tổ chức từ rất sớm với các nghi thức trang trọng, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong trang phục áo dài đã đại diện dâng hương lên người được xem là ông tổ khai sinh ra áo dài Việt Nam.

Sáng 9/7, tại lăng Trường Thái, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc, Hệ 9 Tiền biên tổ chức húy kỵ và tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát. Buổi lễ được tổ chức từ rất sớm với các nghi thức trang trọng, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong trang phục áo dài đã đại diện dâng hương lên người được xem là ông tổ khai sinh ra áo dài Việt Nam.

Sau khi dâng hương tại lăng Trường Thái, mọi người di chuyển về Hoàng Thành tiến hành diễu hành, dâng hoa tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát tại Triệu Tổ Miếu.

Đoàn dâng hoa với hơn 300 người gồm Đội nghi thức Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế, đoàn UBND tỉnh, Sở VHTT, các đoàn thiết kế và cán bộ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong trang phục áo dài diễu hành qua một số tuyến đường.

Trong tiếng lễ nhạc trang trọng, đoàn dâng hoa đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và du khách.

Sau khi đi ngang qua Ngọ Môn theo đường 23/8, đoàn rước rẽ qua đường Đoàn Thị Điểm, qua cửa Hiển Nhơn rồi tiến về Triệu Tổ Miếu.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế dâng hương, dâng hoa tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát tại Triệu Tổ Miếu.

Các đoàn thực hiện các nghi lễ để tri ân.

Kết thúc phần dâng hoa, dâng hương là lễ cúng được thực hiện theo nghi thức truyền thống.

Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), húy là Hiểu, hiệu Vũ vương, là vị chúa Nguyễn thứ tám trị vì Đàng Trong từ năm 1738 đến 1765. Thời chúa trị vì, có nhiều cải cách được ban hành. Đặc biệt trong đó đã ban hành quy định nhằm định chế lại chế độ y quan trong triều chính, quy định lại chiếc áo dài của cả nam lẫn nữ nhằm phân biệt y phục giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Trước đó, để tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát, tri ân vua Minh Mạng người có công trong việc phổ biến áo dài, đồng thời định hướng để phát triển áo dài Huế - Áo dài truyền thống Việt Nam, khẳng định Huế là kinh đô áo dài Việt Nam, Sở VHTT Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo về áo dài với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các nghệ nhân và cả những nhà thiết kế - may mặc.

Du khách chụp ảnh cùng tà áo dài khi tham quan Đại Nội Huế trong sáng nay.

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hang-tram-ta-ao-dai-dieu-hanh-tren-pho-tri-an-chua-nguyen-phuc-khoat-20200709131218635.htm