Hàng trăm ống thải xả nước đen kịt xuống biển Đà Nẵng, còn ai dám tắm?

Vào mùa cao điểm du lịch hè, biển Đà Nẵng đang chịu áp lực lớn từ việc xả thải của hàng trăm khách sạn gần biển.

 Tại khu vực cống xả thuộc khu vực bãi tắm Mỹ Khê, nước thải chảy ra nổi bột trắng xóa và đi ra biển. Ảnh: Nhân Tâm

Tại khu vực cống xả thuộc khu vực bãi tắm Mỹ Khê, nước thải chảy ra nổi bột trắng xóa và đi ra biển. Ảnh: Nhân Tâm

Chiều Chủ Nhật vừa qua, bà Đỗ Thị Tâm (59 tuổi) dẫn cháu nội 3 tuổi của mình đi tắm biển. Tuy nhiên, bà không dám cho cháu mình xuống biển tắm vì “biển dơ quá, sợ gây hại cho da của bé”. Sau khi cho bé chơi 15 phút trên cát, bà Tâm dắt bé về.

Xả thải được thực hiện thường xuyên

Theo ghi nhận của TBKTSG Online, chiều Chủ Nhật, các cống xả dọc biển Đà Nẵng hoạt động mạnh, đẩy nước thải cùng những chất bẩn ra biển, làm khu vực biển gần bờ chuyển thành màu đen. Nhiều người xuống biển thường lội ra xa khu vực cống xả để tắm. Nhiều người khác chọn cho mình chiếc ghế để ngồi ngắm biển hoặc chịu khó đi bộ đến vùng biển sạch hơn.

Vào các ngày thứ Hai và thứ Ba, các cống xả vẫn tiếp tục hoạt động từ sáng đến chiều tối tuy với cường độ ít hơn. Tại một cống xả, nước thải sủi bọt trắng và chảy ra biển theo “lối đi riêng”. Trong khi tại một cống xả khác, nguyên vùng cát có màu xanh nhạt, nước sủi bọt và chảy ra biển.

Nếu nhìn lại hai năm gần đây, tình trạng như những ngày vừa qua không phải là chuyện lạ. Cứ cách 1-2 tháng hoặc sau cơn mưa, biển Đà Nẵng lại hứng chịu một lượng lớn nước xả thải được cho là từ hàng trăm khách sạn nằm dọc bờ biển. Điều này cũng trùng khớp với những gì ông Nguyễn Văn Lợi, chủ một điểm cung cấp dịch vụ giữ xe và tắm nước ngọt gần bãi biển Mỹ Khê xác nhận. “Lâu lâu tôi lại nghe nhiều người sau khi tắm biển phản ánh biển hôi quá”, ông Lợi nói.

Theo ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, nước thải chảy ra biển như vậy là do hệ thống thoát nước bị quá tải. Một trong những nguyên nhân mà ông Mã đưa ra là do hồ bơi của các khách sạn lớn dọc tuyến đường ven biển đồng loạt mở cửa xả để nước hồ bơi chảy vào hệ thống cống xả. Trong hệ thống cống hiện tại, nước thải đi chung với nước mưa. Vì vậy, khi bị quá tải, nước sẽ tràn ra biển

Theo số liệu từ công ty này, lượng nước thải bơm về Nhà máy Xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn là 20.000m3/ngày đêm và đã vượt thiết kế của nhà máy (15.000m3/ ngày đêm). Nhà máy Sơn Trà cũng đã ở mức báo động khi hàng ngày phải tiếp nhận 35.000m3 trong khi công suất thiết kế chỉ là 30.000m3/ ngày đêm. Trong khi đó, hiện nay, đường ven biển kéo từ từ quận Sơn Trà đến quận Ngũ Hành Sơn có rất nhiều công trình khách sạn và nhà hàng, nên việc xử lý nước thải bị quá tải.

Tại một cống xả khác ở khu vực bãi tắm Mân Thái, nước thải chưa qua xử lý chảy thẳng ra biển. Ảnh: Nhân Tâm

Tại cuộc tiếp xúc giữa với cử tri ngày 15-5 vừa qua do Hội đồng Nhân dân thành phố chủ trì, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, cho biết tại khu vực ven biển này có hơn 400 cơ sở lưu trú với hơn 1.800 phòng. Từ năm 2010 đến nay, có 200 cơ sở được cấp phép đấu nối, nhưng khi kiểm tra có đến 50% cơ sở được kiểm tra không có đấu nối đảm bảo và chỉ có 13,8% cơ sở kiểm tra đảm bảo điều kiện.

Cần nhiều biện pháp ngăn chặn

Tại buổi gặp gỡ báo chí cách đây đúng một năm, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cũng đã thừa nhận về mùa khô, cơ bản nước thải được thu gom xử lý nhưng yếu kém lớn nhất của hệ thống này là khi có mưa hoặc nước thải vượt ngưỡng tính toán thì hệ thống thu gom sẽ ngừng hoạt động hoặc hoạt động tối đa công suất nhưng không đáp ứng nhu cầu dẫn đến nước thải hòa lẫn nước mưa hoặc nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm.

Tại cuộc họp kể trên, ông Thơ cũng đã công bố sẽ đầu tư các hệ thống xử lý nước thải hiện đại và lắp đặt tại các khu vực Mỹ An, Mỹ Khê và Phạm Văn Đồng – nơi tập trung một số lượng lớn khách sạn và nhà hàng.

“Hệ thống này theo tiêu chuẩn quốc tế với công nghệ tách nước thải sinh hoạt và nước mưa. Nước thải sinh hoạt sẽ được đưa về trung tâm xử lý trong khi nước mưa sẽ được đổ ra biển”, ông Thơ nói và giải thích thêm hệ thống này sẽ giúp cải thiện tình trạng hiện nay là nước thải sinh hoạt và nước mưa cùng đổ ra biển khi có mưa lớn.

Bên cạnh đó, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết sẽ rà soát lại tất cả khách sạn, nhà hàng lên quan đến xả thải môi trường, không thực hiện đánh giá tác động môi trường, từ đó xử phạt, thậm chí rút giấy phép. Cụ thể, đến tháng 9 năm nay, sẽ tổng kiểm tra rà soát và xử lý nghiêm các cơ sở khách sạn, nhà hàng vi phạm xả thải ra môi trường.

Vào mùa hè, cũng là mùa cao điểm du lịch, biển Đà Nẵng đang chịu áp lực lớn từ việc xả thải từ một số lượng lớn các khách sạn đang hoạt động gần biển. Ảnh: Nhân Tâm

Theo ý kiến của những người liên quan, nhất là những người làm trong ngành du lịch, cần thực hiện nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ để giải quyết tình trạng này, bao gồm sớm đưa vào vận hành hệ thống tách nước mưa và nước thải sinh hoạt, chứ không để tình trạng này xảy ra thường xuyên.

Đại diện một công ty du lịch (giấu tên) đưa ra một bài toán. Hiện nay có 400 khách sạn gần khu vực biển đang hoạt động. “Ví dụ, bình quân, hằng ngày mỗi khách sạn phục vụ ăn sáng cho khách ở tại 10 phòng. Lượng chất thải và nước thải từ việc nấu nướng sẽ lớn biết bao nhiêu nếu cộng gộp lại”, vị giám đốc này nói và chia sẻ ý kiến những khách sạn này nên đóng góp tiền cùng thành phố thực hiện việc xử lý nước thải.

Một ý kiến khác cho rằng các Sở có liên quan như Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và Du lịch nên ngồi lại với nhau bàn về việc thực hiện quản lý và quy hoạch cơ sở lưu trú phục vụ du lịch.

Đà Nẵng đang bước vào mùa cao điểm du lịch hè. Một lượng lớn khách đổ ra biển hằng ngày. Tình trạng xả thải nếu không giải quyết dứt điểm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch của thành phố Đà Nẵng.

Đừng để những vị khách như bà Đỗ Thị Tâm và cháu mình sợ xuống biển tắm. Và nguy hiểm hơn là khách du lịch một ngày nào đó sợ tắm biển Đà Nẵng.

Phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng vừa kiểm tra 61 cơ sở lưu trú, 58 nhà hàng, khách sạn ở quận Sơn Trà, 34 nhà hàng, khách sạn ở quận Ngũ Hành Sơn. Một số vi phạm về môi trường, chủ yếu là các hành vi như không vận hành hệ thống xử lý nước thải, xây dựng hệ thống xử lý nước thải có công suất thực tế thấp hơn công suất trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt và có công nghệ xử lý nước thải khác so với hồ sơ môi trường đã được phê duyệt.

Ngoài ra, một số đơn vị khác đã đi vào hoạt động nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải; tự ý bổ sung hạng mục so với hồ sơ môi trường đã được phê duyệt, tăng quy mô so với hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép…

Qua kiểm tra cũng cho thấy, phần lớn các cơ sở không tiếp cận được điểm đấu nối thoát nước, không có hố ga bên ngoài tường rào của cơ sở, không có đồng hồ đo lưu lượng nước thải.

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290312/hang-tram-ong-thai-xa-nuoc-den-kit-xuong-bien-da-nang-con-ai-dam-tam.html