Hàng trăm nghệ nhân, nghệ sỹ tham dự Liên hoan hát văn toàn quốc 2018

Liên hoan Hát văn, Hát Chầu văn toàn quốc 2018 sẽ diễn ra từ ngày 26-28/4 tại thành phố Huế, thu hút sự tham gia của khoảng 450 nghệ nhân, nghệ sỹ và diễn viên đến từ nhiều địa phương trong cả nước.

Một trong những nội dung của liên hoan là diễn xướng 36 giá đồng. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Một trong những nội dung của liên hoan là diễn xướng 36 giá đồng. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo thông tin từ Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Liên hoan Hát văn, Hát Chầu văn toàn quốc 2018 sẽ diễn ra từ ngày 26-28/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (số 41A Hùng Vương, thành phố Huế).

Chương trình có sự tham gia của khoảng 450 nghệ nhân, nghệ sỹ và diễn viên đến từ các địa phương: Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lào Cai, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội, Lạng Sơn và Tuyên Quang.

Đại diện ban tổ chức cho biết, nội dung của các tác phẩm tham gia liên hoan tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ; tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước, ocn người và truyền thống xây dựng đất nước; diễn xướng 36 giá đồng thường dược các thanh đồng thể hiện tại các đền, phủ…

Liên hoan Hát văn, Hát Chầu văn toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Festival Huế 2018 (diễn ra từ ngày 27/4-2/5 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển: Huế - một điểm đến, năm di sản"). Chương trình được tổ chức nhằm quảng bá, tôn vinh và phát huy các giá trị của loại hình hát văn, hát chầu văn.

Tháng 12/2016, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghi lễ chầu văn (hay còn gọi là hầu đồng, ngự đồng…) là nghi lễ chính, điển hình nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu. Thông qua nghi lễ này, con người gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình.

Theo giáo sư-tiến sỹ khoa học cứu Ngô Đức Thịnh, hầu đồng thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp âm nhạc mang tính tâm linh (lời ca trau chuốt) với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm.

Những người thực hành tín ngưỡng tin rằng, hình thức này có thể giúp con người giao tiếp được với các đấng thần linh. Lúc này, các thanh đồng đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh.

Hầu dâng và cung văn là những người trực tiếp giúp thanh đồng trong các buổi hầu đồng. Hai (hoặc bốn) người hầu dâng ngồi hai bên thanh đồng trước bàn thờ Thánh, giúp các thanh đồng việc thắp hương, dâng lễ vật, thay trang phục khi chuyển từ giá hầu này sang giá hầu khác…

Trong hầu đồng, cung văn giữ vai trò quan trọng: xướng nhạc và hát trong khi các thanh đồng trình diễn. Nhạc cụ chủ đạo của cung văn là đàn nguyệt; bên cạnh đó còn có trống bang, cảnh đồng, phách, thanh la…

Bên cạnh đó, với những giá trị độc đáo về văn học, vũ đạo, âm nhạc và nghệ thuật trình diễn dân gian… hầu đồng đã trở thành nguồn cảm hứng lớn để các nghệ sỹ hiện đại khai thác, đưa lên sân khấu với nhiều cách điệu./.

An Ngọc (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hang-tram-nghe-nhan-nghe-sy-tham-du-lien-hoan-hat-van-toan-quoc-2018/499017.vnp