Hàng trăm lao động bị nợ lương

Theo đơn phản ánh của tập thể người lao động Công ty Cổ phần Cầu 12 - Tổng Công ty Công trình giao thông 1 (Cienco1), hàng trăm lao động hiện đang bị công ty nợ lương. Nhiều lao động đã phải nghỉ việc để tìm kế sinh nhai.

Một số công nhân tập trung tại trụ sở Công ty để đòi quyền lợi vào ngày 16/5.

Một số công nhân tập trung tại trụ sở Công ty để đòi quyền lợi vào ngày 16/5.

Người lao động kêu cứu

Công ty Cổ phần Cầu 12 gắn liền với hàng trăm cây cầu lớn nhỏ trên khắp cả nước và cả nước bạn Lào. Từ các cây cầu thô sơ như: Nà Phặc, Chợ Mới, Việt Trì, Trại Cau đến các cây cầu tầm cỡ, hiện đại và tiên tiến bậc nhất như Cầu quay sông Hàn, Vĩnh Tuy, Mỹ Thuận, Chà Và, Thị Lại, Cao Lãnh... Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, đời sống của hàng trăm công nhân Cầu 12 gặp nhiều khó khăn. Việc bị công ty nợ lương và bảo hiểm xã hội kéo dài khiến cho nhiều lao động phải nghỉ việc.

Có thể kể đến một số trường hợp như ông Đặng Trần Quỳnh (sinh năm 1979, ở Đức Thắng, Tiễn Lữ, Hưng Yên) bị nợ 5 tháng lương và 34 tháng bảo hiểm xã hội, ông Phạm Văn Tuất (sinh năm 1970, ở Vũ An, Kiến Xương, Thái Bình) bị nợ 4 tháng lương và 33 tháng bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Văn Bẩy (sinh năm 1968, ở Dân Chủ, Hưng Hà, Thái Bình) bị nợ 33 tháng bảo hiểm xã hội...

Ông Trần Thanh Quyết (sinh năm 1964, ở Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, hiện tại có khoảng hơn 100 công nhân công ty phải nghỉ việc, tìm công việc mới do bị công ty nợ lương và bảo hiểm xã hội kéo dài. Ông Quyết, hiện đang bị công ty nợ 28 tháng bảo hiểm và 4 tháng lương, và đang phải đi làm trong Quảng Ngãi để kiếm thêm thu nhập…

Đơn của tập thể người lao động gửi các cơ quan chức năng nêu: Các cổ đông lớn đã khiến công ty phải chịu số tiền bị chiếm dụng lên gần 310 tỷ đồng (trong khí vốn điều lệ chỉ 48,5 tỷ đồng). Các dự án của công ty đều thi công cầm chừng. Hiện, công ty nợ thuế hơn 70 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội gần 25 tỷ đồng, nợ lương người lao động gần 25 tỷ đồng… Năm 2015, công ty có hơn 800 cán bộ công nhân viên thì hiện tại chỉ còn dưới 150 người. Thời gian qua, người lao động đã tập trung về trụ sở công ty kiến nghị đòi quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, sau 2 lần đối thoại trực tiếp với lãnh đạo công ty, đến giờ mọi việc vẫn không được giải quyết thấu đáo.

Do nợ đọng tiền thi công quá lớn

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Duy Hưng – Chủ tịch Công đoàn Cienco 1, thừa nhận tình trạng Công ty Cổ phần Cầu 12 đang nợ lương, bảo hiểm xã hội. Sau khi nhận được đơn kiến nghị của người lao động, Công đoàn Tổng công ty đã có công văn đề nghị Ban chấp hành Công đoàn Công ty Cổ phần Cầu 12 tổ chức đối thoại, yêu cầu giải quyết kiến nghị của người lao động.

Ông Đỗ Duy Hưng – Chủ tịch Công đoàn Cienco 1, làm việc với phóng viên.

Tuy nhiên, những yêu cầu về trả lương, bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn chưa được đáp ứng. Người lao động thường xuyên có mặt tại trụ sở công ty yêu cầu lãnh đạo công ty giải quyết quyền lợi hợp pháp và chính đáng. Theo như Công đoàn Tổng công ty nắm được, tình hình tài chính thực tế hiện nay của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do bị các cổ đông lớn chiếm dụng quá lớn, kéo dài và nợ đọng xây dựng cơ bản nên Công ty Cổ phần Cầu 12 hoàn toàn không có khả năng đáp ứng yêu cầu tối thiểu về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động trong thời gian tới.

Trong khi Hội đồng quản trị, giám đốc công ty đều là nhân sự mới. Do vậy, việc khởi kiện doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi người lao động là không thể tránh khỏi. Công đoàn Tổng công ty đã gửi văn bản đề nghị Công đoàn ngành Giao thông vận tải Việt Nam xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn…

Theo công văn Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình trạng Công ty Cổ phần Cầu 12 nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội: Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu việc làm, quản lý yếu, nợ đọng xây dựng kéo dài. Về phía công đoàn ngành, thời gian qua đã tuyên truyền, giải thích pháp luật để người lao động hiểu và thực hiện đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, chủ động xử lý các tình huống phát sinh, không để người lao động bị các đối tượng lôi kéo, kích động làm trái quy định pháp luật. Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động có các phương án giải quyết kiến nghị của người lao động, duy trì ổn định lực lượng lao động để tổ chức sản xuất, kinh doanh góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Khi cần thiết, hướng dẫn trợ giúp các thủ tục pháp lý để công đoàn cơ sở đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động tham gia hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động. Có thể khởi kiện doanh nghiệp ra tòa về hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.

Công đoàn Giao thông vận tải đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ý kiến với Chính phủ, các Bộ, ngành trong giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp. Đồng thời hỗ trợ cử chuyên gia tư vấn pháp luật hướng dẫn công đoàn cơ sở thực hiện nhiệm vụ đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp ra tòa hoặc ủy quyền cho luật sư khởi kiện doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động.

H.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hang-tram-lao-dong-bi-no-luong-109276.html