Hàng trăm học sinh có nguy cơ bỏ học vì… xã đạt nông thôn mới

Học sinh của những xã vùng cao vừa đạt chuẩn nông thôn mới ở Quảng Nam đang có nguy cơ bỏ học giữa chừng vì bị cắt chế độ hỗ trợ gạo cơm, thực phẩm.

Nhà trường phải đứng ra vay mượn, xin tài trợ từ các mạnh thường quân… để đảm bảo cuộc sống bán trú cho những học sinh bị cắt chế độ hỗ trợ vì xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nghịch lý đó đang xảy ra tại nhiều trường học của huyện Tây Giang (Quảng Nam), khiến hàng trăm học sinh có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng.

Bị cắt hỗ trợ vì xã đạt nông thôn mới

Tại Trường Trung học cơ sở bán trú Nguyễn Văn Trỗi (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) hiện đang có 210 học sinh là người dân tộc thiểu số của xã A Nông theo học.

Học sinh tại nhiều trường học của huyện Tây Giang có nguy cơ bỏ học giữa chừng vì bị cắt chế độ hỗ trợ. Ảnh: AN

Học sinh tại nhiều trường học của huyện Tây Giang có nguy cơ bỏ học giữa chừng vì bị cắt chế độ hỗ trợ. Ảnh: AN

Cách đây ba năm, khi xã này chưa đạt chuẩn nông thôn mới thì cả 210 học sinh này đều hưởng chế độ hỗ trợ gạo và tiền ăn của nhà nước theo Nghị đinh số 116/2016/NĐ-CP, để theo học con chữ.

Nhưng từ năm học 2015-2016, khi xã A Nông đạt chuẩn nông thôn mới thì những học sinh này bị cắt hết chế độ.

Cô Hồ Thị Tâm – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi cho biết, không có sự hỗ trợ của nhà nước, nhiều học sinh của nhà trường đang đứng trước nguy cơ phải bỏ học giữa chừng.

“Không có gạo, bị cắt hết chi phí sinh hoạt, trong khi gia đình các em rất khó khăn, không kham nổi các chi phí ăn ở, đi lại.

Nhà trường phải cố gắng duy trì bữa cơm cho các em bằng cách xin chỗ nay, vay mượn chỗ kia. Nhưng nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì rất khó ‘giữ chân’ các em ở lại trường học”, cô Tâm nói.

Tương tự, tại Trường trung học phổ thông Tây Giang có gần 100 học sinh đến từ xã Lăng cũng lâm vào cảnh bị cắt hết chế độ do xã này vừa được đạt chuẩn nông thôn mới.

Thầy Đinh Văn Tư – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Tây Giang (Quảng Nam) cho hay, các em sinh sống tại các bản làng cách xa trường hàng chục cây số, nếu không ở bán trú thì sẽ không có phương tiện đi lại.

“Nếu không có hỗ trợ gạo cơm, thực phẩm thì gia đình các em không thể đảm đương, việc bỏ học là tất yếu”.

Vào đầu năm học, sau khi nghe công bố danh sách học sinh bị cắt chế độ, đã có trên 40 học sinh bỏ học giữa chừng, do gia đình các em quá nghèo không đủ điều kiện chu cấp cho các em.

Các thầy giáo, cô giáo đã về đến tận nhà vận động phụ huynh, các em mới trở lại trường.

“Trước mắt, nhà trường phải đi vay mượn kinh phí để hỗ trợ cho các em bán trú. Sau này sẽ tính toán các nguồn kinh phí khác để bù vào.

Vì để đưa các em đến trường đã rất gian truân, không thể để học sinh đứt con chữ giữa chừng”, thầy Tư nói.

Theo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang thì trong học kỳ 1 năm học 2017-2018 có 371 học sinh bị cắt hỗ trợ. Cụ thể, trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Bhalêê có: 33 học sinh;

Trường phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nguyễn Bá Ngọc có 41 học sinh, trường phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi có 180 học sinh và trường trung học phổ thông Tây Giang 119 học sinh.

Trong học kỳ 2 năm học 2017-2018, còn 346 học sinh bán trú không được hỗ trợ.

Nhiều lần kiến nghị để cứu các em khỏi bỏ học

Trước những bất cập của chính sách, nhiều trường học ở Tây Giang đã gửi công văn “cầu cứu” các bộ, ngành để khôi phục chế độ cho “học sinh bị cắt hỗ trợ vì nông thôn mới”.

Nhưng đến nay, mọi việc vẫn chưa được giải quyết, nguy cơ bỏ học của hàng trăm học sinh vẫn “treo” lơ lửng.

Đại diện Phòng Giáo dục huyện cho biết: “Dù quy định như vậy nhưng Phòng vẫn đề nghị các trường tiếp tục tổ chức việc ở bán trú cho các đối tượng học sinh này.

Các trường chủ động mua lương thực, thực phẩm của các quầy tạp hóa để lo việc ăn, ở cho các em.

Nếu không tổ chức việc ăn ở cho các em học sinh thuộc đối tượng này thì việc đến trường của các em sẽ không thường xuyên, có nguy cơ bỏ học, ảnh hưởng đến công tác phổ cấp giáo dục các cấp học của địa phương”.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ cho học sinh có điều kiện ăn học bán trú tại trường, Phòng Giáo dục cũng đã có tờ trình gửi Ủy ban nhân dân huyện đề nghị hỗ trợ kinh phí để các trường mua lương thực, thực phẩm cho các em.

Theo đó, trong học kỳ 1 năm học 2017-2018, Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang thống nhất hỗ trợ cho 371 em học sinh, mỗi học sinh được hỗ trợ 360.000 đồng với thời gian hỗ trợ là 5 tháng.

Trong học kỳ 2 năm học 2017-2018, huyện Tây Giang đã hỗ trợ cho 346 học sinh, mỗi học sinh được hỗ trợ 360.000 đồng với thời gian 4 tháng.

Tuy nhiên, đây chỉ là phương án "chữa cháy" tạm thời, về lâu dài, các trường kiến nghị Bộ, ngành, Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để đối tượng học sinh có hộ khẩu thường trú tại các thôn không đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, khu vực II được hưởng các chế độ chính sách khác.

An Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hang-tram-hoc-sinh-co-nguy-co-bo-hoc-vi-xa-dat-nong-thon-moi-post192480.gd