Hàng trăm hộ dân thu gom, tái chế rác thải làm sạch môi trường

Trong khi Hà Nội đang loay hoay chưa biết xử lý như thế nào với bãi rác Nam Sơn thì tại Hà Tĩnh, từ rác thải hữu cơ, hơn 900 hộ dân đã thu gom, tái chế thành phân vi sinh để chăm bón cho cây trồng.

Rác thải được thu gom, phân loại ngay tại nhà, sau đó, xử lý rác ngay tại nhà, sau đó rác hữu cơ được ủ trong bể để làm phân vi sinh. Nhờ đó mà huyện Hương Sơn đã giảm được 70% lượng rác hữu cơ tại điểm tập kết rác thải của địa phương.

Rác thải được thu gom, phân loại ngay tại nhà, sau đó, xử lý rác ngay tại nhà, sau đó rác hữu cơ được ủ trong bể để làm phân vi sinh. Nhờ đó mà huyện Hương Sơn đã giảm được 70% lượng rác hữu cơ tại điểm tập kết rác thải của địa phương.

Báo Hà Tĩnh đưa tin, hơn 900 hộ dân ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã thu gom, tái chế thành phân vi sinh để chăm bón cho cây trồng. Chính vì thế nên đường làng, ngõ xóm ở xã Sơn Giang (Hương Sơn) luôn trong lành, sạch sẽ, bởi rác thải sinh hoạt thời gian gần đây được các hộ thu gom, phân loại, xử lý ngay tại nhà.

Quy trình ủ khá đơn giản, chỉ cần xây bể đựng rác chia làm 2 ngăn có nắp đậy nhằm tránh ruồi muỗi vào đẻ trứng. Sau khi rác sinh hoạt của gia đình được phân loại, riêng rác hữu cơ như: thức ăn dư thừa, rau cỏ, trái cây hư… cho vào hố ủ trộn với men vi sinh để biến thành phân bón vi sinh.

Ông Bùi Đức Hạnh – Phó Bí thư Đảng ủy xã cho hay: Sơn Giang là địa phương được chọn làm điểm thực hiện đề án phân loại và xử lý rác thải tại nguồn của huyện.

Mỗi hộ xây bể xử lý rác hữu cơ theo đúng quy định sẽ được huyện hỗ trợ 200 nghìn đồng và 100 nghìn đồng mua 2 thùng nhựa phân loại rác thải sinh hoạt. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay toàn xã đã xây dựng được 207 mô hình ủ phân vi sinh.

Mô hình ủ phân vi sinh góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân

Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Trần Bình Thân cho hay, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tổ chức mua và cấp phát 6.629 thùng rác cho các hộ gia đình; triển khai xây dựng được 928 mô hình ủ phân vi sinh tại nguồn.

Bước đầu cho thấy, nhiều hộ gia đình đã tiến hành xử lý rác bằng bể ủ phân vi sinh đạt hiệu quả cao, sử dụng tốt cho cây trồng. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân từ việc xử lý chuyên nghiệp rác thải xung quanh gia đình, đường làng, ngõ xóm... vì một môi trường xanh.

Trước đây, việc chế rác thải hữu cơ thành phân bón cho cây trồng đã được một số địa phương trong nước thực hiện. Cụ thể tại Bình Phước, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đã thí điểm triển khai thực hiện đề án “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” ở phường Tiến Thành (Đồng Xoài). Sau 1 năm thực hiện, đề án mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Cùng với nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đề án còn góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo khu dân cư an toàn, xanh, sạch, đẹp.

Để đảm bảo hiệu quả, đề án đã cung cấp 50 thùng phuy nhựa ủ rác hữu cơ có dung chứa gần 200 lít, đường kính 0,5cm, bên dưới có cánh cửa; 5 xe thu gom rác; 250 gói chế phẩm vi sinh và 15 bộ dụng cụ dọn vệ sinh cho 50 hộ đăng ký tham gia. Đồng thời, hội cũng thành lập ban quản lý thường xuyên giám sát, kiểm tra và đánh giá tiến độ dự án, đôn đốc các hoạt động, kỹ thuật xử lý và phân loại rác thải. 50 hộ dân trên địa bàn phường Tiến Thành tham gia dự án không những góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn mà còn đem lại lợi ích kinh tế từ tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và nhất là cung cấp một lượng phân bón giàu dinh dưỡng trong chăm sóc cây trồng. Các loại cây trồng khi được bón phân hữu cơ này sinh trưởng nhanh, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, ít bị ký sinh trùng gây bệnh.

Sau một thời gian thực hiện “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” ở phường Tiến Thành đã giảm 80-90% lượng rác thải hữu cơ phải chôn lấp hoặc thu gom, xử lý, tận dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân từ việc xử lý chuyên nghiệp rác thải xung quanh gia đình, đường làng, ngõ hẻm... vì một môi trường xanh.

Còn tại Thanh Hóa, tháng 5/2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Rừng Thông (huyện Đông Sơn) cũng đã triển khai thí điểm mô hình “Hố ủ rác thành phân hữu cơ” để bón cho cây trồng tại 2 hộ gia đình thuộc khu phố Xuân Lưu. Mô hình này đã được cán bộ Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam hướng dẫn từ việc đào hố, phân loại rác cho đến cách ủ và sử dụng phân hữu cơ thu được để bón cho cây trồng.

Ý tưởng gây được sự chú ý của cộng đồng bởi phương pháp dễ làm, chi phí thấp lại góp phần rõ rệt trong việc giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.

Dù mô hình mới chỉ đang ở mức thí điểm, tuy nhiên, ý tưởng “Hố ủ rác thành phân hữu cơ” được đề ra và thực hiện đã giúp cho việc giảm thiểu rác thải sinh hoạt thải ra mỗi ngày, nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong việc giữ giữ gìn bảo vệ môi trường.

PV (tổng hợp)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/vi-sao-khong-thuc-hien-tai-che-rac-thai-huu-co-lam-sach-moi-truong-258879.html