Hàng trăm ha ruộng 'khát nước'

Hàng trăm ha ruộng ở huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) phải nhờ 'nước trời', nhiều diện tích phải bỏ hoang. Trong khi đó, dự án thủy lợi nhiều năm chưa hoàn thành.

Ruộng bỏ hoang vì nhờ "nước trời"

Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Phan Phước trú ở thôn Lương Viện, Thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) vẫn phải bỏ hoang gần 3 sào ruộng trồng lúa ở thôn Lương Viện. Nguyên nhân bỏ hoang theo ông Phước, do sản xuất không hiệu quả vì việc trồng lúa phải "nhờ trời" nên khi được khi mất. Sau khi phải bỏ "cần câu cơm" của gia đình, anh Phước chuyển sang làm nghề phụ hồ kiếm sống.

 Vụ đông xuân năm nay nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân ở thị trấn Phú Đa vẫn đang bị bỏ hoang vì không chủ động được nguồn nước. Ảnh: Tiến Thành.

Vụ đông xuân năm nay nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân ở thị trấn Phú Đa vẫn đang bị bỏ hoang vì không chủ động được nguồn nước. Ảnh: Tiến Thành.

“Vụ hè thu thì thiếu nước, hầu như phải bỏ hoang, còn mùa này thì vẫn có ít mưa nhưng sản xuất lúa cũng chẳng năng suất” ông Phước nói.

Cũng lý do trên mà gần 2 sào ruộng của gia đình ông Phan Lực (thôn Lương Viện) cũng đang phải bỏ hoang vụ đông xuân này, ruộng để khô khan, cỏ mọc xanh um. Theo những người dân nơi đây, với mong mỏi có được công trình phục vụ nước tưới cho ruộng đồng để sản xuất, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền trong các buổi tiếp dân.

Theo ông Phan Văn Cường, Tổ trưởng Tổ dân phố Lương Viện, người dân nơi đây sống bằng nghề nông, trồng lúa là chủ yếu. Nhưng do không chủ động được nguồn nước tưới, sản xuất chỉ trông chờ vào nguồn nước tự nhiên nên 1 năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa; ngoài ra không thể trồng trọt thêm rau màu, hay nuôi thêm con tôm, con cá.

“Sản xuất nông nghiệp của bà con vẫn đang phải nhờ trời. Các năm trước thì hầu như lúa bị mất trắng. Năm nay thuận lợi hơn do từ đợt mưa lũ cuối năm 2020 có được ít nước đọng trên ruộng nên bà con mạnh dạn canh tác được 97% diện tích. Số ruộng bị bỏ hoang còn lại ít, khoảng gần 3 ha trên tổng 70,2 ha" ông Cường thông tin.

Cũng theo ông Cường, trước mắt chính quyền địa phương đôn đốc người dân nạo vét kênh mương và dùng gàu thủ công để đưa nước vào ruộng phục vụ sản xuất, nhưng do khan hiếm nguồn nước nên việc cung cấp tưới tiêu cho ruộng, đồng rất gian nan.

Sản xuất nông nghiệp của người dân Lương Viện, Viễn Trình gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước ngọt. Ảnh: Tiến Thành.

Đến mùa hạn, bà con nơi đây không có nước cho gia súc uống, phải sử dụng nước máy. Mong muốn của bà con là làm sao đẩy nhanh tiến độ kênh dẫn nước gần đó để có nước sản xuất.

Những năm gần đây (điển hình như vụ động xuân 2018 - 2019), do thiếu nước tưới tiêu nên 146 ha diện tích trồng lúa của người dân ở Lương Viện và Viễn Trình đã bị thiệt hại nặng, trong đó, 40 ha lúa bị mất trắng hoàn toàn. Nhiều diện tích hoa màu và nuôi trồng thủy sản cũng chịu cảnh “chết khát” nước, ảnh hưởng năng suất.

Tiếp đến, vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 80 ha diện tích lúa bị chết do thiếu nước và xâm nhập mặn, thì tập trung chủ yếu là ở Thị trấn Phú Đa và một số địa phương khác của huyện Phú Vang.

Dự án thủy lợi “rùa bò”

Trước tình trạng sản xuất nông nghiệp của người dân ở Lương Viện, Viễn Trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước tưới tiêu, tháng 10/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt quyết định đầu tư Dự án hệ thống tưới tiêu Thanh Lam - Phú Đa. Dự án được đầu tư với tổng kinh phí 26 tỷ đồng, do Ban Đầu tư & Xây dựng NN-PTNT Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư.

Công trình này nhằm dẫn nguồn nước ngọt từ sông Đại Giang vào cấp nước tưới chủ động bằng động lực cho 216 ha đất sản xuất nông nghiệp ở Thị trấn Phú Đa gồm lúa và hoa màu. Các công trình trên tuyến đã được khởi công xây dựng vào tháng 7/2016 và dự kiến hoàn thành cuối tháng 12/2016.

Dự án hệ thống tưới tiêu Thanh Lam - Phú Đa thi công nhiều năm chưa hoàn thành. Ảnh: Tiến Thành.

Ông Hồ Xuân Long, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Phú Đa cho biết, hiện nay, chủ đầu tư dự án đang tiến hành đền bù cho người dân ở địa phương để thực hiện giai đoạn 3, nên dự án kênh mương dẫn nước tưới tiêu Thanh Lam - Phú Đa vẫn chưa được hoàn thành để phục vụ sản xuất.

Hơn 150 ha diện tích trồng lúa của người dân ở 2 tổ dân phố Lương Viện, Viễn Trình vẫn đang bị thiếu nước phục vụ sản xuất và vẫn đang phải nhờ vào nguồn nước tự nhiên. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã phải khuyến cáo người trồng lúa ở khu vực này nên chuyển đổi cây trồng trên diện tích thường xuyên bị thiếu nước tưới, thậm chí bỏ hoang ruộng để tránh thiệt hại.

“Địa phương cũng rất mong được sự quan tâm của các cấp, các ngành để công trình sớm được hoàn thành đưa vào sử dụng, qua đó giúp người dân ổn định và phát triển đời sống, đặc biệt, khắc phục tình trạng thiếu nước tưới trong những vụ sản xuất lúa của bà con” ông Long cho hay.

Theo Ban Đầu tư & Xây dựng NN-PTNT Thừa Thiên - Huế, dự án hệ thống tưới tiêu Thanh Lam - Phú Đa gồm có 3 gói thầu xây lắp: Gói thầu số 1 gồm tuyến dẫn đoạn dài 2.111 m, kênh dẫn đoạn 2 dài 1.480 m và trạm bơm; đã được thi công hoàn thành ngày 31/8/2019.

Gói thầu số 2, gồm tuyến kênh chính dài 1.257m và các công trình trên tuyến cũng đã được hoàn thành vào ngày 24/12/2020. Gói thầu số 3 (gói thầu cuối cùng của dự án) gồm tuyến kênh nhánh N1 dài 2.970 m, kênh nhánh N2 dài 800 m hiện đang triển khai thi công xây dựng, theo kế hoạch sẽ hoàn thành năm 2021.

Do lâu năm không được sử dụng, nhiều đoạn kênh dẫn nước đã bị cỏ phủ. Ảnh: Tiến Thành.

Cũng theo Ban đầu tư & Xây dựng NN-PTNT Thừa Thiên- Huế, thời gian qua do công tác đền bù giải phóng mặt bằng kênh nhánh N1 và N2 chậm, đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công tuyến kênh. Một số đoạn thuộc phạm vi đất của UBND Thi trấn Phú Đa quản lý thì tổ chức thi công được nhưng chỉ thực hiện theo đoạn cục bộ và không được liên tuyến với nhau.

Những năm qua ở Thừa Thiên- Huế thường xuyên xảy ra những đợt nắng nóng, hạn hán kéo dài, tình trạng thiếu nước tưới khiến đất sản xuất nông nghiệp của người dân cũng bị bỏ hoang ngày càng nhiều.

Tiến Thành

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hang-tram-ha-ruong-khat-nuoc-d289713.html