Hàng trăm GS, PGS giảng dạy, không nghiên cứu: Thêm vị đắng!

GS, PGS không làm nghiên cứu mà chỉ giảng dạy là 'sách vở', giảng như con 'vẹt' học thuộc giáo trình, không có sáng tạo.

Không ngạc nhiên

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, chia sẻ, việc đào tạo GS, PGS ở Việt Nam lạ lắm, người không đứng lớp giảng dạy vẫn được phong GS, PGS. Người làm GS, PGS lại chỉ dạy mà không nghiên cứu gì. Cũng lại có người làm GS, PGS mà không hề giảng dạy, cũng không làm nghiên cứu mà là làm quan.

Chuyện phong GS, PGS luôn gây ồn ào tại Việt Nam. Ảnh minh họa

"Làm GS, PGS ở xứ mình đang chuyển hướng vào các cơ quan quản lý nhà nước, những cán bộ có chức vụ cao tại các bộ, ngành trung ương và địa phương chứ không hoàn toàn ở các trường đại học và các viện nghiên cứu nữa. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, Việt Nam có tới hơn 11.000 GS, PGS nhưng tỉ lệ đứng lớp chỉ chiếm chưa tới 40% là đánh giá chính xác.

Còn trong nghiên cứu khoa học, thực tế vẫn có nhiều GS, PGS đứng tên đăng ký chủ nhiệm đề tài nhưng làm cho có, thậm chí có trường hợp còn không nghiên cứu ngày nào mà đi thuê hoặc ké chân vào công trình của người khác cho đủ tiêu chuẩn xét phong. Vì lẽ này mà bản chất các công trình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam vốn đã ít, chất lượng lại rất thấp.

Những trường hợp này, xét về bản chất GS, PGS vẫn chủ yếu sống bằng nghề giảng dạy, đặc biệt những GS, PGS tại các viện nghiên cứu. Do đó, có nói rằng cả nước có tới 11.600 GS, PGS nhưng cũng có hàng trăm GS, PGS chỉ giảng dạy mà không hề thực hiện nghiên cứu khoa học cũng không sai.

Nguyên nhân là do các tiêu chuẩn xét phong GS, PGS của Việt Nam còn quá dễ dãi, chưa phù hợp thực tế. Tiếp nữa, việc xét phong GS, PGS còn mang nặng tính hình thức, người được xét phong GS, PGS gắn liền với nhiều lợi ích, cơ hội cá nhân khác. Vì thế, tình trạng GS, PGS không dạy, không nghiên cứu hoặc không nghiên cứu vẫn giảng dạy là rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Là người trong cuộc, chúng tôi không hề ngạc nhiên về tình trạng này", PGS Nguyễn Văn Nam chia sẻ.

Thế giới không ai làm

Trong khi, tình trạng GS, PGS không làm nghiên cứu vẫn đứng lớp giảng dạy được đánh giá là phổ biến ở Việt Nam thì PGS Nguyễn Văn Nam cho rằng, ở các nước trên thế giới tình trạng này gần như không bao giờ xảy ra.

"Các nước quy định nghiên cứu là tiêu chuẩn bắt buộc để một GS, PGS có thể được đứng lớp giảng bài. Đã là GS, PGS là phải luôn kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Yêu cầu phải nghiên cứu là để bổ trợ kinh nghiệm thực tiễn, bảo đảm cho chất lượng đào tạo GS, PGS được tốt hơn. GS, PGS không làm nghiên cứu mà chỉ giảng dạy là "sách vở", dạy lý thuyết suông, giảng như con "vẹt" học thuộc giáo trình, không có sáng tạo.

Còn đối với những GS, PGS làm công tác nghiên cứu cũng bắt buộc phải đứng lớp giảng dạy, chứ không thể chỉ nghiên cứu mà không tham gia giảng dạy được. Nghiên cứu là để giảng dạy, là truyền đạt lại những cái đã nghiên cứu được. Nếu nghiên cứu mà không giảng dạy thì sản phẩm nghiên cứu làm xong cũng chỉ xếp ngăn tủ, vô nghĩa, không có giá trị đối với quá trình phát triển", PGS.TS Nguyễn Văn Nam thẳng thắn.

Vị PGS cho biết, nếu so sánh tỉ lệ GS, PGS tại Việt Nam so với tỉ lệ những người đang làm công tác nghiên cứu là rất thấp so với các nước trên thế giới. Thế nhưng, ngay cả khi số lượng thấp thì chất lượng GS, PGS tại Việt Nam cũng không được đánh giá cao một phần do trình độ kém, phần khác do cơ chế thiếu chặt chẽ, tình trạng chạy chức danh còn diễn ra phổ biến.

"Tình trạng trên đã kéo cả nền học thuật chung của Việt Nam xuống, nếu cứ tiếp tục như vậy, Việt Nam sẽ ngày càng bị tụt hậu, không thể theo kịp được các nước trong khu vực", vị PGS cảnh báo.

Để khắc phục thực trạng trên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, ngoài việc xem xét lại các tiêu chí, tiêu chuẩn trong đánh giá chức danh GS, PGS thì cần phải thay đổi cả quan niệm về GS, PGS.

Hàng trăm GS, PGS giảng dạy, không nghiên cứu: Háo danh!

PGS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh, nghề nào phải gắn với cơ sở đó. Cách hiểu sai lệch như hiện nay khiến ai cũng có tâm lý chạy theo bằng cấp, cố có được học hàm, học vị để được oai, để được vẻ vang.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều cán bộ, công chức, lãnh đạo cũng muốn có được cái học hàm GS, PGS. Có những người không đứng lớp, không có một giờ dạy nào cũng vẫn được phong danh hiệu GS, PGS.

Bên cạnh đó, ông đề xuất, việc xét học hàm GS, PGS nên để cho các trường đại học tự lựa chọn, tự xem xét dựa trên nhu cầu, yêu cầu của từng trường. Trên cơ sở xác định trường cần bao nhiêu GS, PGS, họ còn phải xây dựng cơ chế trả lương cho những người này nữa. Do đó, khó có sự xét bừa vì còn liên quan tới cơ chế tài chính của chính trường đó.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/hang-tram-gs-pgs-giang-day-khong-nghien-cuu-them-vi-dang-3358658/