Hàng trăm chính trị gia kêu gọi giải cứu rượu vang Australia

Ít nhất 200 nghị sĩ từ 19 quốc gia đang kêu gọi người dân toàn thế giới giải cứu rượu vang Australia sau khi Trung Quốc áp thuế hơn 200% với mặt hàng này.

Hàng trăm chính trị gia kêu gọi giải cứu rượu vang Australia sau lệnh áp thuế của Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Hàng trăm chính trị gia kêu gọi giải cứu rượu vang Australia sau lệnh áp thuế của Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Theo trang The Guardian (Anh), các thành viên của Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC) đã phát động chiến dịch kêu gọi mọi người sử dụng rượu vang Australia vào tháng 12. Động thái này diễn ra sau khi Bắc Kinh quyết định áp thuế thương mại lên tới 212% đối với các nhà sản xuất rượu Australia, một quyết định mà Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham cho rằng không công bằng với các nhà xuất khẩu.

Trong đoạn video ngắn được đăng trên mạng Twitter, các nghị sĩ từ một loạt quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Italy, New Zealand và Na Uy, cho rằng quyết định áp thuế của Bắc Kinh là “tàn khốc” đối với các nhà sản xuất rượu của Australia và gọi đây là hành vi “bắt nạt”.

Đoạn video trên đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người cho biết họ đã quyết định mua rượu Australia để thưởng thức rượu vang hảo hạng trong mùa lễ này.

Trước đó, cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt cũng kêu gọi mua rượu Australia để "thể hiện sự đoàn kết". Ông Bildt cáo buộc Trung Quốc "vũ khí hóa thương mại trong tranh cãi về chính trị" với Australia. Ông kêu gọi các quốc gia nên lưu ý tới diễn biến này và dự báo điều này có thể phản tác dụng với Trung Quốc.

Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố kết quả cuộc điều tra hồi cuối tháng 8 cho rằng rượu vang Australia đang được bán phá giá tại Trung Quốc, gây ra "thiệt hại đáng kể" cho ngành sản xuất trong nước.

Theo số liệu của chính phủ Australia, doanh số bán rượu vang của nước này sang Trung Quốc trong năm ngoái đạt mức kỷ lục 900 triệu USD, đưa Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ rượu vang lớn nhất của Australia chiếm khoảng 37% lượng rượu vang xuất khẩu. Ngay sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra thông báo trên, cổ phiếu của nhà sản xuất rượu vang lớn nhất Australia là Treasury Wine Estates - công ty sở hữu thương hiệu rượu Penfolds - đã lao dốc hơn 11%.

Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud ngay lập tức bày tỏ "cực kỳ thất vọng" và bác bỏ các cáo buộc rằng các nhà sản xuất rượu vang nước này bán phá giá ở Trung Quốc. Bộ trưởng cho biết Australia sẽ phản ứng mạnh mẽ trước quyết định này của Bắc Kinh, trong đó để ngỏ khả năng có biện pháp đáp trả thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia với kim ngạch thương mại hai chiều trong năm ngoái đạt 170 tỷ USD. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi Trung Quốc công bố áp thuế đối với mặt hàng lúa mạch Australia vào tháng 5. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những động thái nhắm vào các nhà xuất khẩu của Australia, như đình chỉ nhập thịt bò từ 5 nhà máy chế biến hàng đầu Australia và bắt đầu 2 cuộc điều tra chống bán phá giá với rượu vang của đối tác. Mới đây nhất, ngày 12/11, Trung Quốc đã đình chỉ một số hoạt động nhập khẩu gỗ từ Australia, cụ thể là từ bang Victoria sau khi phát hiện có sâu bệnh trong loại gỗ này.

Các động thái này được cho là nhằm đáp trả lời kêu gọi điều tra toàn cầu về nguồn gốc lây lan của virus SARS-CoV-2 của Australia.

Về phần mình, Chính phủ Australia hồi đầu tháng này cũng thông báo đã ngừng xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ tôm hùm bông lớn nhất của Australia - sau khi Trung Quốc áp đặt quy định kiểm tra hải quan mới với hải sản tươi sống.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hang-tram-chinh-tri-gia-keu-goi-giai-cuu-ruou-vang-australia-20201203190016690.htm