Hàng TQ trà trộn vào hàng Việt: Cần tiêu chí hàng Việt

Nhập hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt. Ở đây có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) nhận định như vậy trước vụ việc Tập đoàn điện tử Asanzo bị tố nhập hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam.

Thiệt đơn, thiệt kép

PV: - Câu chuyện thương hiệu điện tử Asanzo bị tố đánh tráo xuất xứ hàng Trung Quốc thành hàng Việt đang gây bức xúc trong dư luận. Với 70-80% linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn Asanzo vẫn khẳng định, chiếc tivi Asanzo là hàng Việt mà không trái pháp luật. Đồng thời, điều quan trọng là sản phẩm của Asanzo có chất lượng và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng Việt Nam.

Trong thời đại toàn cầu hóa có không ít doanh nghiệp cũng nhập linh kiện từ nhiều nước khác nhau về lắp ráp và sản phẩm làm ra vẫn mang thương hiệu của nước đó. Vậy phải giải thích thế nào về trường hợp của Asanzo? Và với thực tế kể trên, câu chuyện của Asazo có phải là cá biệt?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Tình trạng doanh nghiệp nhập linh kiện từ Trung Quốc về lắp ráp mà sản phẩm vẫn mang thương hiệu Việt đã phát sinh từ lâu mà khóa Minh Khai là một trường hợp điển hình.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khóa Minh Khai rất nổi tiếng và được tín nhiệm, nhưng sau đó họ nhập khóa Trung Quốc, dán mác khóa Minh Khai và đóng những dòng chữ “Tiêu chuẩn ISO 9000-2000”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao 2006” lên từng món hàng nhập từ Trung Quốc. Vậy là thương hiệu khóa Minh Khai tan tành từ đó đến nay.

Cuối năm 2017 lại xảy ra vụ Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng gắn mác "Made in Vietnam" và đến giờ là trường hợp của Asanzo.

Nhưng đó chỉ là những thương hiệu không may bị phát hiện, những doanh nghiệp chạy theo đồng tiền, lừa dối người tiêu dùng.

Tôi sang Quảng Châu (Trung Quốc), thấy có những khu chợ khổng lồ bán đủ thứ linh kiện, phụ tùng với giá rất rẻ, khối lượng cực lớn. Đi cùng với tôi, một vài người am hiểu về cơ khí cho biết, người Việt vẫn đến chợ này mua linh kiện về lắp ráp lại rồi bán kiếm lời, thậm chí người ta còn đặt hàng người Trung Quốc sản xuất theo ý mình rồi đưa về Việt Nam.

Trung Quốc là công xưởng của thế giới, sản xuất quy mô lớn, nên họ làm được đủ các loại linh kiện, phụ tùng, chi tiết máy với giá cực rẻ.

Chuyện nhập linh kiện là bình thường và phổ biến, nhưng vấn đề là nhập đến cỡ nào. Các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết như CPTPP, Việt Nam-EU... đều có yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, trong đó quy định cụ thể đối với từng nhóm/loại mặt hàng.

Thế nhưng ở Việt Nam lại chưa có cơ chế này. Cứ nói là hàng Việt, hàng Việt chất lượng cao, nhưng thực ra các cơ quan quản lý nhà nước chưa có quy định thế nào gọi là hàng Việt. Tất nhiên do quá trình toàn cầu hóa, các nước trên thế giới dùng lẫn của nhau, chuyện nhập khẩu về lắp ráp là bình thường nhưng tỷ lệ nhập là bao nhiêu, những chi tiết nào quan trọng, cần thiết thì nhập... lẽ ra phải có quy định.

Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo trao đổi với báo chí về những nghi vấn đối với sản phẩm của doanh nghiệp này

Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo trao đổi với báo chí về những nghi vấn đối với sản phẩm của doanh nghiệp này

Cũng bởi Việt Nam chưa có quy định thế nào là hàng Việt nên dù có những sản phẩm như tivi nhập đến 70-80% linh kiện từ Trung Quốc nhưng Asanzo vẫn khẳng định đó là hàng Việt Nam.

Câu chuyện này vẫn đang gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng hàng Việt Nam không căn cứ vào số chi tiết, linh kiện, mà phải căn cứ vào thiết kế, ý tưởng sản phẩm, thương hiệu... có phải của doanh nghiệp không. Nhưng đó cũng mới chỉ là ý kiến tranh luận, còn thực tại vẫn chưa có quy định nào của Nhà nước về vấn đề này.

Tôi nghĩ sắp tới Chính phủ sẽ giao cho một số bộ ngành, chẳng hạn Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ... soạn thảo và đưa ra tiêu chí về hàng Việt. Bên cạnh những tiêu chí chung cần có tiêu chí riêng của từng loại mặt hàng, nhóm hàng.

Qua những vụ việc như Khaisilk, Asanzo... có thể thấy các cơ quan quản lý nhà nước từ quản lý thị trường đến quản lý sản xuất kinh doanh còn yếu kém và thiếu trách nhiệm. Chúng ta cứ ban hành văn bản còn không biết doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực sự thế nào, thậm chí còn tặng danh hiệu nọ, danh hiệu kia cho các sản phẩm mà chính họ không biết rõ.

Rõ ràng hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về sản xuất kinh doanh, mua bán hàng hóa ở Việt Nam cần phải làm việc một cách thực chất hơn, phải nắm được từng hoạt động của cuộc sống, không thể cứ ngồi nghe hay nhận báo cáo mà không cần biết doanh nghiệp có thực sự sản xuất không, hay chỉ làm công đoạn cuối cùng là lắp ráp rồi dãn nhãn hàng Việt vào mà thôi.

Những chuyện đó cơ quan quản lý buộc phải biết, thế nhưng nhiều trường hợp diễn ra trong thực tế lại không cho thấy điều ấy. Từ vụ xăng giả đến Asanzo, đó không phải là chuyện nhỏ mà có một lượng hàng cực lớn, tồn tại lâu năm nhưng cơ quan quản lý nhà nước không hay biết. Cuối cùng, những người làm báo có trách nhiệm đi điều tra phát hiện ra. Có thể những điều báo chí phát hiện mới chỉ là một mảng, một mặt nào đó của vấn đề, nhưng đó là thực tế, là sự thật mà họ nắm được.

Từ phát hiện của báo chí, cơ quan nhà nước phải xắn tay vào làm rõ. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp sản xuất tivi, vậy doanh nghiệp làm được những gì, nhà máy ở đâu, thiết kế thế nào, công nghệ ra sao, nếu là công nghệ Nhật thì nó thể hiện ở chỗ nào...

Sự yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức nhà nước đã diễn ra từ lâu và hễ xảy ra sai sót, lập tức người ta bào chữa rằng vì đội ngũ mỏng, nhân sự ít, trong khi thực ra nó rất đông đảo, biên chế phình to. Và dù bộ máy rất to nhưng cuối cùng các vụ việc tiêu cực phần nhiều do nhân dân phát hiện.

Tóm lại, Việt Nam phải có tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng về hàng Việt; phải xem lại bộ máy quản lý nhà nước và phải chú ý đến vấn đề giáo dục. Bản thân doanh nhân Việt Nam phải tự trọng, không thể làm ăn chụp giật, lừa đảo.

Lúc đầu doanh nghiệp mới kinh doanh có thể làm thương mại, bán hàng để tích tụ vốn. Nhưng khi doanh nghiệp đã có một lượng vốn nhất định và muốn đầu tư vào sản xuất thì phải sản xuất thật, phải có ý tưởng rõ ràng - làm hàng gì, thiết kế ra sao, tính năng của hàng ấy thế nào, công nghệ ở đâu... Làm một mặt hàng như chiếc tivi hay đồ điện tử khác cần bao nhiêu linh kiện, phụ tùng, phụ tùng nào sản xuất, phụ tùng nào nhập khẩu...

Tất cả những cái đó phải có trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu những người đứng đầu doanh nghiệp không tự trọng, cứ đi nhập linh kiện của nước ngoài về lắp ráp rồi bóc nhãn mác nước ngoài đi, dán nhãn mác Việt Nam vào thì đó là bất lương.

Bên cạnh đó, luật pháp của Việt Nam cần phải rõ ràng, khi gặp những hiện tượng như thế phải xử lý ngay, nếu không cuối cùng người tiêu dùng sẽ tự xử lý, quay lưng lại với sản phẩm.

Vấn đề ở chỗ cơ quan nhà nước giữ vai trò quản lý, giống như sinh ra một đứa con, nuôi con lớn rồi cứ ngồi nghe báo cáo hàng tháng, hàng năm, con làm kém không xử lý thì sẽ rất dở. Các cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều việc phải làm và phải làm một cách thực sự, chứ không thể quan liêu, bàn giấy như hiện nay được nữa.

PV: - Vụ việc xảy ra tại Asanzo dẫn đến khả năng Nhà nước bị thất thu thuế rất lớn và nhiều người tiêu dùng Việt Nam mất niềm tin vào hàng Việt. Ông nghĩ gì về những hậu quả này?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Hậu quả trước tiên là người dân mất niềm tin vào thương hiệu Asanzo. Chính tôi trước đây cũng từng rất tin tưởng Asanzo và coi doanh nghiệp này là một điển hình khi dựng được nền công nghiệp điện tử, trong khi bao nhiêu nhà máy điện tử, lắp ráp tivi của nhà nước trước đây đều đã lụi tàn. Tôi đã nghĩ rằng Asanzo rất giỏi khi tìm ra được một ngách thị trường, phát triển được sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng Việt – đó là sản phẩm ở phân khúc trung bình, chất lượng tốt và giá cả thấp.

Khi khẳng định Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam thì điều chắc chắn là Nhà nước bị thất thu thuế. Theo điều tra của báo chí, Asanzo không đứng ra nhập linh kiện Trung Quốc mà họ thông qua những công ty “ma”, mà đã là công ty “ma” thì Nhà nước biết tìm ai để thu thuế.

Vụ việc này rõ ràng đã làm thiệt đơn thiệt kép: thiệt về danh tiếng, uy tín, thiệt về tài chính nhà nước và rồi người ta vỡ mộng khi thấy rằng hóa ra nền công nghiệp Việt Nam không có gì, chỉ đi nhập linh kiện về rồi làm khâu cuối cùng là lắp ráp. Như vậy làm sao Việt Nam có thể trở thành một nước hiện đại vào năm 2045?

Cũng từ vụ việc này, người dân không còn tin vào doanh nghiệp, vào quảng cáo của doanh nghiệp nữa.

Cần bộ tiêu chí định nghĩa hàng Việt

PV: - Cũng từ vụ Asanzo có thể thấy Việt Nam chưa có một nền công nghiệp cốt lõi để có thể tự sản xuất ra những sản phẩm “Made in Vietnam” từ A tới Z và nếu tình trạng này tiếp tục, chúng ta có thể bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bởi hàng Việt chắc chắn sẽ bị vạ lây. Trong trường hợp ấy, chúng ta phải ứng xử như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Trong thời đại toàn cầu hóa, sự phân công và hợp tác giữa các quốc gia phát triển mạnh mẽ, nên một quốc gia không nhất thiết phải sản xuất trọn vẹn một sản phẩm từ A tới Z.

Asanzo không có sản phẩm xuất khẩu, nếu họ có sản phẩm xuất khẩu thì chắn chắn vụ việc này sẽ bị các nước khơi ra. Đến 70-80% linh kiện trong một sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc thì không ai công nhận đó là hàng Việt Nam.

Mà như đã nói, nếu tiếp tục khui ra thì còn nhiều thương hiệu Việt có thể cũng rơi vào tình trạng tương tự như Asanzo, đặc biệt là các hàng điện, điện tử. Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt xuất khẩu sẽ đẩy nền kinh tế Việt vào mối nguy, bởi thế giới làm rất chặt chuyện này. Nếu bị phát hiện, họ sẽ lập tức chặn hàng Việt Nam không cho nhập vào nước họ và đánh thuế thật cao. Việt Nam đã có nhiều bài học như vậy ở thị trường Mỹ nên cơ quan quản lý nhà nước không thể cứ bình chân như vại, không có chính sách rõ ràng để giải quyết đến nơi đến chốn vấn đề này.

PV: - Nhiều chuyên gia cho rằng, các sản phẩm mà linh kiện chủ yếu nhập khẩu thì chưa thể gọi là sản xuất tại Việt Nam, mà mới chỉ dừng lại ở mức gia công lắp ráp. Muốn minh bạch rõ ràng, nhất thiết phải có bộ tiêu chí định nghĩa thế nào gọi là hàng Việt. Ông có tán thành với đề xuất này và có gợi ý gì cho bộ tiêu chí về hàng Việt?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Đúng là rất cần có bộ tiêu chí về hàng Việt rõ ràng và mang tính chất luật pháp để các cơ quan quản lý căn cứ vào đó mà hành xử.

Bộ tiêu chí này cần lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia. Một trong những điểm quan trọng là ý tưởng sản phẩm phải căn cứ vào nhu cầu của thị trường và gắn với văn hóa của người Việt. Từ ý tưởng ấy mới bắt đầu thiết kế và thiết kế sản phẩm bao giờ cũng phải gắn với hai mặt: chất lượng và giá thành. Chất lượng phải đảm bảo, còn giá thành ở mức nào thì được người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận.

Sau các khâu trên thì đến công đoạn tổ chức sản xuất, quảng cáo chào hàng, xây dựng thương hiệu... Trong tổ chức sản xuất phải xác định linh kiện nào doanh nghiệp làm được, linh kiện nào đặt hàng, linh kiện nào phải nhập vì có những linh kiện chỉ có một số ít nước làm tốt nhất.

Có lần tôi đến thăm một nhà máy sản xuất thiết bị vệ sinh, người quản lý nhà máy nói trong nước có thể sản xuất nhiều thứ, nhưng có 3 thiết bị bắt buộc phải nhập thì sản phẩm làm ra mới đạt chất lượng quốc tế, đó là lò nung của Mỹ, khuôn của Ý và mô tơ của Đức.

Ngoài bộ tiêu chí về hàng Việt, bộ máy quản lý cũng phải sát sao, thực tế, bởi nếu cứ cồng kềnh, quan liêu, giấy tờ như hiện nay thì không thể quản nổi, những cái chúng ta đạt được sẽ chỉ là thành tích ảo bởi sau cùng đó đều là hàng của nước khác.

PGS.TS Vũ Trí Dũng - Khoa Marketing, Đại học Kinh tế Quốc dân:

Trong thời đại quốc tế hóa, chuyện doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện về lắp ráp là bình thường, vấn đề ở chỗ doanh nghiệp ghi “Made in Vietnam” hay Xuất xứ Việt Nam” trên sản phẩm.

Trong trường hợp của Asanzo, với sản phẩm tivi, doanh nghiệp nhập tới 70% linh kiện từ Trung Quốc thì không thể ghi là “Made in Vietnam” nhưng có thể ghi là “Xuất xứ Việt Nam”.

Nhập linh kiện Trung Quốc về lắp ráp như vậy nhưng sản phẩm của Asanzo lại được quảng cáo với cái gọi là “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Người tiêu dùng cảm thấy bị doanh nghiệp lừa dối. Đối với sản phẩm của Asanzo, tôi tin rằng người tiêu dùng thích dòng chữ “công nghệ Nhật Bản” nhiều hơn, còn sản phẩm được sản xuất hay lắp ráp tại Việt Nam không quan trọng.

Thế giới hiện nay là thế giới phẳng, Trung Quốc là công xưởng của thế giới, doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện Trung Quốc về lắp ráp rất nhiều và nhiều sản phẩm của Trung Quốc có chất lượng tốt. Vấn đề ở chỗ người tiêu dùng tin tưởng “công nghệ Nhật Bản” mà doanh nghiệp lại lừa dối ở điểm này là không chấp nhận được.

Hậu quả là uy tín của nhà sản xuất, đặc biệt là của các cơ quan quản lý nhà nước bị mất đi, người dân không còn biết tin tưởng vào ai. Mất lòng tin chính là điều nguy hại nhất.

Bên cạnh đó là hậu quả về thuế, tài chính, cơ quan thuế phải kiểm tra xem có bị thất thu hay không.

Công nghiệp hóa - hiện đại hóa không có nghĩa là bắt buộc phải có ngành công nghiệp mũi nhọn, cốt lõi (dù có thì vẫn tốt hơn). Điều quan trọng là chúng ta tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu, tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ trong tổng thu nhập quốc dân. Khi đã tham gia chuỗi thì các bên phụ thuộc lẫn nhau, vấn đề là Việt Nam phải trở thành một mắt xích quan trọng để không có chúng ta thì không được.

Nên có một bộ tiêu chí định nghĩa thế nào là hàng Việt, trong đó hàng Việt có nhiều cấp độ khác nhau: sản xuất tại Việt Nam, xuất xứ tại Việt Nam. Các quốc gia trên thế giới đều có bộ tiêu chí và quy định rất rõ các cấp độ, Việt Nam cũng cần làm như vậy.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/hang-tq-tra-tron-vao-hang-viet-can-tieu-chi-hang-viet-3382804/