Hàng thủ công mỹ nghệ 'lột xác' nhờ thiết kế

Rời khỏi những tạo hình đơn giản, thô sơ ban đầu, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ở nhiều làng nghề đã trở nên lột xác, mang một dáng vẻ bắt mắt, và trở thành món đồ thời thượng được bán với giá cao hơn rất nhiều với các thương hiệu nước ngoài.

Giới thiệu sản phẩm thiết kế theo đơn đặt hàng từ Nhật Bản tại doanh nghiệp Việt Quang.

Giới thiệu sản phẩm thiết kế theo đơn đặt hàng từ Nhật Bản tại doanh nghiệp Việt Quang.

NDĐT – Rời khỏi những tạo hình đơn giản, thô sơ ban đầu, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ở nhiều làng nghề đã trở nên lột xác, mang một dáng vẻ bắt mắt, và trở thành món đồ thời thượng được bán với giá cao hơn rất nhiều với các thương hiệu nước ngoài.

Sản phẩm thủ công “lột xác”

Cơ sở của anh Vũ Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hahanco, làng nghề sừng Thụy Ứng, huyện Thường Tín, Hà Nội là một trong số không nhiều cơ sở sản xuất ký hợp đồng chế tác đồ trang sức với thương hiệu nổi tiếng Hermes. Nhiều sản phẩm được thực hiện theo thiết kế của Hermes đẹp đến ngỡ ngàng, đến mức nếu không nói ra thì không ai nghĩ được chúng lại xuất phát từ ngôi làng nhỏ bé ven đô Hà Nội. Những chiếc vòng tay, vòng cổ, hoa tai đẹp trau chuốt, kiểu dáng sang trọng, màu sắc nhã nhặn và bắt mắt được treo trong căn phòng giới thiệu sản phẩm bé nhỏ ven đường của gia đình anh, mà khách đến xem ai cũng nghĩ đó là hàng nhập khẩu từ nước ngoài về.

Các sản phẩm từ thiết kế của Hermes trong gian trưng bày của gia đình anh Vũ Thanh Liêm.

Ngay cả những chiếc lược sừng quen thuộc vẫn bán cho thị trường trong nước cũng vậy. Thoát khỏi kiểu dáng quen thuộc đơn điệu của những chiếc lược sừng thường thấy, những sản phẩm lược được làm theo thiết kế của khách hàng Nhật Bản cho thấy sự tinh tế, mềm mại và thanh lịch. Anh Vũ Thanh Liêm cho biết, thông thường một chiếc lược như vậy bán ở Việt Nam chỉ có giá khoảng vài chục nghìn đồng, còn ở Nhật Bản là khoảng hơn 700 nghìn đồng.

Lược sừng xuất sang Nhật Bản.

Còn đối với các sản phẩm trang sức do Hahanco làm cho Hermes, giá tiền không còn là vài trăm nghìn dành cho khách hàng phổ thông nữa, mà vào khoảng từ vài triệu đến hơn 10 triệu, dành cho phân khúc khách hàng cao cấp.

Làm hàng giỏ đan xuất khẩu tại doanh nghiệp Việt Quang.

Tương tự, doanh nghiệp mây tre đan Việt Quang của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội hiện tại cũng đang chế tác theo đơn đặt hàng của bạn hàng Nhật Bản các sản phẩm trị giá hàng nghìn USD. Từ những chiếc chao đèn, chụp đèn, những chiếc giỏ,hộp đựng đồ đơn giản bằng mây tre, nếu như đan theo mẫu thông thường, truyền thống ở Việt Nam thì chỉ có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn, cùng lắm là vài triệu đồng cho một sản phẩm, thì những sản phẩm làm theo mẫu thiết kế của Nhật Bản có giá lên tới hàng nghìn USD.

Tuy nhiên, nếu không có những thiết kế của đối tác nước ngoài đặt hàng, thì không nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ có được những sản phẩm đẹp đẽ, tinh tế và bắt mắt thực sự, được liệt vào hàng cao cấp.

Đồ trang sức bằng sừng theo thiết kế nước ngoài.

Anh Vũ Thanh Liêm cho biết, tìm được người thiết kế sản phẩm là không hề dễ. “Ở Việt Nam, chúng tôi không tìm được người đủ độ tinh tế và có thẩm mỹ cao để tạo ra những sản phẩm như thế này”, anh cho biết. Còn ông Nguyễn Văn Tĩnh cho biết, doanh nghiệp của ông chỉ sản xuất theo thiết kế và đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài.

Sản phẩm trang sức bằng sừng của Hermes do Việt Nam chế tác được rao bán với giá hơn 10 triệu đồng trên trang ebay.

Một thực tế là tại các trường đại học có khoa thiết kế sản phẩm, không có nhiều sinh viên theo đuổi công việc thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Chị N.T.H, giáo viên ĐH Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh cho biết, hằng năm trong các chuyến hướng dẫn sinh viên thực tập tốt nghiệp, chị thường hướng các em đến việc thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, tuy nhiên, các em thường lựa chọn thiết kế sản phẩm hiện đại hoặc liên quan đến văn hóa Hàn Quốc… Cũng có những sinh viên “thấm” tình cảm với hàng mỹ nghệ quê hương, nên đã tìm hướng thiết kế đồ gốm Bình Dương, lụa An Giang… khá lạ mắt, nhưng con số này không nhiều.

“Bắc cầu” thiết kế

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) là một trong những đơn vị đặt cây cầu nối để giúp các làng nghề tìm hướng thiết kế sản phẩm để thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng thị trường trong nước, đặc biệt là phân khúc khách hàng cao cấp. Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, những năm gần đây, Trung tâm đã có chương trình giúp đỡ các làng nghề, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ. “Chúng tôi nhận thấy rõ một điều rằng các doanh nghiệp đều rất có tiềm năng nhưng đều yếu về khâu thiết kế. Thợ thủ công của họ tay nghề rất cao, có thể làm những sản phẩm vô cùng tinh xảo, đáp ứng yêu cầu của những khách hàng khó nhất, nhưng nếu không có những thiết kế thực sự bắt mắt, họ không tìm được cách sáng tạo cho các sản phẩm của mình. Thợ của cơ sở anh Vũ Thanh Liêm đã làm được rất nhiều món đồ trang sức cho Hermes và hiện nay những món đồ đó được rao bán trên trang web với giá cả nghìn USD”.

Tại Hội chợ Đặc sản vùng miền và Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) diễn ra vào tối 21-11 tại Trung tâm Thương mại Megamall Royal city, các doanh nghiệp, làng nghề tham gia đều phải đem đến những thiết kế mới nhất của cơ sở mình.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội đã từng thuê chuyên gia nước ngoài về thiết kế trọn gói sản phẩm xuất khẩu cho làng nghề. Trong hai năm 2017-2018, Trung tâm cũng tiếp tục theo đuổi việc hỗ trợ làng nghề thiết kế sản phẩm nhưng đây không phải công việc dễ dàng. “Chúng tôi đã đi nhiều nơi tìm hiểu về những xu hướng thiết kế mới, công nghệ 3D, tham quan ở Đức, Thụy Điển, Hà Lan, nhưng không hề dễ mời chuyên gia của họ sang thiết kế cho mình”, bà Mai Anh cho biết.

Sản phẩm sơn mài xuất khẩu ở doanh nghiệp Chiêu Hà, Thường Tín, Hà Nội.

Một trong những mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới của HPA là thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường. Muốn làm được điều đó phải có sự hỗ trợ về thiết kế. “Chúng tôi rất muốn có những chương trình thiết kế dài hơi, muốn được tiếp cận xu hướng thiết kế sản phẩm của thế giới. Để chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu thường phải theo đuổi thiết kế. Thiết kế ổn mang lại sức cạnh tranh cao cho sản phẩm. Vì thế, chúng tôi mong muốn có được sự quan tâm cao hơn nữa từ Chính phủ và chính quyền địa phương nơi có các làng nghề để có được những chính sách vĩ mô nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ”, bà Mai Anh nói.

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/38307602-hang-thu-cong-my-nghe-%E2%80%9Clot-xac%E2%80%9D-nho-thiet-ke.html