Hãng thời trang Forever 21 đệ đơn xin phá sản

Hãng thời trang nổi tiếng Forever 21 (F21) ngày 29-9 tuyên bố đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ nhằm tái cơ cấu hoạt động kinh doanh trong bối cảnh các nhãn hàng truyền thống đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ hoạt động kinh doanh điện tử.

Một cửa hàng thời trang Forever 21 tại TTTM Grand Indonesia, Jakarta (Ảnh: The Guardian)

Một cửa hàng thời trang Forever 21 tại TTTM Grand Indonesia, Jakarta (Ảnh: The Guardian)

Kể từ năm 2017, hơn 20 công ty bán lẻ của Mỹ, trong đó có các công ty đình đám như Sears Holdings Corp (SHLDQ.PK) và Toys ‘R’ Us đã nộp đơn xin phá sản khi khách hàng ngày càng chuộng mua sắm trực tuyến và rời xa các trung tâm thương mại truyền thống.

Chuỗi thời trang bán lẻ có trụ sở tại California khẳng định việc đệ đơn phá sản không có nghĩa là họ sẽ rời bỏ thị trường Mỹ. F21 khẳng định: “Đệ đơn xin bảo hộ phá sản là một bước đi có chủ ý và đúng đắn cho tương lai của công ty”.

Hiện có 815 cửa hàng ở 57 quốc gia trên toàn thế giới, F21 cho hay việc tái cấu trúc sẽ cho phép công ty tập trung vào phần cốt lõi mang lại lợi nhuận cho hoạt động của công ty và đóng cửa một số cửa hàng trên toàn thế giới.

Theo đó, F21 đang chờ được chấp thuận việc đóng cửa 178 cửa hàng trên khắp nước Mỹ. Công ty dự kiến sẽ đóng cửa hầu hết các cửa hàng tại châu Á và châu Âu, nhưng sẽ không rút khỏi một số thị trường quan trọng tại Mỹ. Tuần trước F21 nói rằng sẽ rút khỏi thị trường Nhật Bản và đóng cửa toàn bộ 14 cửa hàng của hãng vào cuối tháng 10.

Công ty cũng nói thêm rằng công ty con của hãng tại Canada đã nộp đơn xin phá sản và có kế hoạch đóng 44 cửa hàng trên toàn quốc.

Tuy nhiên, F21 sẽ vẫn tiếp tục hoạt động tại Mexico và Mỹ Latinh.

F21 cho hay đã nhận được khoản tài chính hỗ trợ trị giá 275 triệu USD từ các chủ nợ hiện tại JPMorgan Chase Bank và N.A; 75 triệu USD vốn mới từ TPG Sixth Street Partners và các quỹ tài chính liên kết.

Hãng thời trang Forever 21 được thành lập vào năm 1984 bởi hai vợ chồng Jin Sook và Do Won Chang người Hàn Quốc. F21 đã nhanh chóng trở thành nhãn hàng thời trang cơ bản, bình dân, chủ yếu phục vụ đối tượng khách hàng trẻ tuổi và có mặt tại khắp các trung tâm mua sắm trên thế giới. F21 từng là đối thủ cạnh tranh của các thương hiệu thời trang đình đám như H&M và Zara.

N.T

Theo Reuters

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/41734902-hang-thoi-trang-forever-21-de-don-xin-pha-san.html