Hăng say lao động ngay sau Tết

Ngay những ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết, nhiều ngành, địa phương, đơn vị đã quay trở lại làm việc bình thường. Khí thế lao động hăng say, tinh thần phấn chấn cùng kỳ vọng về một năm mới thành công hiện rõ trên từng gương mặt người lao động trên các cánh đồng, công trường, nhà máy…

Hồ hởi xuống đồng

Những ngày này, nông dân tỉnh Hải Dương đang khẩn trương xuống đồng gieo cấy lúa vụ đông xuân. Ai nấy đều hối hả, tất bật cho một vụ gieo cấy mới. Trên những thửa ruộng đã được làm đất kỹ và đang "no nước", các cánh tay nhịp nhàng, thoăn thoắt cấy lúa. Vừa tháo nước từ mương vào thửa ruộng vừa cấy xong, chân còn lấm bùn, anh Hoàng Văn Lực (xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà) cho biết, ngay sau Tết, gia đình đã tập trung xuống đồng gieo cấy lúa đông xuân. Ðến hôm nay, đã kết thúc cấy sáu sào lúa.

Gặp chúng tôi cũng là lúc chị Ðinh Thị Thanh (xã Tiền Tiến) vừa ngừng tay cấy nốt thửa ruộng cuối cùng. Gạt những giọt mồ hôi trên trán, chị chia sẻ, vụ đông xuân này, gia đình gieo cấy 1,3 mẫu lúa. Mặc dù trong thời gian gieo mạ, thời tiết liên tục rét đậm, rét hại nhưng do chăm sóc tốt cho nên không xảy ra hiện tượng mạ chết. Bên cạnh đó, nguồn nước phục vụ gieo cấy và tưới dưỡng cho lúa luôn được bảo đảm. Vụ đông xuân năm 2017 - 2018, tỉnh Hải Dương có kế hoạch gieo cấy gần 60 nghìn ha lúa, phấn đấu năng suất đạt 65 tạ/ha, sản lượng thóc đạt 383,5 nghìn tấn. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, từ ngày mồng 3 Tết, nông dân đã xuống đồng gieo cấy, đến nay, đã gieo cấy được 45 nghìn ha.

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Ðịnh, để bảo đảm sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018 ở các tỉnh phía bắc đạt kết quả tốt, Cục đang đề nghị các địa phương khẩn trương làm đất gieo cấy nhanh diện tích lúa chưa cấy trong khung thời vụ tốt nhất, phấn đấu kết thúc trong tháng 2 và chậm nhất vào ngày 5-3; lấy nước, tích và giữ nước đợt ba cho toàn vùng, chống thất thoát nước để bảo đảm cho gieo cấy lúa; không bón thúc bằng đạm u-rê cho mạ; tranh thủ lấy nước và làm đất khẩn trương để vùi rơm rạ, lúa chét, vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại ven bờ; bón phân lót hợp lý, nhất là lân dễ tiêu để tăng cường khả năng chống rét cho lúa; bón thúc ngay khi lúa ra rễ trắng và nhiệt độ hơn 15oC. Ðặc biệt, cần chủ động rà soát lại diện tích gieo cấy lúa ở những vùng không chủ động tưới, tiêu; sản xuất lúa kém hiệu quả để chuyển sang các loại cây rau màu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi lúa sang các loại cây trồng cạn phải có sự chỉ đạo thành vùng, hướng dẫn lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, gói kỹ thuật thâm canh để bảo đảm hiệu quả hơn cấy lúa.

Tại các huyện miền núi Sơn Hòa, Ðồng Xuân, Sông Hinh (Phú Yên), nông dân hồ hởi xuống đồng chặt mía bán cho các nhà máy. Theo Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, ngay trước Tết Nguyên đán, hai nhà máy đường Sơn Hòa và Ðồng Xuân đã phát lệnh chặt mía để người dân chủ động thu hoạch. Ông Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam cho biết, công suất hai nhà máy hiện nay đạt 9.000 tấn mía/ngày. Ðể động viên nông dân, công ty hỗ trợ 50.000 đồng/tấn mía. Sau kỳ nghỉ Tết, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng khẩn trương ra đồng trừ bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá và diệt cỏ cho lúa đông xuân. Ông Lê Văn Khê, ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa cho biết, ông tranh thủ ra đồng phun thuốc diệt cỏ trên diện tích hơn 1 ha nhằm bảo đảm lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Hiện nay giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long, đang ở mức cao, khoảng 28 đến 30 nghìn đồng/kg. Theo ông Huỳnh Thanh Rỡ (Hợp tác xã Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), mức giá này bảo đảm cho người nuôi có lợi nhuận tương đối tốt, đã thúc đẩy đầu tư ao nuôi và chú trọng chất lượng sản phẩm. Theo các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thủy sản, giá cá tra duy trì khá tốt là do thị trường xuất khẩu châu Á, châu Mỹ… vẫn ổn định, có chiều hướng phát triển trong khi nguồn cá tới lứa thu hoạch không nhiều. Và cũng ngay từ đầu năm, các công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng đã lên kế hoạch thâm nhập thị trường tiềm năng. Cụ thể như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - thị trường tiềm năng lớn trong phân khúc các nhà hàng, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh.

Không thiếu hụt lao động

Tại các doanh nghiệp, không khí làm việc đã nhộn nhịp trở lại. Tại khu vực sản xuất của Công ty cổ phần Kỹ Thuật Mới (quận 8, TP Hồ Chí Minh), anh Nguyễn Thế Hải, Tổ trưởng tổ thành phẩm đang kiểm tra hình ảnh và mẫu mã của mẻ hộp thuốc chạy ra từ máy in trước khi chuyển qua khâu cắt giấy. Cùng với anh Hải, các công nhân đang kiểm tra chất lượng thành phẩm trong dây chuyền.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ Thuật Mới Tạ Thị Châu cho biết, ngay ngày đầu đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết, gần 90 công nhân và nhân viên văn phòng của công ty đều đi làm đầy đủ. Công ty chuyên về in ấn các bao bì cho ngành y tế và thiết bị trường học, cho nên các đơn hàng luôn dồn dập ngay từ đầu năm. Tại Công ty TNHH Nidec Việt Nam đóng tại Khu công nghệ cao (quận 9), thời gian đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết theo quy định của Ban giám đốc công ty là ngày 22-2 (mồng 7 tháng Giêng). Hiện, Công ty TNHH Nidec Việt Nam có 3.500 người lao động, 95% số công nhân đã đến nhà máy trong ngày đầu tiên đi làm trở lại, số còn lại chưa quay trở lại nhà xưởng, phần nhiều là lao động thời vụ (hợp đồng dưới ba tháng). Khoảng 70 công nhân làm việc xuyên Tết được nhận 300% tiền lương và mức thưởng 200 nghìn đồng/ngày.

Cùng chung không khí hăng say lao động ngay từ những ngày đầu năm mới, gần 800 cán bộ, công nhân viên của Xí nghiệp May Veston Hải Phòng đã tập trung cao nhất cho công việc, tất cả đều hướng tới mục tiêu nhanh chóng hoàn thành công đoạn của mình để cho ra "lò" sản phẩm mới. Anh Ðỗ Văn Biên, nhân viên Tổ may 4 có thu nhập hơn bảy triệu đồng/tháng, tâm sự, hơn một tuần được nghỉ ngơi, đón Tết, sum họp cùng người thân, gia đình, đến nay là thời điểm để người lao động dành hết sức lực của mình đóng góp cho sự phát triển của xí nghiệp. Trong năm mới, với tín hiệu tích cực của thị trường, xí nghiệp sẽ ngày càng phát triển, hy vọng thu nhập của người lao động sẽ được nâng cao, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Tại Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco), hơn 16 nghìn cán bộ, công nhân viên của các công ty thành viên đã tập trung đầy đủ và bắt tay vào sản xuất đầu năm ngay từ ngày mồng 6 tháng Giêng. Theo Chủ tịch HÐQT Tổng công ty Nguyễn Xuân Dương, một số đơn vị đã có sự gia tăng về lao động so với trước kỳ nghỉ Tết. Tâm lý người lao động giờ đã có sự thay đổi, không còn xác định "tháng Giêng là tháng ăn chơi". Trong thời gian tới, lực lượng lao động tại các đơn vị sẽ tiếp tục tăng, không lo rơi vào cảnh thiếu lao động như những năm trước; riêng năm 2017 vừa qua, lượng lao động của Hugaco tăng thêm hơn 100 lao động.

Không khí lao động cũng sôi nổi không kém trên các công trình, dự án trọng điểm. Theo Giám đốc Ban dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng - LILAMA Nguyễn Hồng Sỹ, ngày 22-2, toàn bộ lực lượng lao động của đơn vị đã có mặt tại công trường. Việc bố trí công tác thi công đã được thống nhất từ trước Tết, do vậy lao động đã trở lại bình thường. Hiện nay, tiến độ phần xây lắp đạt khoảng 49% và tiến độ chung toàn dự án đạt khoảng 52%.

Năm 2018 được đánh giá khá căng thẳng với những mốc tiến độ quan trọng, nhất là hoàn thiện công tác chạy thử, đốt lò... vào cuối năm và để bảo đảm lực lượng lao động sẵn sàng cho công việc ngay từ đầu năm, đơn vị đã bố trí xe đưa đón tập trung công nhân trước và sau Tết. Tại thời điểm này, 800 kỹ sư, công nhân lao động đã có mặt đầy đủ tại công trường. Song song với việc bàn giao Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (2x600MW), Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) cũng đang phấn đấu thi công vượt tiến độ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (1x600MW), dự kiến mốc tiến độ: thử áp và đốt lò vượt hai tháng so kế hoạch. Ðây là hai dự án do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, LILAMA là nhà thầu lắp đặt thiết bị.

Theo đánh giá của các ngành, địa phương, hầu hết các đơn vị sản xuất đã trở lại làm việc bình thường. Trưởng Phòng quản lý lao động, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX - KCN) TP Hồ Chí Minh (Hepza) Trần Công Khanh cho biết, đến ngày 22-2, đã có 95% số công nhân trở lại làm việc tại các KCX - KCN trên địa bàn. Hiện, các KCX - KCN tại TP Hồ Chí Minh có 1.226 DN đang hoạt động với hơn 290 nghìn lao động. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh cho biết, tình hình sản xuất tại nhiều DN ở Bình Dương diễn ra rất sôi nổi với đông đảo người lao động trở lại làm việc, giúp DN ổn định sản xuất ngay từ đầu năm. Những năm gần đây, làm việc trong môi trường công nghiệp cho nên ý thức tác phong ở người lao động đã được nâng lên. Bên cạnh đó, việc chăm lo vật chất, tinh thần của DN đối với người lao động ngày càng tốt hơn, từ đó, người lao động ý thức được trách nhiệm và trở lại làm việc đúng thời gian, giúp DN ra quân sớm để ổn định sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch.

Ngày 22-2, tại nhiều công trình, dự án trên địa bàn TP Ðà Nẵng, đơn vị thi công đã tổ chức ra quân sản xuất đầu năm. Trong đó có công trình xây dựng đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, dự án khu xử lý nước thải Hòa Xuân, công trình Khu đa chức năng và trang thiết bị Bệnh viện Phục hồi chức năng Ðà Nẵng. Công trình đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan được khởi động thi công trở lại sau một thời gian bị ngừng trệ do khó khăn về nguồn vốn. Ðây là tuyến đường trọng điểm, huyết mạch kết nối giữa trung tâm TP Ðà Nẵng và các xã phía tây của huyện Hòa Vang.

Công trình Khu đa chức năng và trang thiết bị Bệnh viện Phục hồi chức năng Ðà Nẵng được xây dựng tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, với tổng mức đầu tư 134,5 tỷ đồng, gồm các hạng mục như: nhà kỹ thuật nghiệp vụ, nhà hành chính, nhà lưu bệnh nhân, nhà dinh dưỡng, nhà giặt là khử khuẩn, khu xử lý chất thải lỏng, nhà phân loại rác thải...; dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2-2019.

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO NHÂN DÂN Ghi nhanh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/35621902-hang-say-lao-dong-ngay-sau-tet.html