Hãng phim truyện Việt Nam cho thuê nhà đất trái thẩm quyền

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ VH, TT&DL xác định giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam để xác định lại giá trị doanh nghiệp.

Chiều 20/9, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Theo kết luận, việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm liên quan việc quản lý sử dụng đất đai, quản lý tài sản và xác định giá trị thương hiệu.

Cho thuê nhà đất trái thẩm quyền

Thanh tra Chính phủ xác định việc Hãng phim truyện Việt Nam cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội), góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng tại số 6 Thái Văn Lung (quận 1, TP.HCM) là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền.

Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: Quỳnh Trang.

Việc quản lý, theo dõi, hạch toán công nợ của VFS chưa đúng quy định dẫn đến việc theo dõi khoản trả trước cho chi nhánh Công ty Cổ phần Điện ảnh truyền hình Hà Nội chưa chính xác; hạch toán khoản vay nợ dài hạn của Công ty Cổ phần Quảng cáo Sao thế giới không đúng.

Việc này cũng không thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý về phương pháp và thời gian trích khấu hao. Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, kết quả kinh doanh các năm đều lỗ liên tiếp.

Ngoài ra, đơn xác định được giá trị cụ thể thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam căn cứ vào giá trị lịch sử, bề dày truyền thống.

Việc chọn lựa, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cũng có hạn chế, sai sót như không có điều kiện cụ thể về nhà đầu tư chiến lược làm hạn chế việc chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm.

Trong khi đó, tiêu chí đưa ra không đáp ứng yêu cầu thực tiễn với ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh. Còn nhà đầu tư chiến lược là là Tổng Công ty Vận tải Thủy chưa xây dựng đầy đủ phương án hỗ trợ kinh doanh như trong cam kết.

Điều chỉnh lại giá trị khi cổ phần

Với những tồn tại nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thủ tục cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải Thủy – CTCP xin rút vốn trước thời hạn; chủ trì làm việc với nhà đầu tư mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện để chuyển giao Hãng phim truyện Việt Nam theo quy định.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị thành lập hội đồng xác định giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam để xác định lại giá trị doanh nghiệp và tỷ lệ cổ phần của mỗi cổ đông cho phù hợp. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam cần điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức cổ phần hóa.

Trong kết luận, cơ quan thanh tra cũng kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan như Trưởng ban và các thành viên của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ VHTT&DL; Ban chỉ đạo và tổ giúp việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam theo từng thời kỳ.

Người đứng đầu, cấp phó Hãng phim truyện Việt Nam trong thời kỳ xảy ra vi phạm; Công ty THHH MTV Hãng phim truyện VN và các đơn vị tư vấn thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm cũng bị đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm...

Trước đó, một số một số cán bộ, diễn viên Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển phim Việt Nam kiến nghị lên Chính phủ về việc cổ phần hóa hãng phim.

Sau phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào đầu năm 2016, Hãng phim truyện Việt Nam chỉ bán được 115.000 cổ phần trong tổng số 525.000 cổ phần đem ra chào bán, thu về gần 1,2 tỷ đồng. Theo phương án sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 20%, cán bộ công nhân viên 4,5% và 65% bán cho Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) với giá chào bán thấp nhất 10.200 đồng/cổ phiếu.

Với 5 triệu cổ phiếu và giá bán xấp xỉ mệnh giá, VFS có giá trị chỉ khoảng 50 tỷ đồng, bằng hơn một nửa tổng giá trị thực tế của Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam hồi năm 2014.

Trong bản kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, hãng phim có tuổi đời 56 năm không được định giá thương hiệu. Bên cạnh đó, hơn 1,4 ha đất do VFS sử dụng trong vài chục năm qua không được tính vào giá trị doanh khi cổ phần hóa. Sau đó, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã giao Thanh tra Chính phủ thanh tra quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp này.

Bá Chiêm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hang-phim-truyen-viet-nam-cho-thue-nha-dat-trai-tham-quyen-post878521.html