Hàng nghìn tàu cá nguy cơ 'mắc cạn'

Tổng cục Thủy sản cho biết, khoảng 10.000 tàu cá dài 15-24 mét chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, có nguy cơ phải tạm nằm bờ. Bộ NN&PTNT đang thúc giục các địa phương ven biển đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, rà soát, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Hàng nghìn tàu cá có nguy cơ tạm nằm bờ do chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định Ảnh: Bình Phương

Hàng nghìn tàu cá có nguy cơ tạm nằm bờ do chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định Ảnh: Bình Phương

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT, cho biết, theo Luật Thủy sản, tàu cá đánh bắt xa bờ (dài 15 mét trở lên) phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Chủ tàu phải trả tiền mua thiết bị và chi phí dịch vụ thuê bao kèm theo. Theo Nghị định 26/2019, tàu dài 24 mét trở lên phải lắp đặt thiết bị GSHT trước 1/7/2019; tàu dài 15-24 mét phải lắp trước 1/1/2020 với nghề câu, lưới kéo, hoặc trước 1/4/2020 với các nghề cá khác. “Lắp đặt thiết bị GSHT là bắt buộc, nhằm quản lý và giúp nghề cá phát triển bền vững, chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU)”, ông Hùng nói.

Bộ NN&PTNT đã thành lập Trung tâm Giám sát tàu cá Trung ương đặt tại Tổng cục Thủy sản để theo dõi, kiểm soát toàn bộ tàu số tàu đã được lắp đặt thiết bị GSHT, đồng thời phân quyền quản lý cho 28 địa phương theo dõi số tàu cá của mình. Cả nước có khoảng 2.600 tàu dài 24 mét trở lên; những tàu đang hoạt động đã hoàn thiện lắp đặt thiết bị GSHT. Tuy nhiên, với tàu cá 15-24 mét, mới chỉ 18.000/28.000 tàu được lắp đặt. Đến nay, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Thuận, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế… đạt tỷ lệ lắp đặt 90% trở lên. Trong khi đó, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định, Trà Vinh, Bạc Liêu… mới ở mức 20-30%.

Ông Hùng cho biết, một bộ thiết bị GSHT có giá 20-25 triệu đồng/bộ, phí dịch vụ vệ tinh khoảng 300.000 đồng - 500.000 đồng/tháng. “Việc lắp đặt một phần do nhiều chủ tàu chưa ý thức tuân thủ các quy định, một bộ phận chủ tàu do khai thác khó khăn nên chưa có kinh phí triển khai”, ông nói. Nhiều địa phương đã tạm dừng việc cho phép tàu chưa lắp đặt thiết bị GSHT ra khơi, nên hàng nghìn tàu cá có nguy cơ phải tạm nằm bờ. Ngoài ra, có tình trạng tàu cá đã lắp thiết bị, nhưng khi khai thác trên biển lại tắt thiết bị, ngắt kết nối.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, theo quy định hiện hành, việc chủ tàu không tuân thủ sẽ bị phạt rất nặng. Tàu cá dài 24 mét trở lên không lắp thiết bị khi khai thác trên biển sẽ bị phạt 800 triệu đến 1 tỷ đồng; với tàu 15-24 mét, mức phạt là 300-500 triệu đồng, thậm chí 500-700 triệu đồng nếu tái phạm nhiều lần. Tàu 24 mét trở lên đã lắp đặt nhưng không bật hoặc vô hiệu hóa thiết bị trong quá trình khai thác sẽ bị phạt 300-500 triệu đồng.

Cần sớm có cơ chế

Theo ông Hùng, các địa phương cần sớm có cơ chế hỗ trợ ngư dân sớm lắp đặt thiết bị GSHT. Một số địa phương như Đà Nẵng, Bình Định đã hỗ trợ chủ tàu mua thiết bị và phí dịch vụ một năm; một số khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa… đang chờ xin ý kiến của HĐND để hỗ trợ ngư dân. “Do chưa lắp hết các thiết bị GSHT, việc kiểm soát tàu cá đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài còn nhiều khó khăn, vẫn có tàu cá vi phạm. Trong khi đó, đây là một trong những điều kiện quan trọng nhất để Ủy ban châu Âu xem xét có gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam hay không”, ông nói.

Lãnh đạo Tổng cục cũng cho biết, Thường trực Ban Bí thư đã chỉ đạo các cấp ủy triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, chống khai thác IUU, trong đó có nội dung lắp đặt thiết bị GSHT cho tàu cá. “Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để tình trạng tàu cá tiếp tục đánh bắt bất hợp pháp. Việc lắp đặt phải triển khai sớm, trước khi Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu sang kiểm tra lần thứ 3 về vấn đề “thẻ vàng” trong thời gian tới”, ông Hùng nói.

Dự kiến, trong tháng 5 này, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức hội nghị tổng kết khai thác vụ cá Bắc, triển khai vụ cá Nam, cùng các địa phương rà soát, tiếp tục có giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

“Tới đây, Bộ NN&PTNT tiếp tục rà soát, kiến nghị Chính phủ có chính sách phù hợp như chính sách đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, vay vốn lưu động… giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển”. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng

Bình Ðịnh: “Phủ sóng” thiết bị hơn 97%

Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, tính đến ngày 6/5, tỉnh Bình Định có 3.066/3.156 tàu cá đã lắp đặt thiết bị GSHT, đạt tỷ lệ 97,1%. Theo quyết định của UBND tỉnh Bình Định, để được hỗ trợ, tàu cá phải có đủ các loại giấy tờ, như giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép hoạt động dịch vụ hậu cần còn hiệu lực.

Ông Bùi Thanh Ninh (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) cho biết, từ Tết Nguyên đán 2020, ông đã cho lắp đặt xong thiết bị GSHT cho đội tàu đánh bắt xa bờ gần 10 chiếc của mình. “Giờ tôi ở nhà nhưng muốn coi đội tàu của mình đang đánh bắt ở đâu, vị trí nào, chạy đi đâu và mấy giờ chạy… là tôi biết hết”, ông nói. Trước đó, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo, sau ngày 30/4, tàu cá nào không lắp thiết bị GSHT thì không được hỗ trợ chi phí lắp đặt theo chính sách của tỉnh và sẽ bị rút giấy phép khai thác thủy sản.

Trương Định

Nam Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/hang-nghin-tau-ca-nguy-co-mac-can-1653897.tpo