Hàng nghìn nhà bè, nhà hàng nổi sắp phải lắp báo hiệu giao thông

Theo Nghị định mới, nhà hàng, nhà bè, chợ nổi phải thiết lập báo hiệu đường thủy theo đúng chuẩn để đảm bảo ATGT.

Nhà hàng nổi trên sông Hồng thuộc địa bàn quận Long Biên, Hà Nội - Ảnh tư liệu

Ngày 23/2, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, theo quy định tại Nghị định số 08/2021 của Chính phủ về quản lý hoạt động đường thủy nội địa (có hiệu lực thi hành từ 15/3/2021), bên cạnh các công trình cố định trên đường thủy buộc phải lắp đặt báo hiệu đường thủy (luồng, cảng, bến, kè đập, công trình vượt sông...) như hiện nay, nhà hàng, khách sạn nổi (khi neo đậu) và hàng loạt vị trí diễn ra hoạt động trên sông nước phải thiết lập, lắp đặt báo hiệu giao thông đường thủy.

Cụ thể, các hoạt động phải thiết lập báo hiệu đường thủy gồm: thi công công trình, thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản; khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản (bè cá, lồng cá, đăng, đáy cá, bãi nuôi trồng thủy sản, hải sản); tổ chức vui chơi, giải trí, diễn tập, thể thao, lễ hội; họp chợ, làng nghề; hoạt động thực hành đào tạo nghề trên đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng, vùng nước ngoài phạm vi luồng có hoạt động vận tải hoặc trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa; khu vực tổ chức điều tiết, thường trực chống va trôi, hỗ trợ giao thông, hạn chế giao thông; các hoạt động khác ảnh hưởng đến ATGT đường thủy nội địa.

Về trách nhiệm thiết lập báo hiệu, nghị định quy định chủ công trình, tổ chức, cá nhân gây ra vật chướng ngại; tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động có trách nhiệm thiết lập và chi trả kinh phí thiết lập, duy trì báo hiệu theo quy định trong suốt thời gian xây dựng công trình, tổ chức hoạt động và thời gian tồn tại của công trình.

Cục Đường thủy nội địa VN có trách nhiệm, thẩm quyền phê duyệt phương án thiết lập, tổ chức báo hiệu đối với hoạt động trên đường thủy quốc gia; Sở GTVT thực hiện đối với phạm vi đường thủy địa phương.

Trong trường hợp có phương tiện thủy bị chìm đắm hoặc tình huống đột xuất khác gây mất ATGT, đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường thủy hoặc đơn vị quản lý tuyến đường thủy chuyên dùng có trách nhiệm lập báo hiệu, đồng thời báo cáo ngay cho Chi cục Đường thủy nội địa khu vực hoặc Sở GTVT địa phương.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một số đơn vị quản lý bảo trì đường thủy quốc gia, trên các tuyến sông, kênh hiện phổ biến các nhà bè nổi nuôi trồng thủy, hải sản bằng lồng, hoạt động nhà hàng nổi, song hầu hết không có các báo hiệu đường thủy, gây mất trật tự ATGT đường thủy. Tới đây, các công trình trên khi lắp báo hiệu đường thủy, tín hiệu đường thủy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 39:2020/BGTVT về báo hiệu đường thủy (có hiệu lực từ 1/11/2020).

Huy Lộc

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hang-nghin-nha-be-nha-hang-noi-sap-phai-lap-bao-hieu-giao-thong-d496809.html