Hàng nghìn người yêu cầu LHQ điều tra việc thực dân Anh ép họ rời bỏ đất đai của mình

Hơn 115.000 người cho rằng, trong thời kì thuộc địa, họ đã bị quân đội Anh ép buộc phải rời bỏ quê hương.

Các luật sư nói rằng, Vương quốc Anh sử dụng các biện pháp bạo lực để ép buộc người dân địa phương rời khỏi đất của họ sau khi nhận ra hạt Kericho là nơi phù hợp cho việc trồng chè. Ảnh: Kirsty McLaren / Alamy

Các luật sư nói rằng, Vương quốc Anh sử dụng các biện pháp bạo lực để ép buộc người dân địa phương rời khỏi đất của họ sau khi nhận ra hạt Kericho là nơi phù hợp cho việc trồng chè. Ảnh: Kirsty McLaren / Alamy

Hàng ngàn người Kenya, những người nói rằng họ và tổ tiên mình đã bị đuổi khỏi đất của chính họ và bị ngược đãi dưới sự cai trị của thực dân Anh và sau đó phải đối mặt với khó khăn và nghèo đói, đã kêu gọi Liên Hợp Quốc (LHQ) mở cuộc điều tra về cách thực dân Anh đối xử với họ.

Các luật sư người Anh và Kenya, thay mặt cho hơn 115.000 người xưa kia sinh sống tại hạt Kericho, những người tuyên bố họ bị quân đội Anh buộc rời khỏi vùng đất tổ tiên của họ, đã đệ đơn khiếu nại lên báo cáo viên đặc biệt của LHQ, ông Fabían Salvioli, để yêu cầu thúc đẩy việc thực thi công lý.

Các nạn nhân nói rằng, họ đã phải phải di tản bởi quân đội, theo chỉ dẫn của chính quyền thuộc địa, từ vùng đất màu mỡ của họ đến “khu bảo tồn thiên nhiên” cằn cỗi và đầy dịch bệnh mà không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào.

Người Kipsigis và Talai, những người từng sống ở các hạt mà ngày nay được gọi là các hạt Kericho và Bomet cũng cho rằng, họ bị hãm hiếp và tra tấn khi bị “tống cổ ra khỏi nhà của chính mình một cách dã man” và phải sinh sống ở nơi khác.

Bắt đầu với sắc lệnh về đất đai thuộc sở hữu của vua chúa vào năm 1902, 36.000 ha (90.000 mẫu Anh) đất ở hạt Kericho được cho là đã bị cướp từ tay người Kipsigis và Talai, được chia thành các trang trại và trao cho những người định cư châu Âu da trắng.

Các luật sư cho biết, Vương quốc Anh theo đuổi chính sách cố ý di dời và tái định cư dân địa phương một cách bạo lực sau khi nhận ra vùng đất ở hạt Kericho rất phù hợp để lập các đồn điền trồng chè.

Các nạn nhân đang thúc giục Chính phủ Anh mở một cuộc điều tra về các tội ác của thực dân Anh, cho rằng cách thực dân Anh đối xử với họ trong khoảng thời gian từ 1895 đến 1963 là sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Bộ Ngoại giao Anh từng nhận được một khiếu nại tương tự nhưng từ chối điều tra.

Paul Chepkwony, Thống đốc hạt Kericho, nói: “Những nạn nhân và con cháu họ vẫn còn đó và chúng ta đang ở trong tình trạng mà những nỗi đau vẫn ngày đêm hiện hữu chỉ vì sự tàn bạo xảy ra từ nhiều thập kỷ trước, và chúng ta nhất thiết phải chấm dứt tình trạng này càng sớm càng tốt.”

“Những người bị đuổi khỏi Kericho được đưa đến một nơi gọi là Gwassi. Đây là một môi trường mà con người không thể sinh sống được. Trên thực tế, Chính phủ Kenya đã tuyên bố đây là một công viên quốc gia.”

“Đây là một nơi chỉ thích hợp cho động vật hoang dã vì có rất nhiều sư tử, bò sát, cá sấu và côn trùng gây bệnh nhiệt đới. Những người này bị ép phải sống trong trong khu bảo tồn thiên nhiên để những người châu Âu có thể mở đồn điền.”

Thực dân Anh dưới thời thuộc địa đã nỗ lực thu lợi từ những sự bất công do họ gây ra, thông qua các tòa án của Anh, một số liên quan đến thời kỳ khởi nghĩa MauMau ở Kenya.

Năm 2013, Chính phủ Anh đã đồng ý trả 20 triệu bảng tiền bồi thường cho hơn 5.000 người Kenya cao tuổi bị tra tấn và lạm dụng trong cuộc nổi dậy vào những năm 1950. Quyết định này là kết quả của một chiến thắng về pháp lý Công ty Luật Leigh Day ở London thay mặt cho 3 người sống sót qua thời kì thuộc địa, những người giành được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại cho sự ngược đãi mà họ phải chịu đựng.

Người Kenya biểu tình ở London năm 2011 về cuộc nổi dậy Mau Mau. Ảnh: Peter Macdiarmid/ Getty Images

Nhưng một khiếu nại gần đây của Tandem Law có trụ sở tại Manchester về các trường hợp của hơn 40.000 người Kenya, những người tuyên bố họ bị tra tấn, ngược đãi và hãm hiếp trong suốt cuộc đàn áp quân khởi nghĩa đã không được chấp thuận. Tòa án Tối cao từ chối cho phép vụ án Mau Mau được tiến hành xét xử vì cho biết các sự kiện đã diễn ra quá lâu để có thể có một phiên tòa công bằng.

Việc này đã đặt ra câu hỏi về khoảng thời gian tối đa để có thể khiếu nại và yêu cầu bồi thường, tính từ lúc sự việc xảy ra cho đến khi xét xử, là bao lâu. Yêu cầu bồi thường cho các thương tích cá nhân thì cần phải được đưa ra trong vòng 3 năm trừ khi việc duy trì giới hạn thời gian nghiêm ngặt như vậy là không công bằng.

Các quốc gia Caribbean đã hết sức nỗ lực đòi bồi thường từ các nước châu Âu đối với việc buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương vào từ thế kỷ 17. Chính phủ Anh không đồng ý với yêu cầu của họ.

Rodney Dixon QC từ Công ty Luật Temple Garden Chambers ở London, người đang làm việc cho nhóm các nước nói trên, cho biết: “Hiện tại chúng tôi không khởi kiện vụ án này tại tòa án. Sẽ thích hợp hơn nhiều nếu vụ án này được xét xử thông qua làm việc trực tiếp với Chính phủ Anh và tìm cách hòa giải, phân xử và giải quyết vấn đề, bởi vì nó liên quan đến cả những vấn đề đất đai chưa được nêu ra trong các trường hợp trước đó và cả những vi phạm nhân quyền gây ra bởi việc đuổi người dân địa phương ra khỏi đất của họ một cách bạo lực cũng như những hệ lụy về sau.

Chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại thay mặt cho khách hàng đến Bộ Ngoại giao và yêu cầu gặp mặt để giải quyết vấn đề. Họ đã từ chối gặp chúng tôi.

Do đó, chúng tôi đã đưa vụ việc lên LHQ để đề nghị LHQ hỗ trợ tìm cách điều tra vấn đề này và có được một giải pháp mang tính xây dựng vì lợi ích tốt nhất của tất cả các bên.”

Bộ Ngoại giao Anh cho biết: “Vương quốc Anh hỗ trợ những công việc quan trọng của các báo cáo viên đặc biệt của LHQ và cam kết hợp tác thực hiện “các thủ tục đặc biệt” của OHCHR (Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ).

Trần Minh Tuấn (Theo The Guardian)

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/hang-nghin-nguoi-yeu-cau-lhq-dieu-tra-viec-thuc-dan-anh-ep-ho-roi-bo-dat-dai-cua-minh_t114c52n153948