Hàng nghìn người dân được huy động tham gia lễ rước, tế tại lễ hội Thái Miếu nhà Trần

Là chốn linh thiêng, nơi thờ tự của Tam Thánh tổ Trần triều (Thái tổ Trần Thừa, Mục tổ Trần Kinh, Nguyên tổ Trần Hấp cùng 14 vị vua Trần), Thái Miếu sẽ khai hội vào ngày 19 tháng Giêng sắp tới. Hàng nghìn người dân địa phương được huy động tham gia lễ rước, tế tại lễ hội này.

Đây là năm thứ 2, lễ hội Thái Miếu được tổ chức theo quy mô cấp thị xã.

Thái Miếu còn có tên gọi khác là Tổ miếu, Tiên miếu – nơi thờ tổ tiên của nhà Trần tại Đông Triều. Đây là một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong quần thể Khu di tích nhà Trần tại vùng đất này, được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013.

Đền An Sinh được xây dựng, khôi phục hiện nay. Ảnh: BQL

Đền An Sinh được xây dựng, khôi phục hiện nay. Ảnh: BQL

Thái Miếu tọa lạc trên ngọn đồi thấp có tên là Đồi Đình, với mặt bằng hình ông cá thiêng (linh ngư) nằm dài theo chiều Bắc - Nam, mặt quay chính Nam.

Theo tư liệu do BQL di tích cung cấp, sau khi lên ngôi vua, năm 1237, vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh) đã ban cho anh trai mình là Trần Liễu vùng đất Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Bang và Yên Hưng làm đất thang mộc và phong cho Trần Liễu là An Sinh Vương.

Tại vùng đất Yên Sinh, An Sinh Vương đã cho xây dựng điện An Sinh (nay là đền An Sinh) và nhiều công trình phủ đệ; đồng thời xây dựng Tiên Miếu (tức Thái Miếu) để thờ cúng tổ tiên và cha của mình là Thái Tổ Trần Thừa.

Sau khi An Sinh Vương Trần Liễu qua đời, nhà Trần tiếp tục sử dụng và mở rộng Tiên Miếu trở thành Thái Miếu của Hoàng gia (các vị vua Trần sau khi mất đều được thờ tự tại đây).

Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, Thái Miếu xưa chỉ còn lại dấu vết các công trình kiến trúc và các di vật dưới lòng đất.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, phát huy giá trị của di sản văn hóa nhà Trần tại Đông Triều, chính quyền thị xã Đông Triều đã tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và Trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn tiến hành, khai quật khảo cổ học, tổ chức hội thảo khoa học đánh giá về vai trò, công năng của di tích và lập hồ sơ báo cáo các cấp, các ngành chức năng để tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích Thái Miếu.

Dị vật được quy tập tại sân đền An Sinh. Ảnh: TL

Năm 2014, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nhân dân đã tổ chức tu bổ, tôn tạo Thái Miếu trên diện tích hơn 16.000m2 từ nguồn vốn xã hội hóa.

Sau hơn 3 năm triển khai đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích bằng nguồn lực xã hội hóa, đến nay, giai đoạn 1 của dự án là xây dựng đền chính và một số công trình phụ trợ đã hoàn thành.

Lễ khánh thành Khu di tích Thái Miếu nhà Trần tháng 2/2018. Ảnh: BQL

Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho lễ hội sắp diễn ra, ông Vũ Văn Tuấn - Trưởng BQL Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều cho biết: "Cho dù lễ hội mới được khôi phục, song tại lễ hội đầu tiên, lượng du khách đổ về dự hội cũng khá đông, trên 100.000 người. Lễ hội chính diễn ra từ 18 đến hết 20 tháng Giêng, trong đó ngày 19 là lễ hội chính.

Tại lễ hội này, BTC đưa các nghi lễ cổ như rước nước, lễ bảo thần, mộc dục, tiến vua vào nhằm tái hiện lại giá trị văn hóa truyền thống của các bậc tiên đế xưa. Cũng tại lễ hội, các phường, xã cùng tham gia tế lễ, rước nước và cung tiến các sản vật đặc trưng của địa phương mình.

Ước tính có 1.000 người dân địa phương tham gia trong đoàn rước, tế tại lễ hội. Hiện, mọi công tác chuẩn bị cho lễ khai hội đã hoàn thành, BTC đã và đang sẵn sàng chào đón du khách thập phương về dự hội.

Minh Lý

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/hang-nghin-nguoi-dan-duoc-huy-dong-tham-gia-le-ruoc-te-tai-le-hoi-thai-mieu-nha-tran-2019021920160857.htm