Hàng nghìn lượt người tham gia khắc phục sạt lở bờ biển tại Thừa Thiên - Huế

Nhằm khắc phục hậu quả sạt lở bờ biển sau mưa lũ, liên tục trong những ngày qua, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp lực lượng Biên phòng trên địa bàn gia cố đê bao, đắp hơn 10.000 bao cát tại các vị trí xâm thực với tổng chiều dài khoảng 500 mét đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân ven biển.

Khắc phục bờ biển bị sạt lở tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Khắc phục bờ biển bị sạt lở tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Do mưa lũ kéo dài, tình hình sạt lở bờ biển tại Thừa Thiên – Huế sau cơn bão số 5 ngày càng diễn biến phức tạp. Ước tính hơn 10 km bờ biển của địa phương bị ảnh hưởng, gây nguy cơ mất an toàn về tài sản, tính mạng của người dân sống ven biển. Cụ thể, bờ biển xã Giang Hải (huyện Phú Lộc) sạt lở hơn 3,5 km; xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) khoảng 1 km và các xã Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải (huyện Phú Vang) bị sạt lở hơn 6 km bờ biển.

Ngày 20/10, ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Thuận cho hay: Xã Phú Thuận có hơn 4,2 km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng tại các thôn Trung An, Tân An và An Dương; có đoạn ăn sâu vào đất liền 30 m với dốc dựng đứng 10 m. Mép nước hiện cao hơn so với mùa hè khoảng 30m, vài điểm xâm thực bờ cát đến 10m. Hằng năm, xâm thực và sạt lở diễn ra rất nhiều khiến bờ biển của địa phương lùi vào đất liền từ 10-12 m so với những năm trước. Với diễn biến thiên tai khắc nghiệt năm nay, tình trạng này càng trở nên phức tạp.

Đặc biệt, công trình kè tại xã Phú Thuận đã được đầu tư, thực hiện 900 m kè chính, trong đó khoảng 150 m chưa hoàn thiện. Đoạn kè chính đã vận hành, phát huy hiệu quả rất tốt qua các đợt mưa gió, sóng lớn vừa qua. Tuy nhiên, trong đợt mưa bão gần đây, hai đầu khóa kè đã bị sóng lớn phá hoại, vỡ dầm chắn; chân khóa đầu kè bị xói; đá đoạn khóa kè cũng bị sập móc gần 20 m, kéo dài khoảng 10 m. Toàn bộ vùng phía trong kè đang gặp nguy cơ sập bờ cát lớn tạo ra mặt bằng mới, thông vào phá. Cuộc sống người dân bị đe dọa nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, chính quyền và người dân xã Phú Thuận đã phối hợp cùng lực lượng bộ đội biên phòng tham gia đắp hơn 10.000 bao cát tại các vị trí xâm thực với tổng chiều dài khoảng 500 m và gia cố các đoạn đê kè biển bị hư hại. Nhờ hàng nghìn lượt người tham gia liên tục trong nhiều ngày, nhiều đoạn đê kè, vị trí xâm thực được khắc phục nhanh, cuộc sống người dân tạm thời được ổn định trước diễn biến phức tạp của mưa lũ.

Theo Thiếu tá Lê Khắc Giáp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Thuận An, thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường nhân lực, dành nhiều thời gian để giúp người dân, chính quyền huyện Phú Vang khắc phục nhanh nhất có thể, ổn định cuộc sống, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Về lâu dài, đoạn kè dọc bờ sông xã Phú Thuận cần được xử lý phần cứng, đầu tư thêm 2-3 m kè chính, kiên cố để giải quyết tình trạng sạt lở, xâm thực trên địa bàn; ổn định bền vững cuộc sống của người dân sống trong khu vực.

Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 nên khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có gió mạnh kết hợp triều cường, sóng lớn. Hậu quả làm bờ biển địa phương tiếp tục sạt lở nặng, ăn sâu vào đất liền từ 5 đến 10 m; dài khoảng 6,2 km. Bờ biển ăn sâu vào đất liền trung bình từ 5-10 m; làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều người dân xung quanh các khu vực này

Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang tập trung lực lượng, xử lý khẩn trương hậu quả bão lũ gây ra, đảm bảo an toàn cho người dân đồng thời cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị thiếu đói, không có chỗ ở. Ngoài ra, các cấp, chính quyền cũng nhanh chóng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh; tiêu độc khử trùng không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ.

Những ngày tới mưa lũ có khả năng sẽ còn tiếp tục phức tạp, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tại các vùng núi ở mức cao; sạt lở bờ biển, bờ sông, tình trạng ngập lụt sâu diện rộng, kéo dài xảy ra.

Tin, ảnh: Mai Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/hang-nghin-luot-nguoi-tham-gia-khac-phuc-sat-lo-bo-bien-tai-thua-thien-hue-20201020113911070.htm