Hàng nghìn héc-ta mía ở Sóc Trăng đang 'chết dần'

Những ngày này, chạy quanh các con đường ở huyện ven biển Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bắt gặp cánh đồng mía mênh mông với hơn 4.600 ha mía đã quá lứa, đang 'chết dần' vì không có người mua.

Công nhân đang bó mía.

Dân “đắng lòng”

Sáng 17/3, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đắc, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho biết, toàn huyện có 6.362 ha, chiếm gần 70% đất nông nghiệp toàn huyện. Đến thời điểm này (ngày 17/3) mới thu hoạch được 1.700 ha, còn lại 4.662 ha chưa thu hoạch. Năng suất bình quân khoảng 120 – 130 tấn/ha.

“Ở địa phương chủ yếu là lao động phổ thông nên chi phí cao, chiếm 20 – 25% giá thành nhưng cũng không dễ thuê, chủ yếu thương lái họ mua mía rồi thuê luôn, nhân công từ Trà Vinh và bên huyện Long Phú sang chứ tại địa phương rất ít vì đi làm thuê nơi khác”, ông Đắc nói.

Công nhân vác mía từ ruộng vào nhà.

Trưa nắng gay gắt, bà Trang Thị Bạch ở ấp Bình Du A, xã An Thạnh 2 (Cù Lao Dung) ngồi trong căn nhà mái lá cũ kỹ với vẻ thất thần nhìn trước mặt công nhân đang đốn 0,9 ha mía của mình. “Bán một công (1.300 m2) có hơn 6 triệu đồng, còn đầu tư chi phí hơn năm trời (13 tháng) nhiều hơn cả tiền bán được, trong khi năm rồi bán với giá gấp đôi. Giờ không biết lấy tiền đâu trả nợ cho đại lý phân bón, kể cả lãi nữa”, bà Bạch buồn bã nói với phóng viên Tiền Phong. Vừa dứt lời, bà chỉ tay ra phía ruộng: “Bây giờ hết mặn mà với cây mía, muốn chuyển đổi sang nuôi tôm nhưng tiền đâu mà thuê máy đào ao, chưa kể vốn đầu tư”, bà Bạch ngậm ngùi nói.

Công nhân đang thu hoạch mía ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng).

Ông Trần Văn Sông ở xã An Thạnh 2 cùng vợ đang chặt mía thuê cho thương lái tại ruộng của bà Bạch, cả hai ướt đẫm mồ hôi. Tranh thủ lúc nghỉ xả hơi, ông Sông cho biết, có 0,4 ha chưa bán nhưng biết chắc sẽ lỗ nặng vì thất và vẫn chưa có người mua. Theo lời ông, trồng một năm mới bán một lần nhưng chi phí đầu tư ngày càng tăng, chưa kể còn phải trả thêm lãi suất mua phân bón trong khi năng suất thấp, bán không ai mua như hiện nay.

“Trồng không có ăn nên năm nay tôi không trồng nữa mà bỏ đất để cỏ cho bò ăn. Hơn nữa, dân ở đây sống bám vào cây mía mấy chục năm, gắn bó riết rồi quen nhưng giá rẻ như thế này thì chịu không nổi. Bây giờ chuyển sang cây khác thì tiếc lắm vì không biết có thích nghi hay không do vùng này 6 tháng mặn, 6 tháng ngọt nên rất khó trồng, còn bám mía thì cũng không xong”, ông Sông than thở.

Ruộng mía đang chết dần.

Cùng xã, Lâm Hoàng Nhi năm nay 56 tuổi có 0,5 ha mía đã quá ngày thu hoạch nhưng đến giờ vẫn chưa có người mua. Ông Nhi gắn bó với cây mía trên 40 năm, cho biết, đất nhà còn đỡ, chứ thuê sẽ “chết lớn” nữa vì giá mía hiện nay có 400 – 500 đồng/kg. Ông cho biết thêm, ở những nơi khác, đường xa, ngoằn nghèo, không có người mua nên nhiều người dân còn gặp vô vàng khó khăn.

Anh Hưng, thương lái mua mía nói: “20 năm trong nghề ở xứ này nhưng chưa năm nào giá rẻ như năm nay. Từ trước tết đến giờ hầu như tôi mua chỗ nào người dân cũng than lỗ, còn bản thân tôi thì cũng chẳng sung sướng gì vì nếu giá cao thì bán sẽ mau hơn”. Nói xong anh Hưng chỉ tay xuống ghe khẳm mẹp của mình rồi nói: “Ghe này nằm chờ tài ở nhà máy hết 10 ngày mới lên hàng được, tính ra mỗi tháng chỉ chở được 3 chuyến là cùng, khi đó cũng gần hết mùa rồi”.

Theo lời anh Hưng, năm nay giá mía thấp, nhà máy còn tồn đọng đường nhiều làm nông dân gặp khó. Tuy nhiên giá thuê nhân công thì lại tăng mà khó tìm, điển hình như ruộng mía của bà Bạch, năm rồi thuê nhân công đốn, vác xuống tận ghe có 150.000 đồng/tấn nhưng năm nay là 200.000 đồng. “Ở đây chỗ gần mé sông là giá đó chứ còn chỗ xa thì còn cao hơn nữa”, anh Hưng nói.

Chuyển sang cây, con có giá trị

Theo lộ trình thực hiện Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), quy định gia nhập AFTA, năm 2018 Việt Nam đã hạ thuế nhập khẩu đường xuống 5%, đến 2020 sẽ là 0%. Ông Nguyễn Văn Đắc cho rằng, trước bối cảnh đó, thách thức lớn đối với người trồng mía huyện Cù Lao Dung là không tránh khỏi, khả năng cạnh tranh của cây mía huyện Cù Lao Dung thấp nên đòi hỏi phải có chính sách chuyển đổi đổi cây trồng, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để từng bước nâng cao chất lượng, giá trị các mặt hàng nông sản của huyện để tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Ông Đắc cho biết, hiện nay nhà máy vẫn đang thu mua cho nông dân đến hết tháng 5 âm lịch. Trong thời gian này, địa phương và các ngành chức năng tích cực vận động người dân không neo mía chờ giá, đồng thời thông báo rộng rãi với bà con nông dân về giá mía nhà máy đang thu mua.

Theo ông Đắc, dự kiến năm 2018 giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp từ cây mía 918 ha chuyển qua cây ăn trái 547 ha, nuôi tôm 250 ha và trồng màu các loại 121 ha.

Để thực hiện điều này, ông Đắc nêu giải pháp là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đồng thời liên kết, hợp tác trong sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Còn đối với cây mía thì tiếp tục chuyển diện tích trồng mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao và nuôi trồng thủy sản. Hơn nữa, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng để từng bước đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu canh tác, giảm chi phí đầu tư.

Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/hang-nghin-hecta-mia-o-soc-trang-dang-chet-dan-1251304.tpo