Hàng nghìn đơn vị sự nghiệp công lập sẽ bị chuyển thành công ty cổ phần

Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần. Theo đó, các ĐVSNCL thuộc các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành sẽ phải chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần.

Theo Bộ Tài chính, cả nước có 57.995 ĐVSNCL, trong đó khối Chính phủ quản lý có 57.170 đơn vị với 2.425.665 người. Các ĐVSNCL hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, trong đó đối với khối thuộc Chính phủ quản lý có 41.310 đơn vị sự nghiệp giáo dục - đào tạo (chiếm 72,26%); 605 đơn vị sự nghiệp dạy nghề (chiếm 1,06%); 6.134 đơn vị sự nghiệp y tế (chiếm 10,73%); 454 đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ (chiếm 0,79%); 1.774 đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch (chiếm 3,1%); 654 đơn vị sự nghiệp báo chí, xuất bản (chiếm 14,14%); 6.239 đơn vị sự nghiệp khác (chiếm 10,92%).

Đáng chú ý, trong số này, chỉ có 109 ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (chiếm 0,19%); 1.878 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (chiếm 3,33%); 12.841 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (chiếm 22,78%); 41.539 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ (chiếm 73,70%).

Với hiện trạng trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc quy định đối tượng chuyển đổi thành công ty cổ phần của Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg chưa bao quát hết, nhất là khi chưa đề cập đến các ĐVSNCL thuộc các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; đơn vị trực thuộc UBND huyện, quận, thị xã, .

Bộ Tài chính cho biết, cần xây dựng nghị định về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần với mục đích đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống các ĐVSNCL phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn vốn trong xã hội nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của ĐVSNCL, tăng thu nhập cho người lao động trong các ĐVSNCL chuyển đổi.

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung các ĐVSNCL thuộc cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh. Riêng đối với ĐVSNCL là các bệnh viện và trường học sẽ thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học.

Khi chuyển thành công ty cổ phần, ĐVSNCL sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, được ký lại hợp đồng thuê đất, thuê nhà cửa, vật kiến trúc của các cơ quan nhà nước; được duy trì và phát triển quỹ phúc lợi dưới dạng hiện vật như các công trình văn hóa, câu lạc bộ, bệnh xá, nhà điều dưỡng, nhà trẻ để đảm bảo phúc lợi cho người lao động; được miễn lệ phí trước bạ. Ngoài ra, các ĐVSNCL áp dụng các ưu đãi về thuế TNDN, thuế xuất khẩu, nhập khẩu, miễn, giảm tiền thuê đất khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Mặt khác, dự thảo nghị định đưa ra các chính sách bán cổ phần với giá ưu đãi cho người lao động. Cụ thể, viên chức, người quản lý và lao động được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán bằng 60% giá trị cổ phần tính theo mệnh giá. Riêng người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao được mua thêm theo mức 500 cổ phần/1 năm cam kết làm việc tiếp trong DN, nhưng tối đa không quá 5.000 cổ phần cho một người lao động.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hang-nghin-don-vi-su-nghiep-cong-lap-se-bi-chuyen-thanh-cong-ty-co-phan.aspx