Hàng ngàn phật tử tri ân Phật hoàng Trần Nhân Tông

Nhằm tri ân công đức và hành trạng của Đức Vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông, đúng vào dịp Đại lễ 710 năm ngày Ngài nhập niết bàn, hàng ngàn phật tử chùa Tân Hải hành hương về Khu Danh thắng Yên Tử (Uông Bí) và Di tích Ngọa Vân (Đông Triều, Quảng Nnh).

Đây là hai khu di tích Quốc gia Đặc biệt, nơi lưu giữ dấu ấn nhà Trần và quá trình hành đạo của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông từ khi Ngài xuất gia đến lúc nhập niết bàn.

Đại đức Thích Quảng Hiếu đã ôn lại cho các Phật tử hiểu về lịch sử cũng như cuộc đời tu hành của Vua Trần Nhân Tông và làm lễ dâng hương tưởng niệm 710 năm Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Am Ngọa Vân có từ thời Trần, Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành ở khu vực Yên Tử và năm 1307, Ngài dời về đây lập am để tu thiền. Năm 1308, sau khi về Kinh đô Thăng Long thăm chị gái, Ngài đã chọn nơi này và hóa Phật tại am Ngọa Vân. Theo tương truyền, khi đó Ngài ngồi trên một tảng đá gọi là đá Niết Bàn.

Theo sử sách, sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn ngày 1/1/1308, các đệ tử của Ngài tiến hành hỏa thiêu. Theo ghi chép là thu được hơn 3.000 viên xá lỵ khác nhau, trong đó có một số viên xá lỵ được đệ tử Pháp Loa xây một tòa bảo tháp gọi là Phật Hoàng tháp để lưu giữ một phần xá lỵ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Số còn lại, ông đưa về Kinh đô Thăng Long, lưu trữ tạm quản tại một bảo tháp trong một ngôi chùa nổi tiếng của Hoàng gia trong Cấm thành Thăng Long, đó là chùa Tư Phúc.

Và sau đó, xá lị được chia ra lưu trữ ở nhiều nơi. Trong đó, có một phần ở Đức Lăng, khu vực Tam Đường, Thái Bình. Một phần đưa về tôn trí ở tháp Phổ Minh. Một phần được tôn trí ở tháp Báo Thiên, bên bờ hồ Hoàn Kiếm ngày nay. Và sau đó Pháp Loa cho xây 2 tòa bảo tháp ở chùa Quỳnh Lâm lưu giữ ở đấy, một phần tôn trí ở vườn tháp chùa Hoa Yên, Yên Tử”,.

Đây là khu di tích quan trọng bậc nhất của vùng Đông Bắc, nơi ghi dấu những bước chân, bóng hình của Trúc Lâm Đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông và cũng là cõi linh thiêng nơi Ngài hóa Phật.

Hiện nay, tại cụm di tích Ngọa Vân còn lại 2 tòa tháp. Một tòa là Phật Hoàng tháp, còn tòa thứ 2 là Đoan Nghiêm tháp.

Tại Khu Danh thắng Yên Tử, hàng ngàn phật tử chiêm bái bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng lớn nhất Việt Nam có trọng lượng 138 tấn.

Đối trước tôn tượng Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông, toàn thể đại chúng đã được Đại đức Thích Quảng Hiếu hướng dẫn khóa lễ sám hồng danh Chư Phật.

Phật hoàng Trần Nhân Tông, đọng lại 3 con người sáng chói, làm ngọn hải đăng chỉ lối cho hành giả tu thiền Việt Nam. Đó là con người hiện thức, con người hướng thượng và con người nhập thế.

Trong tiếng kinh cầu nguyện, đoàn đã vân tập về quảng trường Cung Trúc Lâm Yên Tử, các phật tử phát nguyện tu học và cầu nguyện cho Phật pháp được mãi mãi trường tồn. Ngoài ra, các Phật tử còn được xem trích đoạn tái hiện lại thời khắc linh thiêng nhất khi Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Thanh Uyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/van-hoa-giai-tri/du-lich/hang-ngan-phat-tu-tri-an-phat-hoang-tran-nhan-tong_t114c24n142651