Hàng ngàn nông dân Gia Lai vỡ nợ tiền tỷ vì tiêu bệnh, giá thấp

Vay hơn 4.300 tỷ đồng đầu tư trồng tiêu nhưng vì dịch bệnh, rớt giá, mất mùa... khiến hàng ngàn hộ dân không còn khả năng trả nợ; nhiều gia đình 'cầm cự' bằng cách bỏ xứ đi làm thuê để trả lãi ngân hàng.

Ảm đạm

 Ông Nguyễn Văn Khôi buồn bã bên vườn tiêu bị chết

Ông Nguyễn Văn Khôi buồn bã bên vườn tiêu bị chết

Đi dọc quốc lộ 14 những ngày giữa tháng 4, đoạn qua xã Ia Phang, Ia Le, Ia Blứ (huyện Chư Pưh), nhìn hai bên đường chỉ thấy hàng ngàn trụ tiêu chết khô vì dịch bệnh, chỉ còn trơ trụ. Nhiều căn nhà khang trang nay không còn người ở, cửa đóng im ỉm, cây cỏ mọc chắn cả lối đi. Những tấm bảng bán nhà, bán rẫy treo dày đặc.

Bà Lê Thị Hoa (55 tuổi), chủ quán nước ở xã Ia Phang (huyện Chư Pưh) tiếc nuối, cách đây khoảng 4 – 5 năm, khi giá tiêu đang cao, dân cư đông đúc, việc buôn bán rất thuận lợi, mỗi ngày có thể bán được 100 ly nước mía, chưa tính cà phê và nước giải khát. Nhưng từ khi tiêu chết hàng loạt, giá cả thấp, một ngày bán được nhiều nhất 20 ly.

Cây chết, hạt tiêu rụng đầy gốc.

Có gia đình nợ hơn chục tỷ đồng, bị ngân hàng lấy hết đất đai nhà cửa, phải vào trong rừng mua đất để ở. “Trong vòng một năm nay, người dân đã bỏ đi gần hết. Cứ chiều chiều, hai bên quốc lộ này hôm nào cũng có vài người đứng bắt xe đi ra Bắc hoặc vào Nam làm thuê. Họ từng là những nông dân nhà cửa khang trang…nên tâm lý rất ngại khi phải làm thuê ở quê”, bà Hoa nói.

Ngồi trong ngôi nhà hai tầng ở xã Ia Le, bà Nguyễn Thị Loan (45 tuổi) tự trách mình dại dột, cứ đầu tư ồ ạt, không kiểm soát. Năm 2016, gia đình bà vay ngân hàng 4 tỷ đồng để xây nhà và đầu tư vườn tiêu 10.000 trụ, nhưng vì dịch bệnh nên chỉ còn khoảng 3.000 trụ sống sót. Mùa vừa rồi thu được hơn hai tấn, bán với giá 40.000 đồng/kg. Chẳng thấm vào đâu so với khoản đầu tư.

"Nghĩa địa" vườn tiêu.

“Khi xảy ra dịch bệnh, nghe ở đâu loại thuốc tốt tôi cũng chạy đi mua để cứu cây, nhưng cuối cùng cây vẫn chết. Hiện tại, gia đình còn nợ ngân hàng 1,8 tỷ đồng, mỗi tháng phải nộp 15 triệu đồng tiền lãi”, bà Loan ngao ngán và cho biết, chồng mình - ông Nguyễn Văn Khôi đang ở ngoài rẫy để chăm đàn dê, bòn mót từng đồng trả lãi.

Đứng bên vườn tiêu chỉ còn trơ trụ, cây cỏ mọc cao hơn người, ông Phan Hồng Sơn (71 tuổi, xã Ia Blứ) bảo, vì vườn này mà vợ ông phải vào Sài Gòn nấu ăn thuê để kiếm tiền trả lãi món nợ 1,5 tỷ đồng. Hai quý vừa rồi nhà không có tiền để trả lãi. Nếu ngân hàng đến siết nhà, đất thì đành chịu, vì vợ chồng ông không còn khả năng để trợ nữa.

Ông Dương Quỳnh (50 tuổi) cho biết, đầu năm nay 2019, ông có vào Sài Gòn làm bảo vệ, lương được 4 triệu rưởi/ tháng, nhưng vì chi phí quá lớn, không dư được bao nhiêu nên mới trở về Gia Lai cách đây mấy hôm.

Kêu gọi người dân quay về sản xuất

Theo ông Quỳnh, năm 2014, gia đình đầu tư 3.000 trụ tiêu hết 700 triệu. Khoan hai cái giếng, bắt đường giây điện khoảng 300 triệu đồng. Nhưng nay vườn tiêu chết hết không còn một cây. Năm vừa rồi bán được 100 trụ vớt vát thiệt hại. Năm nay mỗi trụ bán với giá 30 ngàn vẫn không ai thèm mua.

Người dân nhổ trụ bán nhằm vớt vát thiệt hại, bán với giá 30 ngàn trụ nhưng không ai mua.

Toàn tỉnh Gia Lai có trên 16,5 nghìn ha hồ tiêu. Thế nhưng, đến đầu tháng 4, trên địa bàn tỉnh có trên 5,5 nghìn ha hồ tiêu bị chết. Diện tích tiêu chết ảnh hưởng đến 32.278 hộ dân trên toàn tỉnh Gia Lai. Đặc biệt vùng trồng tiêu huyện Chư Pưh số lượng hồ tiêu chết do nắng hạn, dịch bệnh đến 80%.

Ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh tại Gia Lai cho biết, tổng dư nợ mà người dân toàn tỉnh vay trồng tiêu là trên 4.300 tỷ đồng với hơn 26.000 hộ vay. Khi hồ tiêu chết hàng loạt, giá cả tiêu tụt dốc nên hàng ngàn hộ dân không có khả năng trả nợ. Bỏ đi nơi khác làm ăn.

Nếu người vay gặp khó khăn trong việc trả nợ, ngành ngân hàng sẽ cơ cấu thời hạn nợ (trong đó có việc điều chỉnh thời hạn nợ, gia hạn thời hạn nợ); có giải pháp giảm lãi suất hoặc miễn giảm lãi tiền vay cho người vay; xem xét cho người dân vay lại để tái cơ cấu cây trồng.

Trong buổi họp báo mới đây, ông Cư kêu gọi nông dân quay về địa phương tiếp tục xản xuất. Ngành ngân hàng sẽ luôn đồng hành cùng người dân tìm cách tháo gỡ.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/hang-ngan-nong-dan-gia-lai-vo-no-tien-ty-vi-tieu-benh-gia-thap-162094.html