Hàng ngàn người tới Văn Miếu-Quốc Tử Giám xin chữ đầu năm

Việc xin chữ trở thành món ăn tinh thần nên nhiều người vẫn chấp nhận đợi cả tiếng đồng hồ để xin được chữ.

Sáng nay (26/1), tức mùng 2 Tết Canh Tý, rất nhiều người dân Hà Nội đã tới Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám để trong không gian văn hóa đậm nét truyền thống.

Sau 2 ngày 30 và mùng 1 Tết mưa rét, sáng nay mặc dù nhiệt độ xuống thấp nhưng tiết trời Hà Nội đã hửng nắng đẹp. Từ 8 giờ sáng, hàng nghìn người dân đã về Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xin chữ đầu năm cho gia đình và người thân.

Việc xin chữ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người dân. Vì vậy, nhiều người vẫn chấp nhận đợi cả tiếng đồng hồ để xin được chữ.

Ngoài 8 bàn viết chữ của 8 ông đồ khách mời đặt tại Văn Miếu, còn hơn 50 gian hàng của các ông đồ cho chữ tại khu vực Hồ Văn.

Ngoài 8 bàn viết chữ của 8 ông đồ khách mời đặt tại Văn Miếu, còn hơn 50 gian hàng của các ông đồ cho chữ tại khu vực Hồ Văn.

Để xin chữ, người dân sẽ mua giấy đỏ được bán ngay tại đó, mỗi tờ giấy đỏ được bán với giá từ 50.000 - 300.000 đồng/tờ tùy kích cỡ. Các bạn nhỏ được các phụ huynh đưa tới để hiểu biết về nét đẹp văn hóa này của người Việt.

“Em ở Thanh Trì, Hà Nội đến đây từ lúc 8h30 và xin chữ “Như Ý Cát Tường” với mong muốn mọi chuyện đều suôn sẻ, thành công trong công việc, cuộc sống”.
“Em gái tôi năm nay thì đại học nên em đến đây xin chữ “Tam khoa” cho em tôi, mong muốn kỳ thi sắp tới em sẽ đỗ đạt, thành công”.
“Gia đình tôi năm nào cũng xin chữ “Bình an”, cầu cho cả năm bình an. Với con cái, tôi xin cho các cháu chữ “chăm ngoan học giỏi”. Năm nào các con thi thì tôi xin cho cháu chữ “Đăng khoa” hoặc “đỗ đạt”, cầu cho các cháu được may mắn”, nhiều người dân Hà Nội đến xin chữ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết.

Theo quan niệm truyền thống, cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà, đồng thời cũng gửi gắm những ước nguyện năm mới trong những nét chữ.

Tại lễ hội chữ Xuân năm nay, ngoài 8 bàn viết chữ của 8 ông đồ khách mời đặt tại Văn Miếu, còn hơn 50 gian hàng của các ông đồ cho chữ tại khu vực Hồ Văn.

Ông đồ Nguyễn Tường Khải cho biết, xin chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa có từ rất lâu đời, việc xin chữ - cho chữ thể hiện sự coi trọng tri thức đồng thời là dịp thể hiện những mong muốn cho một năm mới. Các cụ xưa thường nói “Nét chữ nết người” nên những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân.

“Những người đi xin chữ thường mang một tâm niệm tốt đẹp cả với khát vọng vươn lên, làm ăn, sự nghiệp giàu có. Tâm lý người đi xin chữ đã mang một nét văn hóa rất tốt, mang tính chân thiện mỹ. Khi người dân xin chữ về mà cảm thấy vui, ra khỏi đây thấy việc xin chữ mang lại niềm vui khiến những người cho chữ rất thoải mái”, ông đồ Khải chia sẻ.

Mỗi năm việc tổ chức không gian lễ hội chữ xuân ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám có nhiều đổi mới, tạo tâm lý thoải mái cho cả người xin chữ và cho chữ, tạo thêm nét đẹp văn hóa truyền thống những ngày đầu Xuân.

“Bố cục không gian tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám rất đẹp, thuận lợi cho người viết chữ và xin chữ. Theo tiêu chí cái đẹp là sự thống nhất, năm nay Ban tổ chức yêu cầu, người viết chữ phải đeo thẻ, trang phục khăn xếp, áo the theo đúng quy chuẩn cụ đồ ngày xưa”, ông đồ Lê Mạnh Nhanh cho biết.

Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 diễn ra đến hết ngày 5/2 (tức ngày 12 tháng giêng Âm lịch), mở cửa hàng ngày từ 8 giờ tối đến 20 giờ tối. Ngoài hoạt động viết chữ thư pháp, còn có các gian hàng sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống, các trò chơi dân gian...

Bên cạnh đó, còn có các hoạt động giới thiệu truyền thống hiếu học và bản sắc văn hóa của dân tộc, tái hiện không gian giáo dục truyền thống như làng sĩ tử, quang cảnh trường thi xưa…, trình diễn nghệ thuật làm giấy dó, không gian diễn xướng nghệ thuật truyền thống như quan họ, ca trù, nhã nhạc cung đình Huế…/.

Kim Thanh/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hang-ngan-nguoi-toi-van-mieuquoc-tu-giam-xin-chu-dau-nam-1003828.vov