Hàng ngàn người dân ngóng chờ một trường mẫu giáo

Từ 3 năm nay, bậc học mầm non tại thôn Phú Thọ, phường Đông Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đang rơi vào tình trạng thiếu phòng học. Các em học sinh lứa tuổi mầm non phải đi học nhờ tại ban Quản lý (BQL) thôn, mọi điều kiện sinh hoạt như: Nước, vệ sinh, vui chơi,… dường như không có.

Clip giáo viên, người dân nói về những khó khăn thiếu lớp học cho cấp học mầm non.

Trường học không có, lớp học lại thiếu khiến cho nhiều trẻ em ở vùng biển Phú Thọ, nhất là lứa tuổi mẫu giáo phải đi học ghép, học “ké” vào bất cứ nơi đâu còn phòng trống. Cũng vì thiếu phòng học, nhiều trẻ ở độ tuổi mẫu giáo không có cơ hội tới lớp. Trước thực trạng này, hàng ngàn phụ huynh đang mong mỏi một ngôi trường mẫu giáo đúng nghĩa.

Học “ké” trong phòng BQL thôn

Do không có khu nhà vệ sinh nên mọi sinh hoạt như rửa tay của các em học sinh đều thực hiện trước phòng học. (Ảnh: Duy Quan).

Do không có khu nhà vệ sinh nên mọi sinh hoạt như rửa tay của các em học sinh đều thực hiện trước phòng học. (Ảnh: Duy Quan).

Ngày 13/11, PV báo Người Đưa Tin đã có mặt tại BQL thôn Phú Thọ, nơi đang trở thành lớp mẫu giáo của trẻ trong thôn. Trước mắt PV là ngôi nhà BQL đã cũ kỹ, xuống cấp. Bên trong BQL thôn rộng chừng 30m2 là phòng học dành cho các cháu mầm non tuổi lên 4 của trường mẫu giáo Đông Hải.

Dẫn PV tham quan phòng học này, ông Trần Văn Quang, Trưởng thôn Phú Thọ buồn bã cho biết: “Từ 3 năm nay do BQL nhường phòng lại để các em học sinh mầm non có nơi để học tập nên mỗi khi người dân tổ chức họp thôn, hay tổ chức các lễ lớn như Đại đoàn kết dân tộc thì thôn phải sắp xếp vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Thậm chí, có khi phải cho các em học sinh nghỉ học 1 đến 2 ngày. Họp thôn xong thì các cô giáo phải mất thời gian dọn dẹp lại phòng, sắp xếp lại dụng cụ học tập, nước sạch cũng không có nên đành phải xách nhờ ở các nhà dân”.

Để có nước sinh hoạt, hằng ngày cô Lương Thị Thu, giáo viên phụ trách giảng dạy tại BQL thôn phải đi xin nước từ nhà dân mang về lớp học. (Ảnh: Duy Quan)

Vì phải học ké tại BQL thôn, thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất nên môi trường cho trẻ hoạt động vui chơi, nhà vệ sinh, tường rào, nước sinh hoạt,… dường như không có. “Sát bên BQL thôn là tuyến đường huyết mạch nên lưu lượng xe máy, xe tải thường xuyên lưu thông, chỉ cần một phút lơ đễnh của giáo viên là có thể xảy ra tai nạn”, ông Quang nghẹn ngào nói thêm.

Cô Lương Thị Thu, giáo viên phụ trách giảng dạy tại đây cho biết: “Điểm trường này có tất cả 39 (vượt quy định 4) em đang theo học, phòng nhỏ lại thêm các chồng bàn ghế, mũ nón, giày dép của các em khiến cho phòng học thêm chật chội, bí bách hơn. Thiếu không gian học tập, những ngày nắng rất nóng bức. Ngoài ra ở đây không có nhà vệ sinh nên việc tiểu tiện của các em gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi lần lau sàn nhà, hay rửa tay cho các em tôi phải sang nhà dân xin nước về”.

Hiện tại, hai lớp mẫu giáo lớn (5 tuổi) được bố trí học chung tại trường tiểu học nên gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định, mỗi tiết học của lớp mẫu giáo là 35 phút. Tuy nhiên, tiết học của cấp tiểu học là 45 phút, nên hầu như các cháu không có giờ giải lao để vui chơi mà vẫn ngồi trong lớp cho đến hết giờ giải lao, để giữ trật tự cho các lớp tiểu học.

Chưa hết, lớp mẫu giáo nghỉ sớm hơn các lớp tiểu học 30 phút, nhưng giáo viên phải giữ các cháu lại trong lớp, đợi cho đến khi các lớp tiểu học tan học, mới cho các cháu ra về chung. Điều này gây rất nhiều phiền toái cho phụ huynh khi đón con em mình.

Nhiều trẻ mất cơ hội học tập

Trụ sở BQL thôn trở thành lớp học tạm cho các em mầm non. (Ảnh: Duy Quan).

Do điều kiện cơ sở vật chất chưa có nên nhiều em trong độ tuổi lên 4 hiện nay vẫn chưa thể đến trường để học tập. Chị Bùi Thị Trinh (ngụ thôn Phú Thọ, phường Đông Hải) nói: “Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp nhưng rồi vẫn chưa có trường mới cho các cháu học tập. Khi các cháu 4 tuổi, phụ huynh đến xin học thì các cô không nhận vì lý do thiếu lớp học”.

Trường Mầm non Đông Hải (thôn Phú Thọ, phường Đông Hải) còn rơi vào tình cảnh hàng trăm em từ 0 – 5 tuổi vẫn chưa được đến trường vì nguyên nhân chưa có trường mẫu giáo bài bản. “Điều kiện trường lớp ở đây chúng tôi cũng không an tâm vì khi ra chơi các em không có khuôn viên vui chơi, hơn nữa lớp học ở BQL thôn nằm sát với đường giao thông của thôn nên rất nguy hiểm. Ngoài ra, hai lớp đang học “ghép” ở trường tiểu học cũng đang xuống cấp nghiêm trọng, mỗi khi trời mưa là lớp học bị dột nên các cháu không thể học được”, chị Trinh nói thêm.

Ông Trần Văn Quang, Trưởng thôn Phú Thọ dẫn PV đi tham quan lớp học tại trụ sở thôn. (Ảnh: Duy Quan).

Trao đổi với PV về vấn đề này, bà Trần Thụy Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Đông Hải cho biết: “Theo kết quả điều tra hiện tại thôn Phú Thọ có hơn 500 em từ 0 – 5 tuổi, nhưng hiện giờ nhà trường chỉ tiếp nhận trẻ 5 tuổi để dạy còn lại thì hạn chế vì khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng học. Năm học này, nhà trường tiếp nhận 120 trẻ phân ra 3 lớp học, các lớp này nhà trường đã phân tán làm hai nơi, một là ở trường tiểu học Phú Thọ và hai là trụ sở BQL thôn”.

Cần lắm những lớp học kiên cố

Nhiều năm qua đã có những lời hứa sẽ xây dựng trường mầm non khang trang cho thôn Phú Thọ nhưng rồi lời hứa đã bị "gió cuốn đi". (Ảnh: Duy Quan)

Thực trạng thiếu phòng học ở thôn Phú Thọ đã xảy ra từ 3 năm nay. “Khi mượn tạm phòng học thì gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc giáo dục cho trẻ. Khó khăn nhất là thiếu nước sạch, nhà vệ sinh, khu vui chơi cho trẻ”, bà Trần Thụy Bích Ngọc chia sẻ với PV.

Việc thiếu thốn phòng học cũng như điều kiện cơ sở vật chất đang phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của cấp học mầm non tại thôn Phú Thọ. Học tại BQL thôn hay “ghép” với trường tiểu học không thể đảm bảo về diện tích, ánh sáng, cũng như không có cả không gian sinh hoạt ngoài trời cho các cháu.

“Học tại BQL thôn sẽ không có bếp ăn, nên các cháu không được ở bán trú, thậm chí không có nhà vệ sinh, điều này hết sức thiệt thòi cho các cháu cũng như chưa tạo được môi trường tốt để cho trẻ vui chơi, hoạt động”, bà Ngọc nói thêm.

Hằng ngày, người dân tại thôn Phú Thọ vẫn đang ngóng chờ một ngôi trường khang trang hơn để con cái họ được học trong môi trường chuẩn về chất lượng. (Ảnh: Duy Quan)

Cô Lương Thị Thu, giáo viên phụ trách giảng dạy tại BQL thôn bộc bạch: “Tôi rất mong muốn các cấp, các ngành ở Ninh Thuận quan tâm sớm xây dựng một ngôi trường mới để các em học sinh có nơi học tập tốt hơn”.

Khó khăn chồng chất khó khăn, cấp học mầm non tại thôn Phú Thọ, phường Phủ Hà đang rất cần sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học, đảm bảo chất lượng giảng dạy, để các cháu học sinh tại vùng biển Phú Thọ được học tập trong một môi trường đảm bảo, đúng chuẩn hơn.

Duy Quan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hang-ngan-nguoi-dan-ngong-cho-mot-truong-mau-giao-a410775.html