Hàng ngàn hộ dân miền núi có nguy cơ bị chôn vùi vì sạt lở

Tại Thanh Hóa, mưa lớn cộng với việc hồ Cửa Đạt xả lũ khiến hàng ngàn hộ dân bị ngập chìm trong nước. Ngay trong đêm 11 rạng sáng 12-10, các hộ dân đã được lực lượng bộ đội, công an… hỗ trợ di dời đến nơi an toàn.

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết, tại huyện này có khoảng 2.961 hộ dân bị ngập đã được di dời đến nơi an toàn.

Đến 15 giờ 30 ngày 12-10, các chuyến tàu Bắc - Nam qua địa bàn Thanh Hóa vẫn chưa thể thông tuyến do một số đoạn tại huyện Hà Trung bị ngập sâu. Đến chiều cùng ngày, theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Thanh Hóa có 7 người chết, 4 người mất tích, 3 người bị thương do mưa lũ.

Tại Nghệ An, mưa lũ đã làm 8 người thiệt mạng. Đến chiều 12-10, Nghệ An vẫn còn 9 xã bị cô lập, trong đó huyện Hưng Nguyên có 3 xã gồm: Hưng Nhân, Hưng Lợi, Hưng Lam; huyện Tân Kỳ có 6 xã gồm: Kỳ Tân, Hương Sơn, Tân An, Phú Sơn, Tiên Kỳ và Đồng Văn. Có 6 điểm trường học ở khu vực ngoài đê Tả Lam (huyện Hưng Nguyên) bị ngập sâu nên học sinh vẫn phải nghỉ học.

Sáng 12-10, tại hồ Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành mở 2 cửa van xả tràn nước với lưu lượng 50-100m3/giây. Dự kiến, thời gian xả tràn sẽ kéo dài 4 ngày, với lưu lượng lúc cao nhất có thể lên đến 250m3/giây. Hiện người dân ở các vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ cũng đã chủ động sẵn sàng các phương án ứng phó với nguy cơ có thể bị ngập lụt. Sáng cùng ngày, tại Nhà máy thủy điện Hố Hô vẫn tiếp tục xả nước về hạ du với lưu lượng điều tiết 232m3/giây.

Ngày 12-10, ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, mưa lớn những ngày qua khiến tình trạng sạt lở sông suối trên địa bàn tiếp tục diễn ra trên diện rộng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của gần 2.000 hộ dân có nhà cửa ven các con sông Đa Krông, A Sáp, A Lin, Tà Rình... Bên cạnh đó, một số điểm đèo núi dọc theo đường Hồ Chí Minh, nhất là đoạn qua đèo Pakê và nhiều điểm ven QL 49 sạt lở nghiêm trọng hơn sau các đợt mưa lớn gần đây. Song các giải pháp đưa ra vẫn chỉ mang tính chất tạm thời do thiếu kinh phí.

Tại Quảng Trị, tình trạng sạt lở bờ sông Sê Păng Hiêng đang diễn ra rất nghiêm trọng. Không chỉ người dân mất đất mà các công trình hạ tầng của nhà nước đầu tư cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng tại xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa có trên 25 hộ dân sống gần bờ sông Sê Păng Hiêng và trạm tế xã cùng nhiều công trình dân khác đứng trước nguy cơ bị sạt lở cuốn văng khi có mưa lũ.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hang-ngan-ho-dan-mien-nui-co-nguy-co-bi-chon-vui-vi-sat-lo-475175.html