Hãng mỹ phẩm bị nhân viên cũ tố phân biệt chủng tộc

Nhóm nhân viên cũ tại Glossier cho biết họ từng phải nghỉ trưa trong phòng có đầy chất thải của chuột.

Tài khoản có tên @outtathegloss được lập cách đây không lâu. Theo lời giới thiệu, đây là tài khoản do một nhóm cựu nhân viên bán lẻ của Glossier tạo nên, nhằm công khai về nạn phân biệt chủng tộc, điều kiện làm việc không tốt tại đây.

Thương hiệu mỹ phẩm cũng có động thái trước sự việc. "Trong khi các cửa hàng đóng cửa đến năm 2021 vì đại dịch, chúng tôi coi thời điểm này là cơ hội, nghĩa vụ để xây dựng trải nghiệm bình đẳng, toàn diện hơn, hướng tới sự tăng trưởng và chống phân biệt chủng tộc cho đội ngũ bán lẻ của chúng tôi", hãng viết.

Công ty thừa nhận đã không tạo ra môi trường an toàn và hòa nhập như họ mong muốn. Trong bài đăng, thương hiệu còn đưa ra lời xin lỗi vì nỗi đau và sự khó chịu mà những đồng nghiệp cũ phải trải qua.

Ngoài ra, công ty đưa ra các phương án nhằm khắc phục tình trạng này, từ việc đào tạo nhân viên, quản lý bán lẻ cho đến môi trường làm việc...

 Glossier bị nhóm nhân viên cũ tố phân biệt chủng tộc. Ảnh: Product Habits.

Glossier bị nhóm nhân viên cũ tố phân biệt chủng tộc. Ảnh: Product Habits.

"Công ty có thể công khai tất cả sự thay đổi đó không? Vì lợi ích của sự minh bạch và trách nhiệm", một dân mạng bình luận.

Mặt khác, người dùng @kylafishy hy vọng hãng tiếp tục duy trì điều này và nhìn nhận sự thay đổi.

Tài khoản @outtathegloss sau đó ghi nhận lời xin lỗi của hãng. Họ cho biết mọi thứ vẫn chưa dừng lại và đây chỉ là bước tiến đầu tiên.

Ngày 13/8, các cựu nhân viên ẩn danh đã kể chuyện phải làm quá sức do thiếu người, làm việc trong điều kiện mất vệ sinh và thù địch trên mạng xã hội. Bức thư này hiện thu hút hơn 20.000 sự đồng tình từ dân mạng.

Họ cho biết hầu hết nhân viên bán lẻ là người da màu. Trong khi đó, ban lãnh đạo cấp cao của công ty phần lớn là phụ nữ da trắng.

Họ kể chi tiết sự cố các nhân viên bán lẻ không cảm thấy được hỗ trợ bởi bộ phận nhân sự. Trong đó bao gồm việc một người đàn ông động chạm vào nhân viên mà không có sự đồng ý của cô ấy tại phòng trưng bày, người quản lý liên tục nhầm lẫn tên nhân viên hay khách hàng chụp ảnh khuôn mặt của nhân viên da màu để "khoe" làn da của mình với người bạn khác...

Điều kiện làm việc cho nhân viên bán lẻ cũng không đạt tiêu chuẩn. Họ tiết lộ đã làm việc tại nơi vẫn đang được xây dựng. Đặc biệt, họ còn nghỉ trưa trên sàn nhà đầy chất thải của chuột do không có phòng riêng.

Thiên thần Victoria's Secret phải tuân thủ những luật lệ gì? Không chỉ yêu cầu cao về ngoại hình, hãng nội y còn quan tâm đến đạo đức của người mẫu.

Phương An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-my-pham-bi-nhan-vien-cu-to-phan-biet-chung-toc-post1121441.html