Hàng mẫu, hàng bán

Chỉ vài ngày sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc, các con phố Hà Nội mau chóng trở lại dáng vẻ thường ngày. Các cửa hàng từ tạp hóa đến quán cà phê, bia bọt lại bày ra chiếm lĩnh không gian giao thông. Xe máy cũng trở lại vỉa hè...

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều là dịp không thể tốt hơn để Hà Nội “chào hàng”, thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế.

Và Hà Nội đã huy động tổng lực để gây những ấn tượng đẹp, về một Hà Nội an toàn, thân thiện, giàu bản sắc văn hóa. Các con phố Hà Nội được trang hoàng lại. Những tuyến phố gần nơi ở, hoặc di chuyển của hai vị nguyên thủ của Mỹ, Triều Tiên, và những tuyến phố chính, những giỏ hoa được treo lên tô điểm. Hàng quán được cơ quan chức năng đôn đốc sắp đặt gọn gàng. Thậm chí, không ít cửa hàng vốn hay lấn chiếm vỉa hè còn "tự nguyện" đóng cửa.

Nhiều quận tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Ngành văn hóa cũng tích cực tuyên truyền để người Hà Nội ứng xử đẹp. Chính quyền Hà Nội kêu gọi không tăng giá các dịch vụ trong thời gian diễn ra Hội nghị. Thực tế, người dân cũng ý thức được tầm quan trọng của Hội nghị nên cũng giữ vẻ lịch thiệp, giữ gìn vệ sinh môi trường tốt hơn.

Hình ảnh người dân trộm hoa trang trí quanh khách sạn JW Marriott ngay sau khi kết thúc hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều (ảnh cắt từ clip). Nguồn: Báo Giao thông

Hình ảnh người dân trộm hoa trang trí quanh khách sạn JW Marriott ngay sau khi kết thúc hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều (ảnh cắt từ clip). Nguồn: Báo Giao thông

Hà Nội tận tình phục vụ các phóng viên quốc tế "ăn, đi, xem" miễn phí. Tại Trung tâm báo chí quốc tế, có tới chín món ẩm thực truyền thống của Hà Nội được đem ra đãi khách. Trong đó, ba món phở, bún thang, bún chả hấp dẫn hơn cả. Có những thời điểm các vị khách phải chờ đến mười phút mới tới lượt. Các vị khách đều tấm tắc khen.

Điều này cũng không có gì quá bất ngờ. Ẩm thực Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng từ lâu đã được được khách quốc tế ưa chuộng. Những món ăn được phục vụ tại Trung tâm báo chí quốc tế được chọn lựa kỹ lưỡng từ nguyên liệu, rồi được chế biến bởi những nghệ nhân, những nhà hàng nổi tiếng. Ngoài ra, những phóng viên có thẻ tham gia sự kiện được xem một số chương trình nghệ thuật, đến một số điểm du lịch quanh Hà Nội, mà không phải trả tiền.

Lâu nay để quảng bá du lịch, nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam phải tổ chức các đoàn famtrip, presstrip, hoặc phải tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế... Dù có mời khách "ăn, đi, xem" miễn phí, thì chi phí vẫn rẻ hơn rất nhiều so với các hoạt động trên. Hơn nữa, đây là dịp có tới 2.600 phóng viên quốc tế đổ đến Hà Nội. Những ấn tượng tốt đẹp sẽ được lan truyền đi khắp thế giới. Hà Nội đã có màn chào hỏi thành công hơn cả mong đợi.

Nhưng chỉ vài ngày sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc, các con phố Hà Nội mau chóng trở lại dáng vẻ thường ngày. Các cửa hàng từ tạp hóa đến quán cà phê, bia bọt lại bày ra chiếm lĩnh không gian giao thông. Xe máy cũng trở lại vỉa hè, nơi vốn dành cho người đi bộ. Nhiều tuyến phố, như Tràng Thi, Tràng Tiền... những giỏ hoa được treo lên vội vã, đã bắt đầu héo đi mà chưa được thu dọn hay thay mới.

"Nếu chỉ chăm chăm chụp góc đẹp, khi đến khách du lịch thấy thực tế không phải như thế, họ sẽ có cảm giác bị đánh lừa"

Rác, tất nhiên lại xuất hiện, mọi lúc, mọi nơi. Hồ Hoàn Kiếm, trái tim của Thủ đô, những chị hàng rong, những cậu đánh giày trông phấn khởi hơn, khi có thể tung tăng kiếm khách mà ít bị nhắc nhở hay xử phạt. Đấy là chưa nói đến những hình ảnh xấu xí, khi nhiều người đủ giai tầng tranh nhau "hôi hoa" trang trí đường phố sau sự kiện. Và chỉ mai kia thôi, sẽ không ai ngạc nhiên nếu có vị khách quốc tế than phiền bị "chặt chém" các dịch vụ, ăn uống hay đi lại. Lực lượng chức năng lại "khẩn trương vào cuộc", quy trình tìm ra thủ phạm, xử phạt lại tiếp tục. Lãnh đạo ngành du lịch, thậm chí có thể đăng đàn xin lỗi nữa...

Câu chuyện quảng bá du lịch Hà Nội làm tôi nhớ lại chuyện hồi mình còn bé. Đó là khi Việt Nam mới mở cửa, có một số doanh nghiệp ký được hợp đồng may áo mùa đông với nước ngoài. Hàng mẫu, và những chuyến hàng đầu tiên được may bằng bông tấm. Khách hàng tiêu thụ ngon lành. Doanh nghiệp đó bắt đầu mở rộng sản xuất, thuê người ghép những miếng bông nhỏ lại với nhau làm lớp lót giữa, chứ không dùng bông tấm như "hàng mẫu" nữa. Cả một khu vực rộ lên phong trào may bông.

Nhưng rồi nghề may bông tắt lịm, nhanh như khi nó bùng lên. Vì sao, thì ai cũng rõ. Hồi đấy tôi còn bé nên không biết có doanh nghiệp nào phá sản không. Nhưng nghe người lớn bảo chiếc áo chỉ qua vài lần giặt thì bông vón cục. Những chiếc áo đi một khoảng cách rất ngắn từ xưởng may đến thùng rác.

Nhiều năm trôi qua, tư duy "hàng mẫu" và "hàng bán" thực ra vẫn còn rơi rớt ở nhiều doanh nghiệp. Những thứ để đem đi "chào hàng", bao giờ chất lượng cũng khá ổn, nếu không muốn nói là tốt. Sau đó vài chuyến, mọi chuyện sẽ khác. Phải đến khi có bài học đau thương người ta mới nhận ra.

Hà Nội đã trưng bày một thứ "hàng mẫu" khá hoàn hảo. Song, muốn phát triển du lịch bền vững, để hạn chế việc khách "một đi không trở lại, thì ít ra, phải thu hẹp khoảng cách giữa "hàng mẫu" với "hàng bán đại trà", từ "ăn, đi, xem" cho đến chất lượng phục vụ, môi trường xã hội lẫn môi trường tự nhiên...

Tôi có quen một vị Tiến sĩ chuyên ngành máy tính. Ông có lập một website hướng dẫn du lịch Hà Nội. Ở các điểm du lịch trên trang, ông luôn sử dụng ảnh camera 360 độ, bao quát hết mọi góc độ của điểm du lịch. Những thông tin trên trang web rất bổ ích. Nhưng lại có "điểm trừ" là ảnh ông rất thực - thi thoảng xuất hiện những góc độ không ai muốn khi quảng bá du lịch. Tôi hỏi ông, vì sao lại thế. Ông tủm tỉm cười bảo: "Nếu chỉ chăm chăm chụp góc đẹp, khi đến khách du lịch thấy thực tế không phải như thế, họ sẽ có cảm giác bị đánh lừa".

Giang Nam

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/hang-mau-hang-ban-17702.html